Tin từ hãng AP cho hay, trong ngày 13 và 14/1, các thủ lĩnh cấp cao của Hezbollah đi lại như con thoi giữa các vùng trong cả nước nhằm hội đàm với lãnh đạo của các phe phái khác để tìm kiếm tiếng nói chung và nhất là sự ủng hộ của họ cho việc thành lập chính phủ mới. Tham vọng của Hezbollah là trở thành phong trào dẫn đầu, thậm chí là cầm quyền và có thể đưa người của họ lên vị trí lãnh đạo thay thế Thủ tướng hiện nay.
Nếu thành công, phong trào Hồi giáo dòng Shiite này ngày càng có thanh thế ở khu vực Trung Đông và có thể mở rộng các quan hệ vốn tốt đẹp với Iran và Syria. Giám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Beirut Paul Salem nhận định: "Thời điểm này, Hezbollah đang có cơ hội để chứng minh rằng họ có thể chiếm ưu thế ở Lebanon mà không cần đến súng đạn".
Song dù muốn hay không, Hezbollah vẫn cần có sự ủng hộ của nhóm thân phương Tây ở Lebanon. Do đó, phong trào này đã đồng ý có cuộc đàm phán giữa hai bên vào ngày 8/3 tới. Trong khi đó, Thủ tướng đương nhiệm ở Lebanon là Saad Hariri đang cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của các nước phương Tây. Sau khi gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington D.C, ông Saad Hariri đã tới Pháp gặp Tổng thống Nicolas Sarkozy và trên đường về ghé thăm Thổ Nhĩ Kỳ.
Các cuộc gặp với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu được coi là tìm hướng giải quyết cho cuộc khủng hoảng nội các hiện nay. Còn tin từ một số hãng thông tấn ở Lebanon cho hay, Tổng thống Michel Suleiman sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 17/1 để bàn thảo kế hoạch thiết lập một chính phủ mới và có thể sẽ kêu gọi các nhà lập pháp đề cử nhân vật cho vị trí Thủ tướng.
|
Thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah đang gặp gỡ thủ lĩnh các nhóm đối lập để tìm kiếm đồng minh mới. Ảnh: Reuters |
Tin từ hãng Reuters cho hay, nhiều quốc gia ở khu vực Trung Đông đã bày tỏ sự lo ngại khi phong trào Hezbollah rút khỏi nội các khiến chính phủ liên minh bị sụp đổ. Đến chiều 13/1, quân đội Israel ở phía Bắc đã được đặt trong tình trạng báo động vì lo ngại xảy ra xung đột hoặc bạo lực ở khu vực biên giới. Phó Thủ tướng Israel Silvan Shalom tuyên bố rằng, tình hình ở Lebanon rất đáng ngại và Israel cần phải chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra.
Một số nhà phân tích Israel nhận định, động thái mới đây cho thấy Hezbollah đang định dùng cuộc khủng hoảng nội các Lebanon để bắt đầu một cuộc chiến mới chống lại Israel. Mặc dù vậy, cho đến chiều 14/1, vùng biên giới giáp ranh giữa Israel-Lebanon, nơi mà Hezbollah được cho là hoạt động mạnh vẫn im ắng, không hề xảy ra một xung đột nào