Kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng

Thứ Sáu, 10/01/2014, 12:07
35 năm trước, đúng vào ngày 7/1/1979, Campuchia “vỡ òa” trong niềm vui chiến thắng của sự sụp đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tàn ác nhất trong lịch sử dân tộc. 35 năm sau, ký ức đau thương về 3 năm 8 tháng 20 ngày sống trong “địa ngục trần gian” vẫn còn đó nhưng xen lẫn trong tình cảm biết ơn sâu sắc, “khắc cốt ghi tâm” của người dân Campuchia đối với quân tình nguyện Việt Nam.

Kỳ 1: Chỉ có Việt Nam đã giúp và cứu tính mạng người dân Campuchia

Như Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdec Heng Samrin đã khẳng định: “Chỉ có đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự nguyện đưa con cháu và những người thân yêu của mình đến giúp giải phóng và cứu tính mạng của người dân Campuchia trong lúc vô cùng nguy nan và khẩn cầu các nước đến cứu giúp”. 

“Bộ đội nhà Phật”

Những ngày tháng 1 này, đường phố Campuchia rợp cờ hoa, biểu ngữ. Đâu đâu người ta cũng kể chuyện về “Bộ đội nhà Phật”, tên gọi thân mật mà người dân Campuchia dành cho quân tình nguyện Việt Nam – những người đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và giúp cho dân tộc này hồi sinh sau hậu quả khủng khiếp mà chế đô Pol Pot gây ra.

Theo lời kể của một nhà sư Campuchia, sở dĩ, nhân dân Campuchia gọi “Bộ đội cụ Hồ” là “Bộ đội nhà Phật” bởi lẽ Phật giáo là quốc đạo ở Campuchia nhưng lại bị chế độ diệt chủng Pol Pot tàn sát. Chỉ có sự giúp đỡ nhiệt tình, không tính toán và đầy tình người của quân tình nguyện Việt Nam mới giúp Phật giáo được hồi sinh trên xứ sở Angkor. Từ đó, cái tên “Bộ đội nhà Phật” trở thành biệt danh của quân tình nguyện Việt Nam.

Trong câu chuyện với những người bạn từng một thời sát cánh bên nhau tại cuộc gặp mặt giao lưu, tôn vinh chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam từng giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng do Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử thuộc Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội hôm 4-1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia Men Sam On cũng dùng 4 chữ “Bộ đội nhà Phật” để nói về quân tình nguyện Việt Nam.

Thủ tướng Hun Sen trao quà tặng các cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Trở lại với hình ảnh của 35 năm trước khi mới ở tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu”, đối với bà Men Sam On, các chú các bác “Bộ đội nhà Phật” là người đã mang lại cuộc sống và niềm tin cho bà khi truyền dạy nghề y, khuyến khích bà học tiếng Việt và vào quân ngũ để phục vụ cách mạng. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Hoàng gia Campuchia tâm sự: “Campuchia luôn biết ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ người dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Vì sự hồi sinh của đất nước Campuchia mà các chú, các bác, các anh đã phải đổ máu xương, có người vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Các bác, các chú, các anh thật xứng đáng với danh hiệu Bộ đội cụ Hồ - Bộ đội nhà Phật”.

Với bà Men Sam On và những người dân Campuchia từng trải qua giây phút lịch sử ngày 7/1/1979, hình ảnh về quân tình nguyện Việt Nam như là một đội quân từ cõi thiện xa xôi mang lại ánh sáng cuộc đời cho dân tộc Campuchia. Theo lời kể của nhiều quan chức cấp cao của Campuchia, cái đáng trân trọng nhất trong tình cảm của Việt Nam dành cho Campuchia là không phải chỉ cứu giúp người dân khỏi nạn diệt chủng, “Bộ đội nhà Phật” còn cùng các chuyên gia Việt Nam giúp hàng chục vạn, hàng triệu người dân tiều tụy, đói khát, trở về quê cũ, khôi phục sản xuất, làm lại nhà cửa, ruộng vườn, trường học, chùa chiền. Vâng, chính “Bộ đội nhà Phật” chứ không phải ai khác đã thổi một luồng sinh khí mới, tạo nên một cao trào quần chúng làm hồi sinh từng người, từng gia đình, từng thôn ấp, từng làng quê, tỉnh thành để tạo nên một sự hồi sinh diệu kỳ cho toàn dân tộc Campuchia. Nhiều nhà phân tích thế giới đã gọi đây là sự hồi sinh vĩ đại, kết quả của sự hy sinh cao cả mà không một dân tộc nào có thể làm một cách vô tư, không tính toán đối với dân tộc khác như Việt Nam đối với Campuchia. 

Và những câu chuyện của người trong cuộc

Ký ức ùa về, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Hoàng gia Campuchia Men Sam On nhớ lại, trên mọi miền đất nước Campuchia, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hòa mình, gắn bó với dân, cứu giúp dân, bảo vệ dân và được nhân dân Campuchia yêu mến, tin cậy, giúp đỡ như những người anh em.  Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen thì lại thể hiện sự gần gũi với “Bộ đội nhà Phật”, với đất nước và con người Việt Nam bằng một cách rất Việt Nam.

Chọn Việt Nam là điểm dừng chân trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7/2013, Thủ tướng Hun Sen đã dành trọn cả buổi sáng 27/12 để trò chuyện bằng tiếng Việt trước 700 cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Ông chia sẻ: “Tôi đã nói với các đồng chí trong đoàn là tôi thích nói chuyện bằng tiếng Việt mặc dù phát âm của tôi không rõ, không sắc. Tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu, có lẽ phải mất 300 giờ đồng hồ, thậm chí 300 ngày mới nói hết những gì xảy ra trong quá khứ và ngày nay”. Nhớ lại thời điểm sang Việt Nam lúc mới là một thanh niên 25 tuổi để tìm kiếm sự ủng hộ cách mạng, Thủ tướng Hun Sen bồi hồi: “Pol Pot có 23 sư đoàn (18 vạn quân) trong khi quân Campuchia chỉ có 28 tiểu đoàn (1 vạn quân). Nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam thì Campuchia không thể giải phóng được nhanh như thế”.

Đó là câu chuyện của những người đã trải qua những giây phút lịch sử cách đây 35 năm. Còn đối với thế hệ sau này của Campuchia, những người được sinh ra trong thời bình và được sống trong khung cảnh no ấm, đất nước phát triển thì hình ảnh “Bộ đội nhà Phật” vẫn luôn là tấm gương chói lọi về tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc. Chẳng thế mà trong nhiều cuộc giao lưu tiếp xúc với các lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam, cánh nhà báo chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe những cô cậu sinh viên vừa tốt nghiệp mới ở độ tuổi trên 20 mà kể vanh vách từng câu chuyện nhỏ của thời kỳ cách đây gần 4 thập kỷ.

Như Ry Borin, trưởng đoàn lưu học sinh tại trường Đại học Y dược Thái Bình chẳng hạn. Sinh năm 1990, không phải chứng kiến những ngày tháng đau thương của dân tộc và phút huy hoàng chiến thắng ngày 7/1/1979 nhưng trong Ry Borin luôn hiện ra hình ảnh “Bộ đội nhà Phật” tiến vào Thủ đô Phnom Penh giải phóng đất nước Campuchia bởi lẽ, ngay từ khi còn ẵm ngửa, Ry Borin đã được nghe bố mẹ kể chuyện về quân tình nguyện Việt Nam. Những câu chuyện không bao giờ hết do người thân trong gia đình, hàng xóm, thầy cô kể về sự quên mình của quân tình nguyện Việt Nam. Bản thân em cũng thực sự ấn tượng về những bức ảnh, thước phim hiếm hoi về sự đồng cam cộng khổ, cử chỉ chăm sóc chu đáo của quân tình nguyện Việt Nam đối với nhân dân Campuchia. Những nghĩa cử cao đẹp ấy mãi in đậm trong tâm trí thế hệ những người dân Campuchia.

“Nhân dân Campuchia chúng tôi mãi mãi tri ân công lao đó và xin khắc ghi trong lịch sử của mình để nhắc nhở cho con cháu muôn đời sau. Bởi nếu không có sự cứu giúp của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nhân dân Campuchia chúng tôi chắc chắn sẽ không còn tên tuổi của mình trên thế giới này. Thay mặt nhân dân Campuchia, tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của Quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh và giải phóng nhân dân Campuchia và mãi ghi nhớ công ơn to lớn của những người bạn chiến đấu trong nước và quốc tế đã hy sinh vì sự bình yên của dân tộc Campuchia trong thời gian qua”.

(Trích phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch danh dự Đảng CPP, Samdec Heng Samrin tại lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây-Nam và cùng quân dân Campuchia Chiến thắng chế độ diệt chủng hôm 5/1).

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.