Nga - Trung: Đồng thuận trong nhiều vấn đề trọng đại

Thứ Hai, 26/05/2008, 11:21
Sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố, thế giới sẽ không thể phớt lờ tiếng nói chung của Nga và Trung Quốc, đồng thời bác bỏ những chỉ trích đối với liên minh này.

Ông Dmitry Medvedev nhấn mạnh, việc chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên bên ngoài các nước từng thuộc Liên Xô cũ mang ý nghĩa to lớn bởi đó là nhân tố chính của an ninh toàn cầu - không có tiếng nói của Nga và Trung Quốc thì cộng đồng quốc tế không thể đưa ra được những quyết định trọng đại.

Từ bài nói chuyện tại Trường Đại học Bắc Kinh

Tổng thống Dmitry Medvedev đã có bài nói chuyện trực tiếp và trả lời phỏng vấn bằng tiếng Nga với khoảng 600 sinh viên đang theo học tiếng Nga tại Trường Đại học Bắc Kinh, một trong những trường đại học lâu đời nhất và có uy tín nhất ở Trung Quốc.

Trong buổi nói chuyện diễn ra vào hồi 15h ngày 24/5 (theo giờ địa phương), Tổng thống Dmitry Medvedev đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc thúc đẩy mối quan hệ Nga - Trung trong thời gian tới vì lợi ích của hai nước. Tổng thống Dmitry Medvedev cho rằng, hợp tác Nga - Trung nên phát triển thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Việc ký "Tuyên bố chung Nga - Trung" được coi là thành công lớn nhất trong chuyến công du 2 ngày (23 và 24/5) tới Trung Quốc của Tổng thống Dmitry Medvedev. Trong đó thể hiện sự nhất trí cao đối với nhiều vấn đề quan trọng giữa Tổng thống Dmitry Medvedev và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Cho đến nay, Trung Quốc và Nga có khá nhiều điểm tương đồng trong việc giải quyết những vấn đề nổi cộm trên thế giới như "Chương trình hạt nhân của Iran", "Giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên", "Kosovo tuyên bố độc lập", "Tái thiết Iraq và Afghanistan"… và trong quan hệ quốc tế, các nước cần từ bỏ "tư duy chiến tranh lạnh", phát huy tinh thần bình đẳng, dân chủ và hợp tác.

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc ủng hộ Nga trong việc phản đối kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ tại Đông Âu và đề nghị một hiệp ước chống triển khai vũ khí không gian chứng tỏ 2 nước có chung quan điểm trong vấn đề này.

Việc chọn Trung Quốc là quốc gia thứ hai, sau Kazakhstan tới thăm sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Dmitry Medvedev đã thể hiện rõ sự quan tâm tới quốc gia hơn 1,3 tỷ dân, cũng như chính sách đối ngoại của Nga trong thời gian tới - coi Trung Quốc là đối tác chiến lược. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã nhận lời mời của Tổng thống Dmitry Medvedev đến thăm Nga trong năm 2009.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, với việc chọn Trung Quốc là điểm tới đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài (sau Kazakhstan), Tổng thống Dmitry Medvedev muốn nhấn mạnh tới chính sách đối ngoại "gió Đông thổi bạt gió Tây" - coi trọng Trung Quốc và châu Á hơn phương Tây, cũng như khẳng định vị thế quan trọng của châu Á trong thời gian tới. Giới phân tích nhận định, sự đồng thuận Nga - Trung đã và đang dần biến thành những lợi ích to lớn cho cả hai nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Mối quan hệ chiến lược Nga - Trung đang trở thành nền tảng vững chắc trong việc xây dựng mối tương quan lực lượng với Mỹ, quốc gia đang muốn gia tăng sự hiện diện ở cả châu Á lẫn châu Âu. Giới chuyên môn cho rằng, sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Dmitry Medvedev, song phương sẽ tiếp tục soạn thảo bản kế hoạch hành động mới cho 4 năm tiếp theo sau khi thực hiện thành công "Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác giai đoạn 2005-2008".

Theo Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, hợp tác quân sự cũng là một phần quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược song phương bởi nó đảm bảo thế cân bằng chiến lược quốc tế, thúc đẩy tiến trình đa cực hoá và củng cố hoà bình, ổn định trên thế giới.

Đến việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương

Thông qua chuyến thăm này, Tổng thống Dmitry Medvedev muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ về chính trị và kinh tế với Trung Quốc trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến nhạy cảm, phức tạp. Theo "Tuyên bố chung Nga - Trung", tuy hai nước đều phản đối chính sách bảo hộ mậu dịch và bảo hộ đầu tư, nhưng ủng hộ việc giải quyết tranh chấp thương mại thông qua các hoạt động tư vấn trên cơ sở bình đẳng và hợp tác.

Dự kiến, trao đổi thương mại song phương (đã tăng gấp 7 lần trong thập niên qua) sẽ có những bước đột phá mới sau chuyến công du của Tổng thống Dmitry Medvedev. Riêng năm 2007, trao đổi hàng hoá song phương tăng 40,5%, đạt 40,29 tỉ USD, dự kiến con số này có thể đạt 60 tỉ USD trong năm 2008 và 80 tỉ USD vào năm 2010. Giới bình luận cho rằng, việc ưu tiên phát triển kinh tế đã khiến Nga và Trung Quốc đều muốn hướng trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình tới môi trường cạnh tranh hòa bình.

Việc chọn Trung Quốc là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Dmitry Medvedev cho thấy Chính phủ mới của Nga rất coi trọng quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược với Trung Quốc, đồng thời thể hiện rõ tính vững chắc của quan hệ Trung - Nga. Một số nhà phân tích cho rằng, vì muốn phát triển kinh tế nên Nga và Trung Quốc đều hướng trọng tâm chính sách đối ngoại sang tìm môi trường cạnh tranh hòa bình và xây dựng thế giới đa cực.

Giới kinh tế cho rằng, Tổng thống Dmitry Medvedev muốn thuyết phục Trung Quốc mua thêm nhiều mặt hàng khác của Nga, ngoài dầu mỏ và khí đốt. Theo thống kê, trong mấy năm gần đây, việc xuất khẩu máy móc và đồ điện tử của Nga sang Trung Quốc đang bị sụt giảm. Nga cũng đang tìm nguồn đầu tư cho các dự án kinh tế khác với tổng trị giá lên tới 3 tỉ USD.

Tổng thống Dmitry Medvedev cho rằng, thế kỷ XXI là thời điểm thích hợp để 2 nước hợp tác trong nhiều lĩnh vực như du hành vũ trụ, công nghệ nano, đóng tàu, sản xuất ôtô và các lĩnh vực công nghệ cao khác. Được biết, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga, sau Liên minh châu Âu.

Giới bình luận cho rằng, tuy trị giá kinh tế được ký trong chuyến công du của Tổng thống Dmitry Medvedev không lớn (ký một thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD về mở rộng một nhà máy làm giàu uranium tại Trung Quốc), nhưng nó là tiền đề để hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại trong thời gian tới.

Dự kiến đến năm 2020, Trung Quốc sẽ đưa nhà máy điện hạt nhân với công suất 40.000 gigawatt vào sử dụng và sẽ đầu tư tới 50 tỷ USD cho 30 lò phản ứng hạt nhân trên cả nước. Được biết, một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp, tài chính và hợp tác liên vùng cũng đã được ký nhân chuyến công du lần này của Tổng thống Dmitry Medvedev.

Ngoài ra, dự án xây dựng các khu nhà ở tại thành phố nghỉ mát Sochi của Nga với tổng vốn đầu tư lên tới 180 triệu USD, cũng như việc xây dựng ở Nga 28 khu công nghiệp với tổng diện tích 10 triệu km2 cùng số vốn đầu tư 7 tỉ USD cũng được đưa ra thảo luận. Với nguồn tài nguyên phong phú, dân số đông nhất thế giới, kinh tế đang phát triển mạnh, Trung Quốc là điểm đến đầy tiềm năng của các nhà kinh doanh Nga trong thời gian tới

Quốc Trung
.
.
.