Mỹ giải mật các điệp viên trong chiến tranh thế giới thứ hai

Thứ Ba, 19/08/2008, 07:56
Kho Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ trong tuần đã giải mật hơn 750 nghìn tranh tài liệu chứa đựng những thông tin về mạng lưới điệp viên quân sự và dân sự của Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), đơn vị tình báo liên kết đầu tiên của Mỹ. Đây là tiền thân của Cục Tình báo Trung ương (CIA), do Tổng thống thứ 32 Franklin Roosevelt lập ra tháng 6/1942.

Theo AP, danh sách các nhân vật có tên trong bản báo cáo vừa được công bố này sẽ đưa ra ánh sáng hoạt động của 24.000 điệp viên từng tham gia mạng lưới quốc tế của OSS trong thời gian diễn ra chiến tranh thế giới thứ hai. Trong số này có đủ các ngành nghề như những người lính, các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu lịch sử, luật gia, vận động viên thể thao, các giáo sư hay các nhà báo…

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, tất cả những người này đều được gọi dưới cái tên chung là OSS. Họ phân tích các kế hoạch quân sự, tham gia công tác tuyên truyền, được "cấy" vào hàng ngũ kẻ thù và làm dấy lên phong trào kháng chiến ở đó…

Họ đã tham gia vào những chiến dịch ở Trung Quốc, Đông Dương và tất nhiên ở cả các nước là hậu phương của phe phát xít. Tại Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc, các đại diện của OSS từng có quan hệ với Mặt trận Việt Minh…

Một số người trong danh sách này trước kia cũng đã được ghi nhận như những nhân viên OSS. Tuy nhiên, các dữ liệu cá nhân của họ chưa bao giờ được công bố đầy đủ trước công chúng như lần này. Trong các tư liệu đã được giải mật có nói tới lý do họ đã được tuyển làm điệp viên, công việc cụ thể của họ với tư cách nhân viên OSS và ngay cả nội dung của các chiến dịch bí mật mà họ đã tham gia…

Con trai của nhà văn lớn Ernest Hemingway là John Hemingway cũng từng làm điệp viên của OSS. Hai con trai của vị Tổng thống thứ 26 Theodore Roosevelt là Kermit Roosevelt và Quentin Roosevelt cũng đã cộng tác với OSS

Trong số các điệp viên OSS còn có Julia Child, tác giả của nhiều cuốn sách dạy nấu ăn từng được phổ cập rộng rãi; thành viên Toà án Tối cao Liên bang Mỹ Arthur Goldberg; nhà sử học Arthur Schlesinger, người từng làm trợ lý đặc biệt của Tổng thống John Kennedy; Miles Copelang, cha của nghệ sĩ đánh trống nổi tiếng "The Police" Sterwart Copeland; nam diễn viên trong phim "Bố già" Sterling Hayden…

Việc giải mật danh sách trên đã vén một trong những bức màn sắt cuối cùng của cơ quan tình báo tồn tại không lâu nhưng đã hoạt động rất năng nổ này của Mỹ. Năm 1945, OSS đã bị Tổng thống thứ 33 Harry Truman giải thể và năm 1946 đã xuất hiện Nhóm Tình báo Trung ương, cơ quan một năm sau được chuyển thành CIA.

"Thực hay khi mà sau bao nhiêu năm người ta đã có thể công bố tất cả những điều này, - bà cụ Elizabeth McIntosh 93 tuổi, cựu nhân viên OSS, đã nói: Tất cả các cựu nhân viên ấy của OSS suốt mấy thập niên qua đã không thể kể cho ai biết về nơi họ đã làm việc!".

Thông tin về OSS đã được bảo mật tới mức các nhân viên của nó buộc phải giấu cả người thân về cơ quan mình đang phục vụ. Một quyết định hướng tới việc giải mật các tài liệu về OSS từng được đưa ra đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Khi đó, cựu Giám đốc CIA và cũng là cựu điệp viên OSS William Casey đã chuyển cho Kho lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ hàng triệu trang tài liệu. Trước khi công bố bản danh sách mới này, người ta đã nghĩ rằng trong OSS đã chỉ có khoảng 13.000 nhân viên

Phương Linh
.
.
.