Nga - Trung phản đối cuộc chạy đua vũ trang không gian của Mỹ

Thứ Năm, 14/02/2008, 11:53
Nga - Trung Quốc đang kêu gọi LHQ nhanh chóng phê chuẩn hiệp ước cấm sử dụng vũ khí trong không gian ngày 13/2 càng khiến Nhà Trắng thêm lúng túng.

Phát biểu tại Hội nghị giải trừ quân bị được tổ chức ở Geneva (Thuỵ Sĩ), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đưa ra lời cảnh báo: "Nếu không kịp thời ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang trong không gian, an ninh thế giới sẽ bị đe dọa. Nhiệm vụ này cần phải được đề ra trong chương trình nghị sự. Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại vấn đề này".

Cùng với những tuyên bố này, Nga và Trung Quốc còn đề xuất về dự thảo Hiệp ước cấm sử dụng vũ khí trong không gian, trong đó cấm việc triển khai trong chương trình phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang tìm mọi cách thuyết phục một số nước ở khu vực Đông Âu cùng tham gia. Phía Trung Quốc còn bày tỏ hy vọng rằng việc phê chuẩn Hiệp ước này sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Yang Jiechi khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng thuyết phục các thành viên khác của LHQ tham gia.

Đương nhiên là chính quyền Washington đã bác bỏ hoàn toàn đề xuất này. Phát ngôn viên Nhà Trắng Dana Perino tuyên bố: "Mỹ phản đối việc đưa ra những giới hạn mới trong quá trình khai thác tiềm năng phục vụ con người trong vũ trụ". Theo Mỹ, cách tốt nhất để ngăn chặn chạy đua vũ trang trong không gian là khuyến khích đối thoại và có những biện pháp xây dựng lòng tin để các cường quốc không trở thành đối thủ của nhau trong vấn đề này.

Dana Perino nói: "Mục đích của Hiệp ước kiểm soát vũ khí phải không làm ảnh hưởng tới quyền lợi nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và triển khai các hoạt động trong vũ trụ phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ".

Kể từ sau khi Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa phá huỷ vệ tinh hồi tháng 1/2007, Mỹ tiếp tục mở rộng các chương trình vũ khí trong không gian của mình. Năm ngoái, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ đã yêu cầu Quốc hội thông qua khoản ngân sách mới 10 triệu USD phục vụ cho việc nghiên cứu hệ thống phòng thủ tên lửa.

Đồng thời, Washington cũng đẩy nhanh việc thuyết phục chính phủ CH Czech và Ba Lan thực hiện kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu.

Việc này đã tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía Nga. Chính quyền Moskva luôn giữ quan điểm rằng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu của Mỹ chỉ nhằm mục đích đe dọa an ninh Nga. Mới đây nhất, trong bài phát biểu thể hiện tầm nhìn nước Nga cho tới năm 2010, Tổng thống Vladimir Putin còn khuyến cáo thế giới đang bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới và nước Nga sẽ "buộc phải trả đũa" bằng các loại vũ khí công nghệ cao, tối tân. 

Nhà lãnh đạo này cáo buộc phương Tây làm ngơ trước những quan ngại của Moskva khi mở rộng khối liên minh quân sự NATO tới sát lãnh thổ Nga và triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Trung Âu.

Tổng thống Vladimir Putin cho biết, "trong vài năm tới, Nga sẽ khởi động việc chế tạo các loại vũ khí mới, không hề thua kém những gì mà các nước khác hiện có và trong một số trường hợp còn vượt trội hơn".

Đáng chú ý là không chỉ nói chuyện trước các chính trị gia, quan chức và tướng lĩnh cấp cao thuộc Hội đồng nhà nước, ông Vladimir Putin còn thể hiện quan điểm cứng rắn của mình với lãnh đạo Ukraine ngay trong cuộc gặp giải quyết những bất đồng về vấn đề khí đốt hôm 12/2.

Đi thẳng vào vấn đề đang được quan tâm, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, Nga có thể chĩa tên lửa vào Ukraine nếu quốc gia láng giềng này gia nhập liên minh NATO và chấp nhận triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Về phía mình, Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko cũng rất mềm mỏng nói rằng ông có biết một số vấn đề nhạy cảm trong việc gia nhập NATO song lại hy vọng có thể giải quyết bằng con đường đối thoại cởi mở và chân thành, đồng thời hứa rằng mọi việc Ukraine làm đều không nhằm mục đích chống Nga.

Đã qua rồi cái thời nước Mỹ, vốn cho mình là một cường quốc số 1 thế giới, muốn làm gì thì làm, giờ đây, Washington cần phải bình tĩnh xem xét mọi cái lợi hại trước khi đưa ra bất kể một đề xuất nào trong mọi vấn đề quốc tế

Huyền Chi
.
.
.