Hội nghị thượng đỉnh G20 tìm lối thoát cho khủng hoảng kinh tế
Tin từ hãng Reuters cho hay, hầu hết lãnh đạo các quốc gia ở châu Âu đều quan tâm đến Hội nghị thượng đỉnh G20, nhất là khi nó được tổ chức chỉ 24 giờ đồng hồ sau khi Hy Lạp bỏ phiếu bầu cử Quốc hội lần 2. Mục đích chính của các lãnh đạo châu Âu là tìm sự ủng hộ mới từ Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) và một số tổ chức tài chính khác cho Hy Lạp để nước này không phải rời bỏ khu vực Eurozone. Hơn nữa, dù muốn hay không thì cuộc gặp giữa nguyên thủ những nền kinh tế mới nổi sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và thị trường chứng khoán ở châu Âu, châu Á và Mỹ.
Trong cuộc điện đàm với những người đồng cấp ở Anh, Pháp, Đức, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói rằng, điều quan trọng nhất là châu Âu phải đưa ra được tín hiệu về sự yên tâm đối với đồng euro. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã lên đường tới Mexico để chuẩn bị cho cuộc gặp với các nguyên thủ khác và đây cũng là cơ hội để ông thể hiện tài lãnh đạo của mình trong cơn khủng hoảng kinh tế nhằm gây ấn tượng, mang lại cơ hội tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới. 5 quốc gia trong nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi dự kiến sẽ đưa ra đề nghị về một khoản vay mới trị giá 10 tỷ USD đối với IMF. Vấn đề năng lượng, biến đổi khí hậu cũng sẽ là một trong những đề tài thảo luận chính trong hai ngày diễn ra hội nghị.
Trong lần trả lời phỏng vấn hôm 16/6, Tổng thống Felipe Calderon, người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 cho biết, ông hy vọng rằng, các thành viên G20 sẽ thông qua khoản vốn 430 tỷ USD để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang ngày càng lan rộng ở châu Âu. Đồng thời, ông Felipe Calderon cũng bày tỏ hy vọng IMF cùng Ngân hàng thế giới (WB) sẽ phát huy thế mạnh của mình tại hội nghị bằng những đề xuất táo bạo giải quyết khủng hoảng kinh tế. Trong khi đó, đại diện của WB cho rằng, G20 cần phải có những đổi thay trong cơ chế quản lý để tạo đà cho phát triển kinh tế.
2.000 cảnh sát và binh sĩ |
Quan điểm của Chủ tịch WB Robert Zoellick là G20 phải xác định rõ vai trò "đầu tàu" của mình trong việc giải quyết suy thoái kinh tế hiện nay để đưa ra những quyết sách phù hợp, giúp ổn định nền kinh tế thế giới. Hãng Reuters cho hay, các nhà lãnh đạo G20 có thể sẽ đưa ra một kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tương tự kế hoạch đã nhất trí tại hội nghị trước đó. Bên cạnh đó, các nước dự kiến sẽ hoàn tất cam kết tăng cường khả năng chống khủng hoảng của IMF.
Còn theo giới phân tích, có ba vấn đề mà nguyên thủ các nước G20 cần giải quyết ngay là: tăng cường tiềm lực cho IMF, thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, phối hợp, thuyết phục Đức ủng hộ đề xuất phát hành trái phiếu chung trong khu vực Eurozone hay thành lập một liên minh ngân hàng. Hiện vẫn còn quá nhiều ý kiến khác nhau thậm chí là trái chiều giữa các nước tham dự hội nghị G20. Trong khi Washington hy vọng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đưa ra kế hoạch giải quyết khủng hoảng của khu vực thì các nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) lại đang chia rẽ về giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.
2.000 cảnh sát cùng binh lính |