Khủng hoảng quan hệ ngoại giao Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Bảy, 24/12/2011, 11:28
Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gia tăng khi chính quyền Ankara kiên quyết đóng băng các hợp tác quân sự với Paris và triệu Đại sứ về nước.

Tin từ tờ Telegrapha cho hay, quyết định ngưng các quan hệ chính trị và quân sự với Pháp của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra hôm 22/12, ngay sau khi các nghị sĩ Pháp thông qua dự luật coi hành động phủ nhận vụ diệt chủng người Armenia những năm 1915-1916 là có tội. Những ai chối bỏ vụ thảm sát trên sẽ bị phạt 45.000 euro và một năm tù giam. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi cuộc bỏ phiếu này đã "khoét sâu thêm những mâu thuẫn" trong quan hệ song phương. 

Phát biểu trước báo giới, ông Recep Tayyip Erdogan nói: "Bắt đầu từ bây giờ (tức ngày 22/12) chúng tôi sẽ hủy bỏ các mối quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự với Pháp. Chúng tôi cũng tạm ngừng các loại hình tham vấn chính trị với Pháp, ngưng các dự án quân sự chung, kể cả tập trận chung".

Khoảng 3.000 người Pháp gốc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia biểu tình hòa bình chống việc thông qua dự luật.

Đồng thời, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi Đại sứ tại Paris về Ankara. Theo BBC, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO và là đồng minh chính của Pháp trong kế hoạch giải quyết khủng hoảng ở SyriaAfghanistan. Vì thế, việc ngừng các quan hệ chính trị và quân sự sẽ khiến các máy bay quân sự Pháp không được hạ cánh, các tàu chiến Pháp không được cập cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là chưa kể đến khả năng Ankara sẽ tẩy chay cuộc họp của Ủy ban kinh tế chung dự kiến diễn ra tại Paris vào tháng 1/2012.

Trên thực tế, vào những năm 1915-1916, tức là trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, 1,5 triệu người Armenia đã bị giết bởi các binh sĩ thuộc đế chế Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi nói về quãng thời gian này, nhiều sử gia đã gọi đây là một trong những vụ tàn sát nghiêm trọng nhất của thế kỷ XX. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại cho rằng, con số người chết đã bị Armenia phóng đại và vụ việc không đến mức gọi là diệt chủng. Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng, con số người chết chỉ vào khoảng 500.000 người và chết vì chiến tranh và đói rét.

Hồi trung tuần tháng 12, khi nghe thông tin về việc Hạ viện Pháp đang xem xét thông qua dự luật này, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng cảnh báo Pháp và kêu gọi chính quyền Paris hành động vì lợi ích của hai nước. Song, như nhiều nhà phân tích, việc thông qua dự luật này lại là "phép thử" đối với chính quyền Tổng thống Nicolas Sarkozy trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2012. Pháp hiện có hơn 500.000 người gốc Armenia và việc họ có bỏ phiếu ủng hộ ứng viên Tổng thống của đảng cầm quyền hay không còn phụ thuộc vào vấn đề này.

Theo quy định, dự luật còn cần được Thượng viện Pháp thông qua. Nhưng với đa số ghế của đảng cầm quyền trong Thượng viện, người ta dự đoán chắc chắn dự luật sẽ được thông qua và giúp ông Nicolas Sarkozy ghi thêm điểm trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống. Mặc dù vậy, việc thông qua dự luật cũng gây nhiều tranh cãi trên chính trường Pháp...

Huyền Chi
.
.
.