Hy Lạp: 3 ngày để thành lập chính phủ liên minh

Thứ Tư, 20/06/2012, 10:13
Những cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh ở Hy Lạp đã bước sang ngày thứ 2 (19/6) nhưng chưa đạt được kết quả rõ ràng. Với những quan điểm trái ngược nhau, các đảng phái giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội lần 2 ở Hy Lạp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung cho dù họ đang cố gắng xóa nhòa khoảng cách để tìm giải pháp tốt nhất cho người dân sau những tháng ngày sống trong cuộc khủng hoảng nợ công.
>> Eurozone “nín thở” chờ kết quả bầu cử QH lần 2 của Hy Lạp

Lãnh đạo đảng bảo thủ Tân Dân chủ của Hy Lạp Antonis Samaras đã khởi động các cuộc đàm phán để thành lập một chính phủ liên minh từ hôm 18/6, tức chỉ một ngày sau khi đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội lần 2. Với số phiếu đã được kiểm, đảng Tân Dân chủ giành được 30,2% số phiếu ủng hộ trong khi đảng Syriza với 26,89% cử tri ủng hộ về thứ 2 và đảng Pasok về thứ 3 được 12,3% số phiếu.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, chiến thắng của đảng Tân Dân chủ đã giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) nhưng điều này không có nghĩa là việc thành lập chính phủ liên minh sẽ dễ dàng.

Cuộc bầu cử hôm 17/6 là cuộc bầu cử Quốc hội thứ 2 của Hy Lạp trong vòng 6 tuần qua và như cuộc bầu cử lần thứ 1, không một đảng phái nào giành được đủ số phiếu để một mình thành lập chính phủ. Giải pháp chính phủ liên minh là điều cần thiết và khôn ngoan nhất vào thời điểm hiện tại cho Hy Lạp.

Thế nhưng, như phân tích của một số chuyên gia kinh tế, việc lựa chọn đối tác cho đảng Tân Dân chủ không phải đơn giản. Đảng Xã hội PASOK của cựu Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos dù mang quan điểm cùng với đảng Tân Dân chủ là thông qua các biện pháp kinh tế thắt lưng buộc bụng khắc khổ để đổi lấy các khoản vay nợ lớn của quốc tế từ các nước láng giềng châu Âu của Hy Lạp và Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm tránh bị vỡ nợ nhưng lại chưa đưa ra lời hứa hẹn nào về việc liên minh với đảng Tân Dân chủ vì suốt 4 thập kỷ qua, hai đảng này từng là đối thủ của nhau và có nhiều mâu thuẫn.

Với vị trí thứ 3 trong cuộc bầu cử, đảng Xã hội PASOK giành được 33 trong tổng số 300 ghế trong Quốc hội. Trong khi đó, đảng Tân Dân chủ đã giành được 129 ghế trong Quốc hội và nếu liên minh được với đảng Xã hội PASOK thì sẽ vượt qua được yêu cầu tối thiểu là phải giành 151 ghế để thành lập chính phủ liên minh.

Hồi tháng 5, Tổng thống Hy Lạp và lãnh đạo 6 đảng phái đã thất bại trong việc thảo luận thành lập chính phủ liên minh. (Ảnh: Reuters).

Thế nhưng, ngay cả khi hai đảng Tân Dân chủ và đảng Xã hội PASOK đã đạt được thỏa thuận thì liên minh chính phủ được thành lập vẫn chưa đủ vững mạnh bởi theo các nhà phân tích, đảng chống cứu trợ Syriza về thứ 2 trong cuộc bầu cử dù đã thừa nhận thất bại, song vẫn khẳng định sẽ chống lại các chương trình cứu trợ tài chính đến cùng. Vì thế, câu trả lời liệu Hy Lạp có rời khỏi khu vực đồng Euro vẫn còn ở phía trước và nó phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực thành lập chính phủ của đảng Tân Dân chủ.

Theo tin từ hãng AP, hôm 18/6, Thủ tướng lâm thời Panagiotis Pikrammenos và Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp Vyron Polydoras đã lên tiếng hối thúc việc thành lập một chính phủ liên minh mới. Lãnh đạo đảng bảo thủ của Hy Lạp Antonis Samaras sẽ có 3 ngày để thành lập một chính phủ liên minh, sau khi ông hội kiến cùng Tổng thống Carolos Papoulias và được ủy quyền để theo đuổi các cuộc thương thuyết nhằm thành lập một chính phủ liên minh.

Để bày tỏ thiện chí hợp tác của mình, ông Antonis Samaras đã kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị đoàn kết và thành lập một chính phủ mới ổn định với lời đảm bảo rằng: "Sự hy sinh của nhân dân Hy Lạp sẽ đưa đất nước trở lại thịnh vượng cùng với các đối tác tại châu Âu trên cơ sở bổ sung chính sách hiện nay phối hợp với các chính sách củng cố tăng trưởng". Đồng thời, lãnh đạo đảng bảo thủ Tân Dân chủ cũng khẳng định sẽ giữ nguyên các cam kết của Hy Lạp với các biện pháp thắt chặt chi tiêu mà các chủ nợ quốc tế đặt ra cho nước này.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 18/6, ông Antonis Samaras cho biết, ông đang đàm phán với lãnh đạo đảng Dân chủ Cánh tả (DL) Fotis Kouvelis và cả lãnh đạo đảng Xã hội PASOK Evangelos Venizelos. Nếu cả 3 đạt được thỏa thuận, Hy Lạp sẽ có một chính phủ liên minh với 179 ghế trong Quốc hội. Trong trường hợp thất bại, Tổng thống Karolos Papoulias lại phải trao nhiệm vụ thành lập chính phủ liên minh cho lãnh đạo đảng Syriza Alexis Tsipras. Câu trả lời cho tương lai thành lập chính phủ ở Hy Lạp đến chiều 19/6 vẫn đang được bỏ ngỏ

Sông Thương
.
.
.