Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng trên Biển Đông
Từ tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ
Phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Học viện Hải quân ở Maryland hôm 22/5, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói đến vấn đề Biển Đông và chỉ trích Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền tại các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp như xúc tiến cải tạo đất quy mô lớn, bất chấp sự phản đối quốc tế.
Nhấn mạnh sự thịnh vượng, hòa bình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và vai trò của hải quân Mỹ trong 60 năm qua, ông Joe Biden nói: “Chúng tôi ủng hộ 1 cách không do dự cho giải pháp công bằng và hòa bình với những tranh chấp cũng như cho quyền tự do hàng hải. Ngày nay những nguyên tắc này đang bị thách thức trước các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông”…
Trước đó, nhiều quan chức quốc phòng Mỹ, nhất là quan chức cấp cao trong lực lượng hải quân Mỹ đã có những phát biểu quan ngại về hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mới đây nhất, ngày 19/5, Phó tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Michelle Howard cũng bày tỏ nghi ngờ về hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu phía Bắc Kinh giải thích rõ về hành động này.
Bà Michelle Howard nói: “Tôi cho rằng Trung Quốc cần phải làm sáng tỏ về mục đích cuối cùng của việc bồi đắp đảo nhân tạo. Chẳng có ai nghĩ rằng Trung Quốc đang xây dựng cơ sở tiếp tế dân sự ở đó…”.
Hình ảnh từ máy bay do thám P-8A Poseidon cho thấy Trung Quốc đang tích cực mở rộng diện tích các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Các thông tin tình báo và hình ảnh trên vệ tinh mà Mỹ cùng các nước phương Tây thu thập được cho thấy, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã bồi đắp thêm khoảng 8,1km2 đối với các bãi đá mà nước này chiếm giữ. Những hòn đảo nhân tạo này đủ lớn để máy bay chiến đấu cất cánh và hạ cánh, nhờ đó nâng cao năng lực khống chế của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Không chỉ Mỹ mà các quốc gia láng giềng với Trung Quốc và cả Australia đều bày tỏ sự quan ngại về việc này. Hôm 22/5, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews khẳng định Australia phản đối bất kỳ "hành động đơn phương hay cưỡng ép" nào trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Ông Kevin Andrews cho hay, gần một nửa giao dịch thương mại hàng hải của Australia đi qua Biển Đông. Chính phủ Australia yêu cầu tự do lưu thông cho tàu thuyền và máy bay của tất cả các nước qua khu vực này.
Đến những hành động trên thực địa
Theo tờ Washington Post, các hoạt động tuần tra đã được Mỹ thực hiện tại Biển Đông trong hơn một tuần qua. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố rằng, những chuyến bay tuần tra này là “hoàn toàn hợp pháp” và lực lượng hải quân Mỹ cùng các máy bay quân sự nước này sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay như vậy trong tương lai.
Hôm 21/5, hải quân Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc đối đầu trực diện khi hải quân Trung Quốc cảnh báo, đòi máy bay do thám Mỹ P-8A Poseidon đang bay trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông phải rời khỏi khu vực.
Cảnh báo của phía Trung Quốc được đưa ra tới 8 lần và được các phóng viên, gồm người của hãng tin CNN, có mặt trên chiếc máy bay chứng kiến. (P-8A Poseidon là mẫu máy bay do thám hiện đại nhất của quân đội Mỹ, hoạt động ở điểm thấp nhất là 4.500m).
Chưa hết, trong cuộc họp báo chiều 22/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tuyên bố rằng “hành động nguy hiểm của máy bay Mỹ rất dễ dẫn đến những hiểu lầm và Trung Quốc sẽ theo dõi sát tình hình, đồng thời áp dụng những biện pháp đảm bảo an ninh cần thiết nếu thấy nguy hại cho an ninh Trung Quốc”.
Và đến ngày 23/5, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc dùng thủ thuật điện tử làm nghẽn tín hiệu khiến máy bay do thám tầm xa Global Hawk của Mỹ khó có thể truyền thông tin về cơ quan đầu não. Và để đối phó với động thái này của Trung Quốc, Mỹ sẽ gia tăng tuần tra trên Biển Đông và duy trì khoảng cách ít nhất 12 dặm với các đảo nhân tạo với sự tham gia của cả máy bay chiến đấu F-35 và máy bay V22.
Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sáng 23/5, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã bày tỏ sự lo ngại các tranh chấp trên Biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng ở khu vực. Ông Ban Ki-moon cho biết, ông luôn khuyến nghị các bên kiềm chế các hành động gây căng thẳng có thể làm tình hình đi xa hơn. Trao đổi với Phó Thủ tướng về tình hình, diễn biến căng thẳng gần đây tại Biển Đông, Tổng thư ký LHQ khẳng định LHQ sẵn sàng hỗ trợ việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, mong ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi các bên tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. |