Nga - Nhật căng thẳng vì tranh chấp quần đảo Nam Kuril/Hokkaido
Các nhà phân tích thế giới nhận định rằng, với chuyến thăm quần đảo Nam Kuril/ Hokkaido của ông Dmitry Medvedev, viễn cảnh giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản ngày càng xa vời. Cũng chính vì những tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ này mà Moskva - Tokyo đến nay vẫn chưa thể ký một hiệp ước hòa bình cho dù hai bên đều muốn tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh.
Hãng Reuters đưa tin, ngay sau khi Thủ tướng Nga tới thăm đảo Kunashir, một trong 4 hòn đảo thuộc quần đảo Hokkaido/Nam Kuril nhân chuyến công tác ở vùng Viễn Đông Nga hôm 3/7, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu Đại sứ Nga tại Tokyo Yevgeny Afanasiyev để phản đối. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kenichiro Sasae còn khẳng định với Đại sứ Yevgeny Afanasiyev rằng, quần đảo Hokkaido/Nam Kuril là thuộc chủ quyền của Nhật Bản, vì thế động thái của Nga là không thể chấp nhận được và đây là một sự kiện đáng tiếc.
Quần đảo Hokkaido/Nam Kuril nằm giữa vùng nước dồi dào tài nguyên và phong phú bậc nhất Thái Bình Dương. |
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba tuyên bố, chuyến thăm của ông Dmitry Medvedev không phù hợp với quan điểm của Nhật Bản và có thể ảnh hưởng tới nỗ lực xây dựng bầu không khí tích cực trong quan hệ Nga - Nhật.
Trong khi đó, đoàn quan chức Nga do Thủ tướng Dmitry Medvedev dẫn đầu cùng Phó Thủ tướng Olga Golodets, Bộ trưởng Các vấn đề Viễn Đông Viktor Ishaev, Bộ trưởng Phát triển khu vực Olek Govorun và Tỉnh trưởng tỉnh Xakhalin Alexander Khoroshavin... vẫn tiếp tục chuyến thăm theo kế hoạch bằng việc thăm các cơ sở công nghiệp và tiếp xúc với cư dân trên đảo. Được biết, đây là chuyến thăm thứ hai của ông Dmitry Medvedev tới quần đảo Hokkaido/Nam Kuril, sau chuyến thăm đầu tiên diễn ra tháng 11/2010, khi ông giữ cương vị Tổng thống.
Rõ ràng, những tuyên bố phản đối từ Nhật Bản là ám chỉ về những gì mà Moskva-Tokyo đã nỗ lực trong suốt thời gian qua để hàn gắn mối quan hệ rạn nứt. Hơn một tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí sẽ khôi phục các cuộc đàm phán song phương về giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền giữa hai nước tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì thế, nhiều người lo ngại chuyến thăm này của Thủ tướng Dmitry Medvedev có thể ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán giữa hai nước. Nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng, những tranh chấp lãnh thổ chưa thể chia rẽ Nga - Nhật.
Cho đến nay, quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin vẫn là, đặt hợp tác kinh tế song phương lên trên vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Hiện tại, Nga và Nhật Bản vẫn đang dự định ký thỏa thuận nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực nhập cảnh cho công dân của nhau nhằm thúc đẩy các hoạt động du lịch và đầu tư giữa hai nước.
Quần đảo Hokkaido/Nam Kuril nay thuộc tỉnh Sakhalin của Nga, là một quần đảo núi lửa trải dài khoảng 1.300km về phía Đông Bắc từ Hokkaido, Nhật Bản tới Kamchatka của Nga, chia tách biển Okhotsk từ phía Bắc Thái Bình Dương. Quần đảo này có khoảng 56 đảo và nhiều đảo đá nhỏ khác. Toàn bộ diện tích trên đảo là 15.600km2 và dân số là 19.000 người. Trong cuộc chiến Nga - Nhật năm 1904-1905, Nhật chiếm đóng bờ biển Kamchatka nhưng sau đó bị Nga đẩy lùi. Sau khi cuộc chiến kết thúc, Nga cho phép Nhật đánh bắt cá tại vùng biển này theo hiệp định đánh bắt cá Nga - Nhật kéo dài đến năm 1945. Sau khi phát xít Nhật bại trận vào năm 1945, toàn bộ quần đảo Nam Kuril nằm dưới quyền kiểm soát của Liên Xô và nay là Nga. Tất cả cư dân trên đảo sau đó đã được đưa sang định cư ở vùng Trung Á thuộc Liên Xô. Tuy nhiên đến nay Nhật vẫn khẳng định chủ quyền của mình ở 4 đảo cực Nam của quần đảo này là Kunashir, Iturup, Shikotan và Habomai - được gọi chung là Lãnh thổ phương Bắc. Bốn đảo này được sáp nhập vào Liên Xô ngày 18/8/1945, tức ba ngày trước khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng. Khi đó, Liên Xô đã di dời 17.000 người Nhật trên quần đảo này sang Kazakhstan và Uzbekistan, đến năm 1946 thì tuyên bố bốn hòn đảo thuộc Liên Xô. Năm 1956, khi Nhật và Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã đề nghị trả lại hai đảo Shikotan và Habomai cho Nhật nhưng thất bại trong đàm phán. Năm 1991, Tổng thống Nga Boris Yeltsin từng đề cập lại vấn đề này nhưng bị dư luận Nga phản đối quyết liệt. (Chu Nguyễn) |