Mịt mù số phận các con tin Nhật Bản và Jordan
Trước đó, tối 30/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, hiện vẫn chưa có thông tin gì mới và nước này đang sử dụng mọi biện pháp để giải cứu con tin thông qua các hoạt động ngoại giao tại Jordan.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, hiện chưa thể xác định liệu con tin Goto có được an toàn hay không và đang chờ đợi hành động của Jordan cũng như bước đi tiếp theo của IS. Các quan chức Nhật Bản vẫn đang tiếp tục thu thập và phân tích thông tin để đưa ra hành động tiếp theo. Các quan chức Nhật Bản cũng thể hiện sự cảm thông với lập trường của Jordan không thả con tin nếu không có bằng chứng phi công nước này còn sống, nhưng cũng bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng con tin sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết.
Phát biểu tại một phiên họp Quốc hội, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, Tokyo “đang nỗ lực bằng mọi cách để nhà báo tự do Kenji Goto được phóng thích”. Trong khi đó, Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga cho biết, kể từ khi vụ việc xảy ra, Tokyo “đã nỗ lực hết sức để hợp tác chặt chẽ với Jordan và các quốc gia liên quan khác”, đồng thời khẳng định chủ trương này sẽ không thay đổi. Ông cho biết Nhật Bản và Jordan luôn giữ liên hệ chặt chẽ trên cơ sở mối quan hệ tin cậy. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yasuhide Nakayama hiện vẫn đang ở Amman để chỉ đạo nhóm công tác giải quyết cuộc khủng hoảng con tin.
IS hôm 28/1 tuyên bố con tin Kenji Goto chỉ còn “24 giờ để sống”. |
Trước đó, trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Jordan Mamdouh al-Ameri khẳng định “trong trường hợp có bất kỳ diễn tiến mới nào, thông tin sẽ được cung cấp ngay lập tức”. Chính phủ Jordan cũng tuyên bố sẽ không thả Sajida al-Rishawi - nữ tù nhân Iraq bị kết tội âm mưu đánh bom liều chết tại Jordan năm 2005, nếu không có bằng chứng cho thấy phi công nước này Maaz al-Kassasbeh bị IS bắt giữ vẫn còn sống.
Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng, hành động bắt cóc, sát hại con tin cho dù dưới bất cứ hình thức nào là một tội ác cực kỳ dã man, tàn bạo. Cộng đồng quốc tế phải đoàn kết lại để loại bỏ hành động vô nhân tính này ra khỏi đời sống xã hội bằng mọi cách. Quay lại vụ bắt cóc của IS, mục tiêu của tổ chức này đầu tiên là đòi tiền chuộc – một trong những nguồn “kinh phí” giúp IS “chiếm” vị trí số 1 trong bảng xếp hạng “Các tổ chức khủng bố giàu nhất hành tinh 2014” do Forbes bình chọn.
Qua thực tế cho thấy, bên cạnh việc “hợp tác”, giữa các tổ chức khủng bố bao giờ cũng có sự cạnh tranh, phân chia vùng ảnh hưởng, phân chia lợi ích, quyền lợi. Mục tiêu tiếp theo là, IS muốn thông qua vụ bắt cóc này để quảng bá hình ảnh trong cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa các tổ chức khủng bố với nhau. Từ đó, lôi cuốn thanh niên ở các nước tham gia vào đội quân Thánh chiến của tổ chức khủng bố cực đoan này. Đây được xem là đòn chính trị đánh thẳng vào đồng minh thân cận của Mỹ. Với cú đòn này, IS đã đẩy Chính phủ Nhật Bản vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Tokyo không thể đáp ứng “tối hậu thư” của IS vì sức ép từ Mỹ, nhưng họ cũng không thể làm ngơ trước sinh mạng của những con tin, với sức ép từ người dân xứ sở mặt trời mọc. Qua đó cho thấy, IS đã có sự tính toán rất kỹ, để đạt được hiệu quả chính trị cao nhất do chúng đặt ra.
Tính tới thời điểm này, mặc dù Nhật Bản đã kêu gọi sự giúp đỡ từ nhiều nước, trong đó có Mỹ, và nhận được rất nhiều lời hứa, nhưng, theo phát biểu của Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga ngày 28-1, “Chính phủ đang trong tình trạng cực kỳ gay go” và “vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan nào”.
Các chuyên gia phân tích đoạn video về con tin người Nhật Bản của IS cho biết, nó được quay ở trong trường quay với cảnh nền giả là một sa mạc từng xuất hiện trong các đoạn video ghi lại cảnh hành quyết các con tin phương Tây trước đó. Giám đốc biên tập của Tập đoàn Phân tích và Nghiên cứu về khủng bố, bà Veryan Khan cho biết: “Đây có lẽ là gót Achilles của chúng. IS rất quan tâm đến truyền thông và lực lượng này luôn được coi là cánh tay nối dài của chúng. Vậy mà lần làm video này chúng lại làm rất cẩu thả”. Thậm chí, 2 video sau được IS công bố ngày 24/1 và 27/1 còn không có logo của al-Furqan được coi là “tập đoàn truyền thông” của IS.
Cũng theo bà Veryan Khan, cách thức mà IS tiến hành truyền đi các thông điệp của mình đã khác hoàn toàn so với hồi tháng 9/2014 khi chúng sát hại con tin người Mỹ Peter Kassig. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thay đổi này cho thấy IS đang cảm thấy bất an khi mà các cuộc không kích của Mỹ và liên quân liên tục gia tăng về cường độ nhằm vào các mục tiêu của IS cả ở Iraq và Syria.