Diễn đàn kinh tế Davos: Cố gắng “đông lạnh những vấn đề nóng"

Thứ Năm, 13/09/2012, 08:52
Dư luận trong và ngoài khu vực đang quan tâm tới Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2012 (còn gọi là Diễn đàn kinh tế Davos mùa hè 2012) vừa khai mạc chiều 11/9 tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc. Trong số những lãnh đạo tham dự Diễn đàn kinh tế Davos mùa hè 2012 có Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, Tiến sĩ Klaus Schwab cùng một số Tổng thống, Thủ tướng các nước và chuyên gia kinh tế danh tiếng trên thế giới. Ra đời từ năm 2007 với mục đích thảo luận, nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và sáng tạo khoa học kỹ thuật từ góc nhìn châu Á nên những vấn đề được thảo luận, thông qua tại Diễn đàn kinh tế Davos mùa hè 2012 được dư luận trong và ngoài khu vực đặc biệt quan tâm.

Cách đây 1 năm (từ 14 đến 16/9) tại thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Diễn đàn kinh tế Davos mùa hè 2011 đã bế mạc với việc đưa ra một số thông điệp quan trọng. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng cho rằng, kinh tế thế giới đang dần phục hồi, nhưng những nhân tố bất ổn và không xác định vẫn xuất hiện ngày một nhiều, do đó cộng đồng quốc tế cần tăng cường hợp tác để cùng đối phó với các thách thức.

Theo phép tính số học, kinh tế Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2025 bởi quốc gia đông dân nhất toàn cầu đang đứng trước nhiều thay đổi có lợi để đạt được mục tiêu này.

Diễn đàn kinh tế Davos mùa hè 2012 diễn ra trong bối cảnh những tranh chấp trên biển giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang ở giai đoạn “đỉnh điểm”. Ngày 11/9, Chính phủ Nhật Bản đã ký hợp đồng với chủ sở hữu tư nhân Kurihara để mua 3 đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, Tiến sĩ Klaus Schwab và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia.

Sáng 11/9, nội các Nhật Bản đã nhóm họp và quyết định trích 2,05 tỷ yên (khoảng 26 triệu USD) trong ngân quỹ dự phòng để chi cho thương vụ này. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã cử Vụ trưởng Vụ Các vấn đề châu Á và châu Đại Dương Shinsuke Sugiyama tới Trung Quốc để kiềm chế phản ứng của Bắc Kinh đối với vấn đề này.

Được biết, sau khi quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã ra lệnh cho lực lượng phòng vệ sẵn sàng trước tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cũng đã nhắc lại quan điểm của Tokyo, theo đó việc mua bán kể trên là nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định và 2 nước cần hành động bình tĩnh và xuất phát từ góc nhìn chung.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ có những biện pháp cần thiết để tái khẳng định chủ quyền đối với nhóm đảo Nhật Bản đang kiểm soát trên biển Hoa Đông. Trước đó (10/9), Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố, Bắc Kinh sẽ không lùi một tấc nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản, còn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng cảnh báo việc mua 3 đảo kể trên của Nhật Bản là “bất hợp pháp”.

Về phần mình, ngày 10/9, nữ nghị sỹ Ilena Ros-Lehtinen, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cho rằng, những chiến thuật gây hấn, đe dọa và cưỡng chế của Trung Quốc tại biển Đông là việc làm không thể dung thứ. Được biết, bà Ros-Lehtinen sẽ triệu tập một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ trong ngày 12/9 (theo giờ địa phương) để thảo luận về vấn đề “Bắc Kinh - cường quốc mới nổi ở biển Đông”.

Nghị sỹ Ros-Lehtinen cho biết, Mỹ phải kiên quyết để đảm bảo rằng sự hiếu chiến của Trung Quốc không được hoan nghênh, nếu không thế giới sẽ sớm phải đối mặt với những mối đe dọa lớn hơn từ Bắc Kinh và phiên điều trần sẽ xem xét những ý định của Trung Quốc, cũng như cân nhắc những chiến lược của Mỹ để đối phó với những nỗ lực nhằm mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực quan trọng này

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.