Mỹ và Trung Quốc ‘tranh luận’ về an ninh ở Biển Đông

Thứ Bảy, 01/08/2015, 09:54
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 30/7, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ cố tình gây bất hòa giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng xung quanh vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, Nhà Trắng lại khẳng định, những hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ nguy hại đến an ninh hàng hải mà còn tác động xấu đến môi trường biển.

Phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố: “Mỹ đã cố tình không tôn trọng và xuyên tạc sự thật cũng như thổi phồng mối đe dọa về quân sự của Trung Quốc nhằm gây bất hòa giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông”.

Theo ông Dương Vũ Quân, việc Mỹ đưa máy bay trinh sát vào khu vực Biển Đông và tham gia các cuộc tập trận chung với một số quốc gia trong khu vực như Philippines đã thể hiện rõ “mưu đồ can thiệp vào khu vực châu Á”. Tờ Washingtonpost thì đưa tin, cùng với việc cáo buộc Mỹ chia rẽ các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng đưa ra một số lý giải cho rằng, việc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông là hợp lý và phù hợp với chính sách cũng như quyền của Trung Quốc.

Đương nhiên, những lời ngụy biện này đã ngay lập tức bị đại diện các quốc gia láng giềng bác bỏ.

Hãng Bloomberg đăng tải thông tin về việc Trung Quốc xây dựng đường băng ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Một quan chức cấp cao của Philippines khẳng định, hành động này của Trung Quốc là hành động đơn phương, phi pháp, vi phạm các quy định trong Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)…

Thẩm phán tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio còn cáo buộc, để có vật liệu bồi đắp 7 thực thể địa lý đang chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) thành đảo nhân tạo, Trung Quốc đã tiến hành nạo vét thêm 10 rạn san hô và bãi cạn khác ở Biển Đông. Hành động này, theo lý giải của ông Antonio Carpio đã trực tiếp gây nguy hại cho môi trường biển, ảnh hưởng đến sự phát triển các giống loài và hệ sinh thái biển ở Biển Đông.

Nhấn mạnh hành động cải tạo đảo nhân tạo để “đòi hỏi chủ quyền sai trái” của Trung Quốc là không thể chấp nhận được, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris cảnh báo, Trung Quốc sẽ còn gây tổn hại thêm cho khu vực nếu vẫn tiếp tục “ngoan cố” và tăng cường xây dựng hệ thống đê kè.

Bob Corker, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho rằng Trung Quốc đang mất dần tầm vóc quốc tế vì các động thái khiêu khích ở Biển Đông. Còn ông Daniel Russel, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ thì khẳng định, dù Trung Quốc có đổ bao nhiêu cát lên các rặng san hô đi nữa, họ không thể "tạo ra chủ quyền".

Ông Daniel Russel cho biết, Mỹ đang kêu gọi kiềm chế đối với các tranh chấp lãnh thổ, và "ngoại giao sẽ tiếp tục là công cụ cho nỗ lực đầu tiên". Trong khi đó, phát biểu tại cuộc hội thảo về chính sách đối với châu Á của Washington và Brussels được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS), Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Amy Searight cũng đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phải có “một cách tiếp cận rõ ràng và mạnh mẽ hơn” trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông như việc kêu gọi ngừng đòi hỏi chủ quyền hay xây dựng cơ sở quân sự tại Biển Đông… Nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới thì kêu gọi ASEAN nên có vai trò rõ ràng hơn trong việc cùng các nước thành viên và Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Cụ thể, như tuyên bố của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, các nước ASEAN nên nhanh chóng cùng Bắc Kinh hoàn thành đàm phán về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Hôm 29-7 vừa qua, Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 9 giữa Trung Quốc và ASEAN về việc thực thi DOC đã được tổ chức tại Thiên Tân nhưng chưa đạt được nhiều kết quả về việc thực thi DOC. Đến nay, hội nghị mới chỉ phê chuẩn chương trình làm việc thực hiện DOC giai đoạn 2015-2016 và xem xét, thông qua văn kiện nhận thức chung thứ 2 về thương thảo COC.

Huyền Chi
.
.
.