Nga nổi cáu về học thuyết quân sự của Ukraine

Thứ Sáu, 04/09/2015, 08:18
Theo Sputnik News ngày 3/9, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk xác nhận, Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine hôm 2/9 đã thông qua dự thảo học thuyết quân sự mới của nước này, trong đó xác định Nga là đối thủ quân sự, 

Học thuyết quân sự mới đồng thời nêu điều kiện để giải phóng những vùng lãnh thổ bị tạm chiếm. Dự thảo học thuyết quân sự này cũng khẳng định việc từ bỏ chính sách không liên kết và tuyên bố khôi phục chiến lược gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine.

Cơ quan báo chí của Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine dẫn lời Thủ tướng Yatsenyuk cho biết: “Hội đồng bộ trưởng đã thông qua bản dự thảo Học thuyết quân sự mới của Ukraine. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nền độc lập của Ukraine, một bản dự thảo học thuyết quân sự xác định rõ được kẻ thù và kẻ xâm lược của Ukraine. Đó là Nga”.

Ông Yatsenyuk giải thích thêm rằng, sau khi được Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine thông qua, bản dự thảo học thuyết quân sự mới sẽ được trình lên để Tổng thống nước này Petro Poroshenko phê chuẩn trước khi có hiệu lực. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng, Tổng thống Poroshenko nêu rõ, học thuyết mới “không chỉ chính thức xác định Liên bang Nga là một đối thủ quân sự của Ukraine, mà còn đặt ra nhiệm vụ tái tổ chức lại các đơn vị quân đội và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự cần thiết ở các khu vực miền Đông và Nam Ukraine”.

Phản ứng trước động thái này của Ukraine, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Chống tham nhũng thuộc Duma Quốc gia Nga, bà Irina Yarovaya cho biết, dự thảo học thuyết quân sự mới của Ukraine là minh chứng cho sự thiếu hụt về sự điều chỉnh của chính phủ lâm thời Ukraine.

Chủ tịch Yarovaya nói: “Bản dự thảo học thuyết quân sự mới của Ukraine không phải là tài liệu về an ninh quốc gia, mà là một thách thức đầy hung hăng với thế giới, qua đó khẳng định sự thiếu điều chỉnh của Chính phủ Ukraine”.

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk. Ảnh: Reuters.

Bà Yarovaya nói thêm rằng, “thật không may, vì lỗi lầm của những người thông qua một cuộc đảo chính và bạo lực để áp đặt quyền lực của họ (tại Ukraine), Ukraine đang nhanh chóng mất đi những gì còn lại của một nền văn hóa pháp lý và dần hướng tới chính sách nhà nước cận biên.

Và học thuyết quân sự mới này, “nỗi ám ảnh với một cuộc chiến”, lại một lần nữa xác nhận điều này”. Bà Yarovaya nhấn mạnh rằng, không một “báo cáo điên rồ” nào có thể thay đổi điều quan trọng nhất, đó là “dân tộc Ukraine đã, đang và sẽ tiếp tục là người anh em của Nga”.

Mặc dù đã rất nhiều lần Nga tuyên bố không liên quan gì tới cuộc xung đột nội bộ đang diễn ra ở Ukraine, không trợ giúp các lực lượng dân quân hay gửi quân tới Donbass, nhưng Kiev vẫn tiếp tục cáo buộc Moskva “xâm lược quân sự” và thường xuyên “phát hiện” tại miền Đông Ukraine và tại khu vực biên giới với Nga các đơn vị Quân đội Nga. Các nhà quan sát quốc tế cũng khẳng định không phát hiện bất cứ hoạt động quân sự nào trong khu vực.

Bên cạnh dự thảo học thuyết quân sự mới, trong đó xác định Nga là đối thủ quân sự, Chính phủ Ukraine cũng đã chính thức ban hành nghị định hủy bỏ thỏa thuận về hợp tác công nghiệp quốc phòng với Nga, sau nhiều tuyên bố không chính thức của giới chức lãnh đạo Ukraine.

Nghị định này nêu rõ: “Chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận giữa Chính phủ Ukraine và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác sản xuất và khoa học-kỹ thuật giữa các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp quốc phòng, được ký ngày 18/11/1993 tại thành phố Moskva”.

Trước đó, hồi tháng Năm vừa qua, Ukraine cũng đã đơn phương tuyên bố chấm dứt hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước. Thủ tướng Yatsenyuk cho rằng, Liên bang Nga là quốc gia xâm lược, sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea, can thiệp quân sự tại các khu vực Donetsk và Lugansk, gây nên một mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Do đó, Nội các nước này quyết định phải chấm dứt thỏa thuận hợp tác. Theo giới phân tích, việc cắt đứt quan hệ về công nghiệp quốc phòng với Nga sẽ khiến các doanh nghiệp của Ukraine rất khó tồn tại. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp sản xuất vũ khí của Ukraine chủ yếu sống dựa vào các đơn hàng gia công thiết bị, chế tạo linh kiện từ Nga, cơ bản là không có bước phát triển về công nghệ quân sự.

Việc chấm dứt hoàn toàn hợp tác sẽ khiến họ phải tìm kiếm những đối tác và đơn hàng mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, thị phần vũ khí có liên quan đến công nghệ Liên Xô rất ít ỏi, nếu có thì đơn hàng cũng rất nhỏ, rất khó kiếm được tiền để duy trì hoạt động chứ đừng nói là thiết kế mới hay phát triển công nghệ mới.

Theo đó, các doanh nghiệp Ukraine nếu muốn tồn tại thì buộc phải chuyển hướng sang công nghệ phương Tây. Nhưng, với nền tảng công nghệ, cơ sở vật chất, dây chuyền công nghệ chỉ phù hợp với vũ khí kiểu Liên Xô, rất khó để doanh nghiệp nước này cạnh tranh nổi với các nhà sản xuất phương Tây.

Việc tái cơ cấu ngành công nghiệp quốc phòng, xây dựng nền móng công nghệ phương Tây về cả con người lẫn cơ sở vật chất sẽ cần rất nhiều thời gian để Ukraine làm lại từ đầu, bắt kịp ngành công nghiệp quân sự phương Tây đã phát triển hàng trăm năm nay. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là sự chuyển hướng này sẽ tốn một khoản ngân sách rất lớn. Mà với nền kinh tế èo uột như hiện nay, đó là việc bất khả thi đối với chính quyền tại Kiev.

Chưa dừng lại ở dự thảo học thuyết quân sự và nghị định hủy bỏ thỏa thuận về hợp tác công nghiệp quốc phòng với Nga, Ukraine còn đang tham gia cuộc tập trận chung với NATO mang tên Gió biển 2015, kéo dài tới ngày 12/9. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, trong năm 2015, Ukraine sẽ tham gia 11 cuộc tập trận cùng NATO. Trong khi đó, nước Nga luôn gọi các cuộc tập trận của NATO ở châu Âu là hành động khiêu khích.

Khổng Hà
.
.
.