Liên Hợp Quốc điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria

Thứ Bảy, 12/09/2015, 09:42
Nhận được sự ủng hộ của Nga trong việc tiến hành điều tra các cáo buộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 11/9 đã thành lập một ủy ban điều tra quốc tế, đồng thời kêu gọi các đảng phái và tổ chức ở Syria hợp tác chặt chẽ để sớm tìm ra thủ phạm.
Cuộc điều tra chung giữa LHQ và OPCW

Nhận được tin các nhà ngoại giao Nga không còn phản đối việc mở cuộc điều tra xung quanh cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, ngày 11/9, Tổng thư ký LHQ đã hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ nhanh chóng thành lập một cơ chế điều tra chung để tìm kiếm thủ phạm đã sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, gây ra một mối nguy lớn về sức khỏe và cuộc sống của người dân nước này.

Ngay sau đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã thành lập một ủy ban điều tra độc lập (JIM) dưới sự phối hợp giữa LHQ và Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW). Trước mắt, JIM sẽ có 3 chuyên gia điều tra độc lập do Hội đồng Bảo an LHQ lựa chọn và khi bắt tay vào điều tra, theo yêu cầu của Nga, các thành viên phải tôn trọng chủ quyền của chính phủ Syria Bashar al-Assad.

Trong thông điệp gửi đến Hội đồng Bảo an LHQ, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết, LHQ sẽ tham vấn với chính quyền Damacus về việc thực hiện chiến dịch điều tra và kêu gọi các đảng phái, tổ chức ở Syria ủng hộ hoạt động này. Hãng Reuters thì cho biết, việc thành lập JIM đã được nhắc đến nhiều lần trước đó.

Nhưng mãi đến tháng 8 vừa qua, sau khi Washington và Moskva đồng ý với nhau về một dự thảo nghị quyết của LHQ nhằm truy tìm tung tích và đưa ra xét xử trước pháp luật thủ phạm các vụ tấn công hóa học tại Syria, Hội đồng Bảo an LHQ mới nhất trí bỏ phiếu thông qua nghị quyết cho phép LHQ và OPCW tiến hành một cuộc điều tra chung.

Nghị quyết nói trên, đề xuất thành lập một ủy ban trong thời hạn một năm, có nhiệm vụ xác định "những cá nhân, thực thể, các nhóm hay các chính phủ có liên quan tới việc sử dụng vũ khí hóa học, trong đó khí clo (clorin) và các hóa chất độc hại khác" tại Syria. Nghị quyết cũng mở đường cho những biện pháp trừng phạt nhằm vào những đối tượng này.

Những nghi ngờ nhằm vào IS

Bên cạnh nghị quyết này, Nga cũng đang hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ xem xét việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sử dụng vũ khí hóa học ở Iraq. Đại diện ngoại giao của Mỹ cho biết, cuộc điều tra này nếu được tiến hành cần phải có một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ và sự đồng ý của chính quyền Baghdad. Đồng thời, nhà ngoại giao này cũng nhận định, đề xuất nói trên của Moskva chắc chắn nhận được sự ủng hộ của các nước.

Nói thế là bởi lẽ không chỉ Nga mà Mỹ, Đức, Pháp và một số quốc gia khác cũng đang lo ngại về việc IS sử dụng vũ khí hóa học. Các báo cáo tình báo mới nhất của Mỹ cho thấy, trong 10 ngày đầu tháng 9, đã có ít nhất 4 lần IS sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công và đụng độ với dân quân người Kurd hoặc quân đội chính phủ ở Iraq và Syria.

Các bác sĩ đang cứu chữa cho một bệnh nhân bị thương trong một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở làng Khan al-Assal.     Ảnh: AP.

Một loạt bằng chứng mà tình báo Mỹ thu thập được cho thấy loại vũ khí hóa học này là khí mù tạt lưu huỳnh. Những người dân quanh 4 khu vực bị vũ khí hóa học này của IS đều đang được kiểm tra sức khỏe, một số người đã có những triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, chảy máu mũi, khó thở…

Tướng quân đội Mỹ Kevin Killea cho biết, hồi cuối tháng 8, chúng tôi cũng đã phát hiện vết tích của vũ  khí hòa học mù tạt lưu huỳnh ở khu vực người Kurd phía Bắc Iraq nhưng nay phạm vi phát hiện ngày càng được mở rộng. Trong khi đó, cơ quan tình báo nước ngoài của Đức (BND) cho hay, những chiến binh quân đội người Kurd đã cảm thấy bị khó thở sau cuộc tấn công của các chiến binh IS gần thành phố Irbil.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức nói: “Chúng tôi nhận định, có một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học được tiến hành. Đây có thể là loại khí độc mù tạt lưu huỳnh, loại hóa chất gây phồng rộp da, mắt và ảnh hưởng lớn tới đường hô hấp. Loại vũ khí này có thể được lấy từ kho vũ khí cũ của Iraq được sản xuất dưới thời của cựu Tổng thống Saddam Hussein hoặc do IS tự bào chế sau khi chiếm giữ trường đại học tại Mosul”.

Những thông tin này cũng trùng khớp với báo cáo được gửi lên LHQ về khả năng một số vũ khí hóa học của Syria đã bị các nhóm hoặc cá nhân lấy trộm để sử dụng. Hồi năm ngoái, IS từng bị cáo buộc sử dụng khí độc clo để đối phó với các chiến binh người Kurd.

Gia Nam
.
.
.