Mỹ triển khai tên lửa sát biên giới Nga

Thứ Sáu, 22/01/2010, 09:25
Mặc dù không to tiếng với những tuyên bố này nọ, song cả Nga và Mỹ lại đang ngấm ngầm đối đầu nhau sau khi các thông tin về tên lửa Mỹ triển khai trên đất Ba Lan được chính Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Bogdan Klich tiết lộ.

Tin từ hãng Timesonline số ra ngày 21/1 cho hay, Ba Lan đã nhất trí để cho Mỹ triển khai tên lửa Patriot ở thành phố Morag, phía Đông Bắc Ba Lan, cách biên giới nước Nga khoảng 100km. Trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Ba Lan, ông Bogdan Klich khẳng định, việc lựa chọn địa điểm đặt tên lửa không phải nhằm mục đích chính trị hay chiến lược gì mà đơn giản bởi Morag là nơi tốt nhất để triển khai tên lửa Patriot.

Được biết, hồi tháng 12 năm ngoái, sau khi Mỹ hủy bỏ kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, Warsaw-Washington đã cùng ký vào Thỏa thuận quy chế lực lượng (SOFA) cho phép triển khai quân đội Mỹ trên đất Ba Lan. Cùng theo đó, quân đội Mỹ được phép đưa tên lửa Patriot tới như một phần trong hệ thống an ninh quốc gia của Ba Lan.

Patriot (MIM-104) là hệ thống tên lửa phòng không được thiết kế nhằm đối phó với các tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình và máy bay tiên tiến. Ngoài Mỹ, Patriot hiện đang được sử dụng tại Ai Cập, Đức, Hy Lạp, Israel, Nhật Bản, Kuwai, Hà Lan, Arab Saudi…

Khoảng 100 binh sĩ Mỹ sẽ đi theo quản lý hệ thống tên lửa này và nằm trong biên chế đơn vị tên là Patriot. Dự kiến, khoảng 8 tên lửa loại này sẽ được triển khai ở Morag. Các tên lửa này sẽ có mặt tại Ba Lan vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4.

Hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ đã được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới.

Trên thực tế, các tên lửa Patriot là một phần của hệ thống phòng thủ do Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất hồi tháng 9/2009. Khi đó, ông Barack Obama đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng 10 bệ phóng tên lửa đánh chặn ở phía Bắc Ba Lan và hệ thống radar ở Czech do vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Nga.

Chính Ba Lan là quốc gia đề xuất về hệ thống tên lửa Patriot. Hiện Moskva chưa đưa ra bình luận gì về quyết định rời vị trí đặt Patriot tới gần biên giới nước Nga của Ba Lan. Tuy nhiên, hãng Ria Novosti dẫn lời một quan chức quốc phòng cho hay, trong thời gian tới, hải quân Nga sẽ tăng cường an ninh ở trên cạn, trên không và dưới nước cho Hạm đội Baltic.

Chưa hết, trong năm nay, không quân Nga sẽ đưa vào trang bị 10 tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1. Tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1 được chế tạo giữa những năm 1990 bởi phòng thiết kế chế tạo Tula và trong tương lai, Pantsir-S1 có thể thay tổ hợp tên lửa phòng không Tunguska.

Theo các nhà phân tích, năm 2010, Nga sẽ tăng cường an ninh trong nước và mở rộng hoạt động đối ngoại, hướng về cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Bản thân Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc gặp gỡ báo chí hôm 19/1 cũng khẳng định: SNG vẫn là trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga với việc tăng cường quá trình liên kết kinh tế-thương mại, phối hợp chống khủng bố và tội phạm có tổ chức trên cơ sở song phương và đa phương.

Hướng ưu tiên đối ngoại thứ hai của Nga năm nay là khôi phục và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Liên minh châu Âu (EU) và quan hệ đối tác với NATO. Nga cũng hy vọng sẽ nhanh chóng đạt được đồng thuận với Mỹ về Hiệp ước thay thế START-1…

Phan Hiển
.
.
.