Kế hoạch hòa bình giải quyết xung đột ở Ukraine

Thứ Bảy, 07/02/2015, 09:50
Cuộc gặp của lãnh đạo 3 nước Nga, Pháp và Đức tại thủ đô Moskva (Nga) đang hé mở một giải pháp hòa bình cho Ukraine nhất là khi các chỉ huy lực lượng phòng vệ của CHND Donetsk tự xưng (DPR) đưa ra đề xuất ngừng các hoạt động chiến sự từ 9h ngày 6/2 và thiết lập hành lang nhân đạo tại thị trấn Debaltsevo. Trong khi đó, vấn đề viện trợ vũ khí cho Ukraine đã làm bùng nổ tranh cãi không dứt giữa EU và Mỹ.

Đề xuất của Pháp, Đức

Ngày 6/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có mặt tại thủ đô Moskva để tham dự cuộc họp 3 bên nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột ở miền Đông Ukraine.

Phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov cho biết: “3 nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo chính xác những gì mà họ muốn thực hiện để giải quyết tình hình Ukraine.”

Ông  Dmitry Pesko cũng nhấn mạnh rằng, Moskva trước sau như một giữ nguyên quan điểm các bên phải tôn trọng và thực hiện đúng theo tinh thần của thỏa thuận Minsk được ký hồi năm ngoái.

Một số nguồn tin từ châu Âu cho hay, trong trường hợp cuộc đàm phán Đức-Nga-Pháp thất bại, Ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ có cuộc họp vào ngày 9/2 để xem xét việc gia tăng các lệnh trừng phạt mới nhằm vào điện Kremlin.

Được biết, một ngày trước khi tới Moskva, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp  đã có cuộc gặp riêng kéo dài 5 tiếng đồng hồ với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Với mục đích tránh cho chính quyền Kiev một thất bại quân sự và sụp đổ kinh tế, bà Angela Merkel và ông Francois Hollande đã đưa ra đề xuất bao gồm một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và trao quyền tự trị rộng hơn cho lực lượng đối lập ở miền Đông trên một khu vực lãnh thổ lớn hơn diện tích thỏa thuận Minsk trước đó.

Tuy nhiên, do ông Petro Poroshenko chưa có câu trả lời rõ ràng xung quanh đề xuất này nên sau cuộc gặp, cả lãnh đạo Đức và Pháp đều không đưa ra tuyên bố chính thức nào với báo giới.

Các chỉ huy lực lượng phòng vệ của DPR đã đồng ý ngừng hoàn toàn hoạt động chiến sự từ 9h sáng 6/2 để thiết lập một hành lang nhân đạo tại thị trấn Debaltsevo. Ảnh: Reuters.

Riêng phủ Tổng thống Ukraine tiết lộ, lãnh đạo 3 nước đã bàn thảo việc rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đường giới tuyến, trao trả tù binh cũng như khả năng phát triển đối thoại theo công thức Normandie.

Động thái của lực lượng chống đối

Phải nói rằng, các cuộc gặp riêng rẽ lần này của lãnh đạo 4 nước Nga, Ukraine, Đức, Pháp đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận quốc tế. Cao ủy EU phụ trách về an ninh và đối ngoại Federica Mogherini; Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đều hoan nghênh kế hoạch này và cho rằng nó đang mở ra những tia hy vọng mới cho hòa bình ở miền Đông Ukraine.

Hãng tin Itar-Tass dẫn lời một quan chức của tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết, đêm 5/2, các chỉ huy lực lượng phòng vệ của DPR đã đồng ý ngừng hoàn toàn hoạt động chiến sự từ 9h sáng 6/2 để thiết lập một hành lang nhân đạo tại thị trấn Debaltsevo, tạo điều kiện cho người dân rời khỏi khu vực nguy hiểm này. Chỉ huy quân đội Ukraine cũng đã chấp thuận đề nghị này.

Chiều 6-2, DPR đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện để đưa người dân sơ tán. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, khó có thể duy trì lâu dài được đề nghị ngừng bắn này vì chiều tối 5/2, quân đội Ukraine vẫn tiếp tục bắn phá Donesk 38 lần và Tổng thống Petro Poroshenko vừa ký sửa đổi “đạo luật động viên” về nghĩa vụ quân sự, trong đó hạn chế khả năng hoãn nghĩa vụ quân sự.

Hơn nữa, cuộc gặp giữa ông Petro Poroshenko và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry xung quanh vấn đề viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine đang làm tình hình trở nên “nóng” hơn.

Và tranh cãi EU-Mỹ

Cho đến nay, theo người phát ngôn Nhà Trắng Josh Ernest, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và chỉ đưa ra quyết định về vấn đề này dựa trên lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Tuy nhiên, những thông tin xung quanh vấn đề này đang thực sự gây tranh cãi lớn giữa EU-Mỹ.

Tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra hôm 5/2 tại thủ đô Brussels của Bỉ, nhiều quốc gia thành viên NATO đã bày tỏ bất bình trước ý định của Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nhấn mạnh, đây sẽ là một sai lầm và nếu vẫn còn vũ khí trong khu vực thì sẽ không có giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng tuyên bố, nước này không có kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine chống lại lực lượng chống đối ở miền Đông.

Còn Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni cho rằng, đây "không phải là một giải pháp thích hợp cho EU hay Italy”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cảnh báo, hành động này của Mỹ sẽ "hủy hoại nghiêm trọng"  mối quan hệ giữa hai nước…

Sông Thương

.
.
.