Mỹ - EU mâu thuẫn về biện pháp trừng phạt Nga
Từ việc “ký nhưng chưa thực hiện” của Mỹ
Hãng tin Ria Novosti ngày 19/12 đưa tin, hôm 18/12, Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành một luật nhằm áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Nga, song loại trừ việc tiến hành những bước đi bổ sung vào thời điểm này. Mang tên “Hành động ủng hộ tự do”, luật này đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua hồi tuần trước. Theo đó, Mỹ cấm các công ty của Mỹ đầu tư vào Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga và Gazprom sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt bổ sung nếu gây gián đoạn việc cung cấp khí đốt cho các nước Đông Âu. Lệnh trừng phạt mới lần này cũng được cho là sẽ nhằm vào Tập đoàn quốc phòng Rosoboronexport của Nga. Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính của Nga cũng sẽ bị cấm làm ăn với các ngân hàng Mỹ.
Ngoài ra, luật mới còn cho phép Tổng thống Mỹ quyết định việc cung cấp vũ khí chống tăng, máy bay không người lái và nhiều vũ khí tối tân cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, dù đưa ra một loạt biện pháp mạnh để trừng phạt Nga, song, vào thời điểm hiện tại, Washington lại chưa muốn thực hiện ngay.
Ông Barack Obama nói: “Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục đối thoại chặt chẽ với các đồng minh và đối tác tại châu Âu và trên thế giới để phản ứng với những diễn biến hiện nay tại Ukraine và sẽ tiếp tục xem xét lại những lệnh trừng phạt của chúng tôi nhằm vào Nga. Tại thời điểm này, Chính phủ Mỹ chưa có ý định áp đặt các lệnh trừng phạt dù tôi đã ký sắc lệnh này. Tuy nhiên, sắc lệnh mới sẽ cho phép Chính phủ làm điều này trong trường hợp cần thiết”.
Trong cuộc họp báo quốc tế hôm 18/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định, Moskva muốn thiết lập quan hệ bình đẳng với phương Tây trên cơ sở tôn trọng các lợi ích quốc gia của nhau. Ảnh: RT. |
Đến “chiến lược lâu dài” của EU
Khác với những lần trước, phản ứng mà EU đưa ra xung quanh thông tin về lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga xem ra khá nhẹ nhàng, thậm chí còn có quốc gia bày tỏ sự không ủng hộ. Chẳng hạn như Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 18/12 đã nói rằng, các lệnh trừng phạt cũ cần phải được dỡ bỏ khi Nga đã thể hiện thiện chí của mình. Trong tuyên bố đưa ra nhân dịp kết thúc Hội nghị thượng đỉnh mùa Đông ngày 19/12, các nhà lãnh đạo EU cũng đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin thay đổi mạnh mẽ lập trường đối với vấn đề Ukraine.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh chung của EU Federica Mogherini khẳng định, sự tụt giá mạnh của đồng rúp Nga không phải là tin tốt lành đối với nước này, nhưng EU cũng sẽ bị ảnh hưởng. Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho rằng, EU cần một chiến lược lâu dài đối với Nga. Ông Donald Tusk nhấn mạnh: “Chúng ta cần một chiến lược lâu dài vì cuộc xung đột này và tình hình phức tạp hiện nay giữa Ukraine và Nga cũng như các nước láng giềng phía Đông châu Âu đòi hỏi một kế sách đối ứng tính bằng năm thay vì chỉ vài tuần hay vài tháng”.
Trước mắt, đối với vấn đề Nga-Ukraine, EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Crimea, trong đó cấm toàn bộ hoạt động đầu tư và hạn chế thương mại với Crimea và Sebastopol nhằm phản đối việc sáp nhập vào Nga. Các biện pháp trừng phạt bổ sung này có hiệu lực ngay tức thì từ ngày 20/12. Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng tuyên bố, EU không còn khả năng ngân sách để hậu thuẫn Ukraine nên không cung cấp hỗ trợ tài chính trị giá 2 triệu Euro cho nước này như yêu cầu đã được đưa ra trước đó.
Và phản ứng của Nga
Bất chấp những sức ép lớn từ Mỹ và EU, Nga vẫn giữ quan điểm xuyên suốt trong vấn đề Ukraine. Hôm 18/12, đoàn xe gồm 35 chiếc của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga chở viện trợ nhân đạo cho nhân dân Donbass ở miền Đông Ukraine đã xuất phát từ ngoại ô thủ đô Moskva đến miền Đông Ukraine. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra cảnh báo rằng, nước này sẽ có các biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt phân biệt đối xử của EU, nếu cần thiết.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích đạo luật của Mỹ, cho rằng nó có thể làm suy yếu khả năng hợp tác bình thường Nga-Mỹ trong một thời gian dài. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi họp báo quốc tế kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ hôm 18/12 cũng nhấn mạnh, Nga cứng rắn và sẽ còn cứng rắn hơn trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình, nhưng sẽ “không tấn công ai”.
Về vấn đề miền Đông Ukraine, ông Vladimir Putin cho biết, Nga sẵn sàng làm trung gian để khôi phục hòa bình ở quốc gia láng giềng, nhưng điều quan trọng là các bên phải thực hiện nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Người đứng đầu điện Kremlin còn nhiều lần khẳng định: “Lập trường của Nga trong giải quyết khủng hoảng là cần xây dựng một không gian an ninh chung chứ không phải dựng lên một bức tường cấm vận và ngăn cách” và rằng, Moskva muốn thiết lập quan hệ bình đẳng với phương Tây trên cơ sở tôn trọng các lợi ích quốc gia của nhau.