Miền Đông Ukraine lại dậy sóng

Thứ Ba, 20/01/2015, 07:57
Hơn một tháng sau khi các bên tại Ukraine nhất trí ngừng bắn, và chỉ một ngày sau khi người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, Igor Plotnisky và Thống đốc tỉnh Lugansk Ghenadiy Moskal đạt thỏa thuận ngừng bắn trong 2 ngày 18 và 19/1 (nhân ngày lễ Chúa hiển linh), những khu vực do lực lượng ly khai tại miền Đông kiểm soát lại rung chuyển bởi tiếng đạn pháo và giao tranh, gây ra nhiều thương vong.
>> Nga - Ukraine còn nhiều mâu thuẫn về vấn đề miền Đông và khí đốt

Lực lượng đối lập xác nhận, quân đội chính phủ đã nổ súng về phía Donetsk, trong khi Cố vấn Tổng thống Ukraine Yuri Biryukov cho biết, binh sĩ quân đội Ukraine đã nhận được lệnh nổ súng tổng lực vào các vị trí của lực lượng ly khai tại khu vực miền Đông-Nam nước này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố, chính quyền Kiev đã đề nghị Moskva ký lộ trình thực hiện các thỏa thuận Minsk  và đảm bảo lệnh ngừng bắn bắt đầu từ ngày 19/1.

Cộng đồng quốc tế lên án

Giao tranh tái diễn ở miền Đông Ukraine ngay sau khi Tổng thống nước này Petro Poroshenko ngày 18/1 tuyên bố, Chính phủ sẽ lấy lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Donbass do lực lượng ly khai kiểm soát. Tổng thống Poroshenko lưu ý, những sự kiện đang diễn ra cho thấy, người dân Ukraine đoàn kết và hiện “Ukraine thống nhất hơn lúc nào hết”. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất tại Ukraine làm dấy lên nhiều lo ngại trong cộng đồng quốc tế.

Ngày 19/1, Chủ tịch Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), đồng thời là Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic kêu gọi các bên xung đột tại Ukraine chấm dứt hành động leo thang mới và trở lại bàn đàm phán. Ông cũng chỉ trích gay gắt việc sử dụng vũ lực, kêu gọi các bên kiềm chế và phấn đấu cho một quy chế ngừng bắn bền vững.

Chia sẻ quan điểm này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gửi thông điệp tới người đồng cấp Poroshenko về sự cần thiết tôn trọng lệnh ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực này. Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng để lực lượng đối lập tôn trọng lệnh ngừng bắn.

Trước đó, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, Điện Kremlin quan ngại về “sự leo thang các hành động thù địch” tại khu vực miền Đông Ukraine do lực lượng ly khai kiểm soát. Ông Peskov nêu rõ, “tình trạng này không giúp ích gì cho việc thực thi các thỏa thuận Minsk, cũng như tìm kiếm giải pháp trong tương lai”.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-Moon báo động về các cuộc giao tranh tại miền Đông Ukraine và kêu gọi các bên chấm dứt ngừng bắn ngay lập tức. Ông Ban Ki Moon nhấn mạnh, LHQ sẵn sàng trợ giúp nhằm giảm căng thẳng tại miền Đông Ukraine. Các bên cần thực hiện các cam kết theo thỏa thuận đã kí vào tháng 9 năm ngoái.

Cộng đồng quốc tế đang ủng hộ cho một giải pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột. Nga, Pháp và Đức đang nỗ lực tổ chức cuộc họp 4 bên tại Kazakhstan để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, để điều này trở thành hiện thực, cần có sự hợp tác và thành ý của tất cả các bên liên quan. Lo ngại cho hòa bình tại miền Đông, ngày 18/1, hàng nghìn người dân Ukraine đã đổ ra đường cầu nguyện cho hòa bình và những nạn nhân trong cuộc xung đột.

Trong một diễn biến liên quan, Cố vấn Tổng thống Ukraine Yuri Biryukov sáng 19/1 tuyên bố, toàn bộ binh sĩ bị thương đã được di tản khỏi khu vực nhà ga mới của sân bay quốc tế Donetsk và việc này được thực hiện vào lúc đêm muộn 18/1. Ông Biryuko còn dự đoán, cuộc chiến ở miền Đông sẽ khốc liệt và lấy đi mạng sống của nhiều người.

Một tòa nhà ở Donetsk bị pháo kích của quân đội Ukraine làm hư hại hôm 18/1. Ảnh: SputnikNews.

Cuộc ngã giá chóng vánh

Giới lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cáo buộc Kiev cố gắng khởi động lại cuộc chiến sau khi nhận được lời hứa về một “cái bánh vẽ” tài chính từ Mỹ. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ ngày 13/1 cho biết, Washington có kế hoạch cấp khoản vay trị giá 2 tỉ USD cho Ukraine trong năm 2015, thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của nước này. Trong đó, Washington sẽ cung cấp 1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2015 và gửi tiếp phần còn lại trong nửa cuối năm nếu Ukraine tiếp tục cho thấy tiến triển trong việc thực hiện chương trình cải cách do IMF bảo hộ. Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết, hiện một nhóm chuyên gia của IMF đang có mặt tại Kiev để làm việc với giới chức chính quyền địa phương trong việc đánh giá các nỗ lực cải cách và xây dựng gói hỗ trợ tài chính mới.

Thực ra, con số 2 tỉ USD này đã được Mỹ đưa ra từ chiều 12/1, chỉ trước khi diễn ra cuộc họp 4 bên cấp Ngoại trưởng tại Berlin (Đức) vài giờ.

Theo đó, Mỹ đã khiến Ukraine “trở cờ” ngay trước cuộc họp này, khiến cả Đức và Pháp không kịp trở tay, vì cái giá Mỹ đưa ra cao hơn con số 500 triệu Euro mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra trong buổi tiếp người đồng cấp Ukraine Arseniy Yatsenuk hôm 12/1. Có thể thấy rằng, cả Đức và Pháp đều muốn hạ nhiệt cuộc khủng hoảng tại Ukraine nhằm tạo đà cho việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga, tháo ngòi nổ căng thẳng ở châu Âu. Họ đã cố tình loại Mỹ ra khỏi cuộc họp này vì ngại Mỹ "nhúng mũi" vào khiến tình hình thêm căng thẳng. Tuy  tính toán kỹ là vậy, nhưng cuối cùng cuộc họp 4 bên cấp ngoại trưởng tại Berlin vẫn thất bại do “quan điểm các bên trái ngược”. Ukraine vẫn giữ thái độ cứng rắn không như Pháp, Đức mong muốn và cuộc họp 4 bên này chẳng ra được đáp án. Các bên cho biết, cuộc họp ngoại trưởng phần 2 sẽ diễn ra trong thời gian tới để bàn tiếp nhưng chưa xác định được địa điểm. Cũng vì thế, cuộc họp 4 bên cấp lãnh đạo cao nhất tại Kazakhstan bị hoãn vô thời hạn.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.