Giai đoạn mới trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ tới châu Á

Thứ Hai, 13/04/2015, 07:56
Trước khi lên đường thực hiện chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức tới Nhật Bản và Hàn Quốc-hai đồng minh chiến lược của Mỹ ở châu Á, trong bài phát biểu tại Viện McCain thuộc Đại học Arizona, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, Washington đang chuẩn bị mở ra một giai đoạn mới trong chiến lược “xoay trục” tới châu Á, hoặc là chiến lược “tái cân bằng” ở Châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD).
Do đâu Mỹ cần khởi động giai đoạn mới vào lúc này?

Trong bối cảnh trên thế giới đang diễn ra những biến động lớn, khu vực CA-TBD cũng đang trải qua những dịch chuyển địa-chính trị nhanh và quan trọng, tác động tới sự điều chỉnh chiến lược của các nước trong và ngoài khu vực có liên quan, trước hết là các nước lớn Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. 

Trước hết, cần nhận thấy Trung Quốc đang xúc tiến thực hiện sự điều chỉnh chiến lược từ vị thế của một quốc gia có nền kinh tế chiếm vị trí thứ 2 thế giới, sang vị thế có ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng, có thể tham gia tích cực hơn trong việc sắp đặt các luật chơi mới trong cấu trúc kinh tế và chính trị khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu. Trong đó được thể hiện ở nhiều sự kiện rất đáng chú ý diễn ra trong 2 năm vừa qua. 

Đó là, Diễn đàn hợp tác khu vực CA-TBD diễn ra ở Bắc Kinh trong tháng 11/2014 là một sự kiện quan trọng chứng tỏ vai trò và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, được thể hiện ở Tuyên bố chung của hội nghị, trong đó các bên thống nhất thực hiện sáng kiến do Bắc Kinh đề xuất nhằm xây dựng Khu vực thương mại tự do toàn khu vực CA-TBD, gọi tắt là FTAAP (Free Trade Area of Asia Pacific).

Với sáng kiến này, Trung Quốc hy vọng sẽ hạn chế ảnh hưởng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership) do Mỹ đóng vai trò chủ đạo. Một sự kiện khác chứng tỏ ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở CA-TBD là tính đến thời hạn chót ngày 31/3/2015, đã có 45 nước đăng ký làm thành viên sáng lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, viết tắt là AIIB (Asian Infrastructure Investment Bank), do Trung Quốc khởi xướng.

Trong đó, đã có sự tham gia của 5 trong số 7 nước công nghiệp phát triển (G-7), chỉ còn Mỹ và Nhật Bản “đứng ngoài cánh cửa” của AIIB. Sự ra đời của AIIB tiếp theo quyết định mang tính lịch sử của Nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Trung Quốc, Nga, Brasil, Ấn Độ, Cộng hòa Nam Phi) thành lập Ngân hàng phát triển mới NDB (New Development Bank) và Quỹ dự phòng rủi ro (CRA) tại Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này ở Brasil vào năm 2014, trong đó sẽ không sử dụng USD như đồng tiền thanh toán duy nhất, mà sẽ sử dụng đồng nội tệ của các nước thành viên trong giao dịch thương mại giữa các nước...

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (thứ 2 từ phải sang) đến thăm căn cứ quân sự Osan (phía Nam Seoul) ngày 9/4/2015. Ảnh: Yonhap News
Một diễn biến khác rất đáng chú ý ở CA-TBD là đã hình thành quan hệ kiểu mới giữa Trung Quốc và Nga. Đây là mối quan hệ chưa từng có từ thời Chiến tranh lạnh, trong đó Nga đang thực hiện điều chỉnh chiến lược sang châu Á.

Trong khi đó, tiến độ đàm phán để sớm ký kết TPP diễn ra quá chậm. TPP là một nội dung then chốt của chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở CA-TBD nhằm duy trì một trong những không gian kinh tế lớn hàng đầu thế giới do Mỹ đóng vai trò chủ đạo hay là đề ra luật chơi. Do đó, mục tiêu hàng đầu của chiến lược “xoay trục” của Mỹ chính là sớm ký kết TPP. Do đó, chính phủ Mỹ đang đề nghị Quốc hội trao cho họ quyền được đàm phán nhanh để có thể kết thúc trong năm 2015...

Một diễn biến khác diễn ra tuy cách xa CA-TBD nhưng có tác động tới khu vực này là Thỏa thuận khung của Nhóm P5+1 với Iran vừa được ký kết ngày 2/4/2015. Đánh giá về ý nghĩa của thỏa thuận này, Tổng thống Mỹ B.Obama nhận định rằng đây là sự kiện có tác động tạo ra cục diện mới không chỉ ở Trung Đông mà cả trên phạm vi toàn cầu, sẽ tạo điều kiện cho Mỹ tái cấu trúc lực lượng và tập trung nhiều hơn vào việc thực hiện chiến lược “tái cân bằng” ở CA-TBD.

Kết quả quan trọng của chuyến thăm

Trong chuyến thăm của ông Ashton Carter tới Nhật Bản, hai bên nhất trí xúc tiến cập nhật các nguyên tắc cơ bản đề ra trong Văn kiện chỉ đạo hợp tác quốc phòng song phương Nhật Bản-Mỹ nhằm mở ra cơ hội để các lực lượng vũ trang của hai nước có thể hướng tới khả năng hợp tác không giới hạn.

Nội dung này sẽ được thảo luận tại Đối thoại an ninh "2+2" giữa bộ trưởng Ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng hai nước vào cuối tháng 4/2015, trong đó xác định nhiều lĩnh vực mà hai bên sẽ hợp tác, trong đó có công nghệ vũ trụ và chiến tranh thông tin.

Đây là sự điều chỉnh chưa từng có kể từ khi hai nước thống nhất Văn kiện chỉ đạo hợp tác quốc phòng song phương vào năm 1997... Trong chuyến thăm Nhật Bản, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Ashton Carter thông báo chủ trương của Mỹ sẵn sàng chuyển giao cho Quân đội Nhật Bản các hệ thống vũ khí mới nhất và hiện đại nhất...

Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã có các cuộc hội kiến với tổng thống nước chủ nhà Park Geun-hye, hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo và nhóm họp với nhiều quan chức cấp cao khác của chính phủ Hàn Quốc.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc, hai bên tránh đề cập tới một chủ đề rất nhạy cảm là việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường tầm cao THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) hiện đại nhất trên bán đảo Triều Tiên, xuất phát từ hai lý do: Hàn Quốc có đủ mọi khả năng công nghệ và kỹ thuật để hoàn toàn tự nghiên cứu chế tạo và vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa riêng, nên không cần Mỹ triển khai hệ thống này ở Hàn Quốc.

Bên cạnh đó tránh được sự phản đối từ phía Trung Quốc vì Bắc Kinh đã cảnh báo Seoul rằng việc hợp tác với Mỹ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa là nhằm chống Trung Quốc và sẽ làm suy giảm mối quan hệ với Bắc Kinh...

Đại tá Lê Thế Mẫu
.
.
.