Mỹ điều tra sự liên quan của binh sĩ trong vụ rò rỉ tài liệu mật

Thứ Tư, 04/08/2010, 15:45
Ngày 3/8, Lầu Năm Góc đã chính thức mở cuộc điều tra nhằm vào các binh sĩ và những chuyên gia công nghệ thông tin của Học viện công nghệ Massachusetts sau khi hơn 90.000 trang tài liệu mật về cuộc chiến ở Afghanistan trong 6 năm (từ tháng 1/2004 đến tháng 12/2009) được đăng tải trên trang web WikiLeaks.

Đây được coi là một trong những vụ rò rỉ thông tin nghiêm trọng trong lực lượng an ninh, tình báo Mỹ.

Mặc dù bị chính phủ Mỹ, Anh, Afghanistan lên án hành động này, nhưng người sáng lập trang web WikiLeaks Julian Assange vẫn tuyên bố, những gì xảy ra trong cuối tháng 7 chỉ là bước khởi đầu và rằng WikiLeaks còn hàng ngàn tài liệu mật nữa về chiến tranh Afghanistan đang chờ công bố.

Ngay sau đó, Lầu Năm Góc đã thực hiện chiến dịch điều tra nội bộ nhằm vào các chuyên gia công nghệ thông tin của Học viện công nghệ Massachsetts (MIT), xem xét xem có phải họ đã giúp một số binh sĩ bị tình nghi làm lộ tài liệu mật hay không. Hàng trăm sinh viên đã tốt nghiệp MIT và từng có quan hệ với cựu nhân viên tình báo Mỹ Bradley Manning (nghi phạm chính trong vụ rò rỉ tài liệu mật) đều đã bị các thanh tra quân đội Mỹ thẩm vấn.

Cựu nhân viên phân tích tình báo quân đội Bradley Manning và bức ảnh được công bố trên WikiLeaks cho thấy máy báy trực thăng Apache của Mỹ đang nã đạn nhầm vào thường dân Afghanistan.

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng vào cuộc, truy tìm các dấu vết liên lạc của Bradley Manning với những kẻ tình nghi khác. Theo lời khai của cựu tin tặc Adrian Lamo, từ năm ngoái, Bradley Manning đã đề nghị 2 sinh viên ở MIT giúp đỡ đăng tải các tài liệu của quân đội Mỹ về cuộc chiến ở Afghanistan. Cả hai sinh viên này đều có thời gian làm việc cho trang web WikiLeaks. Vì thế, FBI không loại trừ khả năng chính họ đã giúp đưa các thông tin trên lên mạng internet. Tuy nhiên, cho đến nay, cả 2 người này vẫn bác bỏ mọi liên quan...

Tin từ tờ Daily Telegraph cho hay, Bradley Manning có một người mẹ ở Welsh (Anh) và từng học trung học ở Anh. Sau đó, Bradley Manning trở về Mỹ và chơi thân với một người bạn ở Boston nhưng anh này lại không học ở MIT. Trong tháng 7, cựu nhân viên phân tích tình báo quân đội này đã bị Tòa án Mỹ truy tố vì cung cấp cho WikiLeaks đoạn băng lính Mỹ không kích và giết chết một phóng viên ảnh của hãng tin Reuters cùng 11 dân thường Iraq tại Baghdad năm 2007.

Với hai tội danh: chuyển dữ liệu mật của chính phủ Mỹ vào máy tính cá nhân và cung cấp thông tin quốc phòng cho nguồn tin không có chức năng tiếp nhận chính thức, Bradley Manning có khả năng phải chịu tối đa là 52 năm tù giam.

Được biết, các tài liệu về cuộc chiến ở Afghanistan được đăng tải trên WikiLeaks chủ yếu nói về hàng trăm sự cố giết nhầm dân thường Afghanistan. 6 năm qua đã có 195 người chết và 174 người bị thương trong tổng số 144 sự cố chiến sự không được công khai. Một số thiệt mạng vì máy bay Mỹ không kích, còn lại phần lớn là những tài xế xe hơi và xe gắn máy bị lính Mỹ và NATO bắn chết vì nghi là những kẻ đánh bom tự sát.

Tài liệu này cũng khẳng định Taliban đã sử dụng tên lửa tấn công máy bay liên quân. Điều này chưa được quân đội Mỹ và NATO thừa nhận công khai. Ngoài ra, tài liệu còn cho thấy, Mỹ nghi ngờ đồng minh Pakistan giúp đỡ quân Taliban ở Afghanistan bởi nhân viên Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) đã bí mật gặp trực tiếp quân Taliban tại Afghanistan, lên kế hoạch tấn công lính Mỹ ở Afghanistan và cả ám sát các quan chức cấp cao chính phủ Afghanistan

Huyền Chi
.
.
.