Điểm nhấn của Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay là gì?

Thứ Bảy, 12/06/2021, 07:44
Diễn ra từ ngày 11 đến 13/6 (giờ địa phương) tại Cornwall, phía Tây Nam vùng England (Anh), Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Hội nghị năm nay diễn ra với kỳ vọng đặc biệt vào việc nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đang quay trở lại mạnh mẽ.


An ninh được thắt chặt

Diễn ra trong bối cảnh thế giới đã bước sang năm thứ hai của đại dịch COVID-19, đồng thời hàng loạt vấn đề lớn trong quan hệ quốc tế nổi lên, từ sự cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu lẫn thách thức đổi mới các thiết chế thương mại và tài chính toàn cầu, Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này được các nước phương Tây đặc biệt coi trọng. Để bảo đảm an toàn cho Hội nghị, nước chủ nhà đã huy động hơn 10.000 nhân viên an ninh.

Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát đã dựng nhiều hàng rào thép và các biện pháp hạn chế khác nhằm phong tỏa nhiều tuyến đường và những con phố ven biển dẫn đến vịnh Carbis, khu nghỉ dưỡng nhỏ ven biển, nơi diễn ra sự kiện trên. Anh triển khai các biện pháp an ninh nói trên trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố vẫn hiện hữu.

Nước chủ nhà Anh đã huy động hơn 10.000 nhân viên an ninh để bảo đảm an toàn cho Hội nghị.

Anh đang ban hành mức cảnh báo nguy cơ khủng bố ở cấp độ 3, có nghĩa là có khả năng xảy ra một cuộc tấn công. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt là giải quyết những cuộc biểu tình có thể xảy ra trong thời gian diễn ra sự kiện để tránh ảnh hưởng đến hội nghị này. Cảnh sát cho biết họ sẽ thực hiện những biện pháp cứng rắn nhằm bảo đảm an ninh cho hội nghị, đồng thời tuyên bố sẽ xử phạt nghiêm khắc bất kỳ ai vi phạm trật tự công cộng.

Một điểm đặc biệt của Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này là có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Sự xuất hiện của ông đặc biệt được mong đợi không chỉ vì đây là lần đầu tiên ông công du nước ngoài sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ mà còn vì sau hơn 4 năm các nước phương Tây bất đồng và rạn nứt quan hệ nghiêm trọng với Washington dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, các đồng minh châu Âu của Mỹ đang chờ đợi các cam kết và hành động cụ thể từ phía ông Joe Biden nhằm làm sống lại mối quan hệ đồng minh chiến lược xuyên Đại Tây Dương. Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson ca ngợi sự có mặt của người đứng đầu Nhà Trắng như một “làn không khí mát lành” sau cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai bên.

Điểm nhấn của Hội nghị

Trong 3 ngày họp, dự kiến lãnh đạo các nước G7 và khách mời sẽ thảo luận một loạt chủ đề quan trọng, như cách thức đối phó với những thách thức toàn cầu như hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc, chiến lược phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho toàn thế giới, kế hoạch thiết lập hệ thống đánh thuế toàn cầu nhằm ngăn chặn các tập đoàn lớn trốn thuế và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Một số vấn đề khác cũng sẽ được bàn thảo như mâu thuẫn giữa Anh và EU gần đây liên quan đến điều khoản Brexit hay ý tưởng của nước chủ nhà về việc gia tăng các trợ giúp và giáo dục cho trẻ em gái.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, hai chủ đề bao trùm của Thượng đỉnh G7 lần này sẽ là vấn đề vaccine ngừa COVID-19 và sự cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc. Hiện các nước phương Tây đang chịu sức ép lớn phải hỗ trợ các nước khác trên thế giới có được vaccine sau khi các nước này đã gom phần lớn số lượng vaccine được sản xuất, đồng thời cấm xuất khẩu.

Phát biểu trước khi tới Anh tham dự Hội nghị với các đối tác, Thủ tướng Australia Scott Morrsion khẳng định, “thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có kể từ sau khi chiến tranh kết thúc vào những năm 1930, đó là đại dịch toàn cầu, suy thoái kinh tế, hệ thống thương mại thế giới và trật tự dựa trên luật lệ đang bị đe dọa”.

Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế G7 có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi của khu vực thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển song phương cũng như các định chế tài chính đa phương như Ngân hàng thế giới hay Ngân hàng phát triển Châu Á.

Đối với cuộc chiến địa chính trị, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay, Mỹ cùng Anh đã vận động rất mạnh để tạo lập một liên minh dưới lá cờ “dân chủ” nhằm chống lại ảnh hưởng gia tăng của Nga và Trung Quốc. Việc các nước ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia được mời đến dự Thượng đỉnh G7 lần này cũng được xem là nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, các chủ đề này có thể cũng sẽ có nguy cơ tạo ra bất đồng lớn trong nội bộ G7.

Trong khi Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản cùng các nước khách mời như Ấn Độ và đặc biệt là Australia mang quan điểm đối đầu cứng rắn với Trung Quốc thì các nước Đức, Pháp, Italy không muốn EU bị lôi vào một cuộc chiến tranh lạnh với Nga hoặc đối đầu trực diện với Trung Quốc. Phát biểu ngay trước khi lên đường sang Anh, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron kêu gọi NATO cần làm rõ chiến lược của mình, xác định rõ ai là kẻ thù, đồng thời cho rằng các nước cần phải xây dựng được một khuôn khổ hòa bình với Nga cũng như không nên quá ám ảnh về Trung Quốc.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.