Macedonia đối mặt với nguy cơ 'cách mạng màu'

Thứ Ba, 19/05/2015, 08:36
Quốc gia trên bán đảo Balkan này đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính trị và “cách mạng màu” sau khi hơn 20.000 người tập trung tại thủ đô Skopye, đòi chính phủ của Thủ tướng Nikola Gruevski phải từ chức. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi cả Nga và Mỹ đều quan tâm và lên tiếng về sự kiện này.

Những cáo buộc lẫn nhau

Cuộc biểu tình được tiến hành từ sáng 17/5 với sự tham gia của 20.000 người dân ở thủ đô Skopye và các tỉnh lân cận. Những người này đã cùng diễu hành trên đường phố, giương cao lá cờ Macedonia và Albania để bày tỏ sự đoàn kết đối với tộc người thiểu số gốc Albania và phản đối những chính sách gần đây của chính phủ. Đám đông người biểu tình tràn xuống các đại lộ chính dẫn đến văn phòng Thủ tướng Chính phủ Nikola Gruevski khiến lực lượng cảnh sát phải triển khai đơn vị chống khủng bố xung quanh tòa nhà. 

Theo tin từ hãng Independent, căng thẳng chính trị tại Macedonia bắt đầu từ hồi tháng 1 nhưng sự giận dữ của những người biểu tình nói trên ngày càng gia tăng sau khi lực lượng đối lập cáo buộc chính phủ tiến hành nghe lén điện thoại đối thủ chính trị, nhà báo và những người hoạt động xã hội nổi tiếng. 

Trước đám đông người biểu tình, thủ lĩnh đảng Dân chủ xã hội Zoran Zaev tuyên bố có bằng chứng về bê bối nghe lén của chính phủ và kêu gọi Thủ tướng Nikola Gruevski từ chức. Ảnh: EPA.

Thủ lĩnh đảng Dân chủ xã hội đối lập Zoran Zaev cho biết, ông có trong tay toàn bộ băng ghi âm của hoạt động nghe lén nói trên và xác định rằng, đây là hành động bất hợp pháp và không có lời lẽ giải thích nào có thể biện hộ được hành động này. 

Ông Zoran Zaev khẳng định, đảng Dân chủ xã hội và những người ủng hộ muốn chính phủ của Thủ tướng Nikola Gruevski từ chức. Thậm chí, thủ lĩnh đảng Dân chủ xã hội còn gọi đây là “cuộc quyết chiến cuối cùng” và những người biểu tình sẽ cắm trại trên đường phố, trước cửa văn phòng Thủ tướng chính phủ cho đến khi nào ông Nikola Gruevski tuyên bố từ chức.

Đáp lại, chính quyền Skopye khẳng định đây là một âm mưu xấu và ông Zoron Zaev cùng 4 thành viên cấp cao khác của đảng Dân chủ xã hội có liên quan đến hoạt động gián điệp và bạo lực chống chính phủ. 

Giải thích về vụ đụng độ giữa cảnh sát và các phần tử thiểu số người gốc Albania tại thị trấn miền Bắc Kumanovo hồi tuần trước làm 22 người thiệt mạng, Chính phủ Macedonia cho biết, đây là những đối tượng có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, phá hoại an ninh và trật tự hiến pháp, bị cáo buộc sở hữu vũ khí và chất nổ bất hợp pháp. Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Giao thông cũng như người đứng đầu cơ quan tình báo Macedonia đã từ chức sau sự kiện này.

Và nhân tố Mỹ, Nga

Như vậy có thể thấy, tình hình ở Macedonia đang diễn biến ngày càng phức tạp. Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 2, thủ lĩnh đảng Dân chủ xã hội Zoron Zaev kêu gọi Thủ tướng từ chức, thành lập một chính phủ lâm thời và tổ chức bầu cử trước thời hạn. Trước đó, ông Zoron Zaev còn tuyên bố tẩy chay Quốc hội và khoét sâu thêm những mâu thuẫn giữa người thiểu số gốc Albania và chính phủ hiện tại. Chưa hết, thủ lĩnh đảng Dân chủ xã hội đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và cả Mỹ cùng gây sức ép lên Chính phủ Macedonia. 

Nguồn tin từ tờ Peoples Voice cho hay, trong gần 1 năm qua, các tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã mở rộng hoạt động mang tên gọi “thúc đẩy dân chủ” ở quốc gia này. Thậm chí, hàng trăm ngàn USD đã được chi cho các hoạt động của đảng đối lập ở Macedonia trong số này phải kể đến Quỹ Xã hội mở của George Soros… Song song với đó, Mỹ cũng giúp lực lượng đối lập ở Macedonia mở một chiến dịch truyền thông lớn nhằm bôi xấu chính phủ. 

Vì thế mà hôm 16/5 vừa qua, Nga đã lên tiếng cáo buộc Mỹ và phương Tây tìm cách kích động “cách mạng sắc màu” ở Macedonia. Viện dẫn tin mà truyền thông ở Serbia đưa về vụ một công dân Montenegro bị bắt giữ tại Macedonia với cáo buộc “tiếp tay cho các phần tử cực đoan Albania” hoạt động ở Macedonia, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, đây là bằng chứng cho thấy các cơ quan tình báo phương Tây muốn “mượn tay kẻ khác để thực hiện các kịch bản thảm khốc”. 

Trong chuyến thăm Serbia hôm 15/5 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov còn nhận định rằng, những sự kiện đang diễn ra ở Macedonia ít nhiều liên quan đến việc chính phủ nước này từ chối tham gia kế hoạch chống lại Nga của phương Tây. Giới phân tích thì lo ngại, sau những gì đã và đang diễn ra ở Ukraine, nhiều khả năng quốc gia nhỏ bé vùng Balkan này lại đang trở thành “chiến trường mới” cho cả Nga và Mỹ.

Phan Hiển
.
.
.