Đệ nhất phu nhân Zimbabwe kiện WikiLeaks

Thứ Hai, 20/12/2010, 10:15
Không những phải đối phó với hàng loạt biện pháp can thiệp vào hoạt động do chính quyền Washington chủ trương, WikiLeaks còn đang phải đối mặt với những vụ kiện mới mà bên nguyên chính là những nhân vật được nhắc đến trong những trang văn thư ngoại giao của Mỹ vừa bị tiết lộ. Vụ kiện và đòi bồi thường do Đệ nhất phu nhân Zimbabwe Grace Mugabe khởi xướng là một ví dụ.

Tin từ hãng BBC, hôm 18/12, Đệ nhất phu nhân Zimbabwe Grace Mugabe đã đệ đơn kiện tờ The Standard và WikiLeaks vì đã đăng tải thông tin từ một điện tín ngoại giao của Mỹ và nói rằng, bà đã trục lợi nhiều từ các mỏ khai thác kim cương trong nước. Chưa hết, bà Grace Mugabe còn yêu cầu được bồi thường tới 15 triệu USD.

Theo các thông tin mà điện tín ngoại giao cung cấp, cựu Đại sứ Mỹ James McGee đã trích dẫn lời của Andrew Cranswick, Giám đốc một công ty khai thác mỏ của Anh tại Zimbabwe nói: "Nhiều nhóm quan chức cấp cao ở Zimbabwe đã thu được những lợi nhuận khổng lồ từ các mỏ kim cương Chiadzwa". Để minh chứng cho tuyên bố của mình, ông Andrew Cranswick đã điểm tên một số người trong đó có Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe, Thống đốc Ngân hàng trung ương Zimbabwe Gideon Gono, một số quan chức cấp cao trong quân đội và thành viên cao cấp trong đảng Zanu-PF của Tổng thống Robert Mugabe.

Trong buổi họp báo chiều 18/12, luật sư riêng của bà Grace Mugabe đã gọi đây là những lời cáo buộc sai sự thật và buồn cười. Tờ báo Herald trích dẫn đơn kiện của bà Grace Mugabe có đoạn viết rằng, những thông tin được đăng tải đã gây tổn hại đến uy tín của nhiều nhân vật cấp cao và xúc phạm tới Đệ nhất phu nhân.

Tuy nhiên, trên thực tế, từ nhiều năm nay, các tổ chức phi chính phủ đã không ít lần cáo buộc chính quyền do Tổng thống Robert Mugabe đứng đầu luôn bắt buộc người dân địa phương làm việc khổ cực trong các mỏ kim cương để khai thác, kiếm lời rồi sau đó lại thủ tiêu họ. Nhưng Chính phủ Zimbabwe luôn bác bỏ các cáo buộc này. Bản thân bà Grace Mugabe cũng nổi tiếng là một Đệ nhất phu nhân ăn chơi, sẵn sàng mua sắm các loại hàng hiệu theo ý thích nhất thời.

Mỹ đang khẩn trương tìm kiếm các thông tin liên quan đến việc WikiLeaks tiết lộ những thông tin mật.

Riêng với tờ The Standard, đây không phải cuộc đụng độ đầu tiên với chính quyền Tổng thống Robert Mugabe. Hồi tháng trước, Tổng biên tập tờ báo này đã bị bắt giữ vì một bài báo nói rằng, cảnh sát Zimbabwe đã tuyển mộ các sĩ quan quân đội về hưu từ cuộc chiến năm 1970 thay vì các sĩ quan trẻ tuổi, năng động…

Từ Anh, nhận được thông tin về vụ kiện tại Zimbabwe, ông chủ trang web WikiLeaks Julian Assange không đưa ra lời bình luận nào ngoài việc khẳng định, WikiLeaks sẽ tiếp tục công bố thêm những tài liệu mật mới.

Trả lời phỏng vấn hãng BBC, ông Julian Assange một lần nữa bác bỏ những cáo buộc mà tòa án Thụy Điển đưa ra đối với ông, đồng thời khẳng định rằng, đây là thời điểm khó khăn của ông, bởi Mỹ đang ráo riết tiến hành các hoạt động điều tra vụ rò rỉ thông tin mật và có khả năng sẽ truy tố ông theo Đạo luật gián điệp năm 1917 cùng một số đạo luật về bí mật an ninh quốc gia khác.

Thừa nhận mình đang là mục tiêu điều tra gắt gao của Mỹ, ông Julian Assange cũng lo ngại rằng, khả năng ông bị dẫn độ sang Mỹ đang "ngày một gia tăng". Ông chủ WikiLeaks cho biết, dù được tại ngoại nhưng bên người ông luôn có chiếc thẻ điện tử giám sát. Do đó, công việc của ông ở WikiLeaks cũng bị cản trở nhiều, song ông sẽ không dừng lại.

Một số nguồn tin từ báo chí Mỹ cho hay, bên cạnh việc tìm cách truy tố Julian Assange theo Đạo luật gián điệp năm 1917, Washington còn muốn tạo dựng mối liên hệ giữa vụ việc của Julian Assange với những cáo buộc liên quan đến binh sĩ Bradley Manning, người bị cho là đánh cắp thông tin mật trong quân đội Mỹ và chuyển chúng cho WikiLeaks

Huyền Chi
.
.
.