Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp về Syria:

Nga phản đối thiết lập vùng cấm bay

Thứ Bảy, 28/01/2012, 10:02
Ngày 26/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moskva sẽ nỗ lực ngăn chặn kế hoạch thiết lập vùng cấm bay tại Syria bởi việc này sẽ gây tình trạng bất ổn đối với trật tự thế giới.

Dư luận đặc biệt quan tâm tới cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (họp kín) về tình hình Syria diễn ra tối 27/1 (theo giờ Moskva) bởi Morocco sẽ thông báo dự thảo nghị quyết do phương Tây và các quốc gia Arab cùng soạn thảo, kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức. Trong khi đó có tin nói rằng, một số nước thành viên UNESCO ủng hộ việc khai trừ Syria ra khỏi tổ chức này. Đây là đề nghị do Mỹ đưa ra và được Anh, Đức, Pháp và một số nước Arab như QatarKuwait ủng hộ.

Dự kiến, đề xuất này sẽ được xem xét trong thời gian từ 27/2 đến 10/3 tại UNESCO. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng cáo buộc chính phủ Syria vi phạm nhân quyền sau khi hãng AP cho rằng, đã có khoảng 5.400 người thiệt mạng kể từ khi nổ ra những cuộc biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 3/2011.

Trước thềm cuộc họp kể trên, hôm 26/1, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Nabil al-Arabi cho biết, ông và Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassem al-Thani sẽ cùng đệ trình một kế hoạch của AL nhằm giải quyết tình trạng bất ổn kéo dài nhiều tháng qua tại Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 30/1. Trong đó có đề cập tới việc yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad chuyển giao quyền lực cho cấp phó và thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử.

Ông Nabil al-Arabi cũng từng bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra nội chiến tại Syria (13/1) khi uy tín của phái đoàn quan sát viên của Liên đoàn Arab tại Syria bị giảm sút. Trước đó (lần đầu tiên) Quốc vương Qatar Khalifa al-Thani công khai ủng hộ việc đưa binh sĩ các nước trong khu vực đến Syria để chấm dứt tình trạng bạo lực tại quốc gia này. Tuy nhiên, nguyên Đại sứ Nga tại NATO Dmitry Rogozin cũng từng cảnh báo phương Tây không nên can thiệp vào tình hình Syria.

Cũng trong ngày 26/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moskva sẽ nỗ lực ngăn chặn kế hoạch thiết lập vùng cấm bay tại Syria bởi việc này sẽ gây tình trạng bất ổn đối với trật tự thế giới. Theo ông Sergei Ryabkov, khi thực hiện nghị quyết 1970 và 1973 đối với Libya, khái niệm vùng cấm bay đã bị NATO bóp méo - biến thành việc trợ giúp quân sự đối với một bên trong cuộc xung đột. Ngoài ra, Nga cũng phản đối mọi nghị quyết yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad từ chức.

Trước đó (12/1), Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev từng khuyến cáo về khả năng NATO lên kế hoạch để can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria theo kiểu Libya khi muốn thiết lập vùng cấm bay tại Syria. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga Gannady Gatilov cũng từng tuyên bố (13/1), cách tiếp cận của phương Tây hoàn toàn khác với Moskva trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nhấn mạnh, Tổng thống Bashar al-Assad có từ chức hay không là vấn đề nội bộ của Syria và Nga sẽ tiếp tục trình dự thảo nghị quyết về Syria lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Người biểu tình tại Syria.

Ngày 25/1, sau cuộc gặp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Moskva sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho Syria, cũng như chỉ trích cả chính phủ Syria và phe đối lập trong việc lạm dụng vũ lực. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng tái khẳng định việc Nga không ủng hộ việc Liên Hợp Quốc thông qua các trừng phạt kinh tế vốn đã được Liên minh châu âu (EU) và Mỹ áp đặt.

Về phần mình, Syria cũng đã bác đề xuất của Liên đoàn Arab về việc thành lập chính phủ liên minh trong vòng 2 tháng để thực hiện chuyển giao quyền lực hòa bình. Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem cáo buộc AL làm tay sai cho một âm mưu can thiệp từ nước ngoài.

Được biết, ngày 25/1, quan sát viên đến từ các quốc gia Arab đã rời Syria sau khi họ cho rằng, tình trạng bạo lực đẫm máu tại nước này là không ngăn chặn được. Tuy nhiên vẫn có tin nói rằng, sự rút lui này không ảnh hưởng đến sứ mệnh mới được gia hạn đến ngày 23/2. Việc này diễn ra khi các nhà hoạt động nhân quyền Syria cho rằng, lực lượng an ninh đã tiến vào Douma sáng 26/1 trong khi hàng trăm nghìn người Syria tập trung tại các quảng trường chính trên cả nước để bày tỏ sự đoàn kết với Tổng thống Bashar al-Assad và phản đối kế hoạch mới của Liên đoàn Arab.

Damascus tiếp tục khẳng định, tình hình bạo lực tại Syria là do các phần tử khủng bố và những tay súng được bên ngoài hỗ trợ tiến hành. Damascus cũng bác bỏ mọi chỉ trích quốc tế về vi phạm nhân quyền bởi tới nay đã có khoảng 2.000 cảnh sát và nhân viên an ninh bị những kẻ khủng bố và cực đoan sát hại.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 25/1, Ngoại trưởng Canada John Baird đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 4 ngân hàng, 3 công ty dầu mỏ và 22 cá nhân có liên quan tới chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Mỹ cũng vừa chất vấn Nga về thương vụ vũ khí với Syria sau khi giới truyền thông dẫn nguồn tin cho biết, hãng cung cấp vũ khí Nga Rosoboronexport tiết lộ, Nga đã ký hợp đồng trị giá 550 triệu USD để bán 36 máy bay Yak-130 cho Syria. Trước đó Mỹ từng cáo buộc Iran cung cấp vũ khí cho Syria đàn áp người biểu tình

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.