Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tới CHDCND Triều Tiên

Thứ Sáu, 27/08/2010, 11:03
Ngày 26/8, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã dành ngày thứ 2 tại CHDCND Triều Tiên với sứ mệnh là đàm phán để đưa Aijalon Gomes, người đàn ông vùng Boston đang bị giam ở nước này từ hồi tháng 1 về nước.

Trong một bản tin ngắn, hãng thông tấn KCNA cho hay, đích thân đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của CHDCND Triều Tiên Kim Kye-Gwan đã ra đón ông Jimmy Carter và nhóm người đi cùng tại sân bay Bình Nhưỡng. Anh Aijalon Mahli Gomes, 30 tuổi là một công dân Mỹ gốc Hàn Quốc bị kết án 8 năm lao động khổ sai và nộp phạt 7.000 USD vì xâm nhập trái phép CHDCND Triều Tiên từ Trung Quốc.

Một quan chức cấp cao tại Washington tiết lộ với hãng thông tấn AP rằng, CHDCND Triều Tiên đã đồng ý thả Aijalon Mahli Gomes nếu ông Jimmy Carter tới Bình Nhưỡng mà không cần một quan chức Mỹ nào tháp tùng. Sau khi đàm phán với giới chức Bình Nhưỡng, chiều 26/8, cựu Tổng thống Mỹ đã lên chuyến bay về nước. Hiện chưa rõ ông có đưa anh Aijalon Mahli Gomes về Boston đoàn tụ với gia đình cùng mình hay không. Kết quả các cuộc đàm phán, hội đàm giữa ông Jimmy Carter và giới chức Bình Nhưỡng đến nay vẫn được giấu kín. Nhưng theo đài truyền hình APTN, cựu Tổng thống Mỹ đã được nhân vật đứng thứ 2 của CHDCND Triều Tiên là Kim Yong Nam tiếp. 

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter gặp gỡ nhân vật đứng thứ 2 của CHDCND Triều Tiên Kim Yong Nam.

Được biết, đây không phải lần đầu cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tới Bình Nhưỡng. Năm 1994, ông từng có cuộc hội đàm thân mật với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên thời bấy giờ là Kim Il Sung. Và chuyến thăm Bình Nhưỡng lần này cũng chỉ được coi là một chuyến đi với tư cách riêng. Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng có chuyến thăm CHDCND Triều Tiên và thuyết phục được Bình Nhưỡng thả 2 nhà báo người Mỹ.

Mặc dù vậy, chính quyền Obama đã từ chối bình luận về chuyến thăm này, và nói rằng, Washington không hề có ý định cử đặc phái viên đến Bình Nhưỡng mà sẽ tiếp tục đàm phán giải cứu anh Aijalon Mahli Gomes thông qua các nhà ngoại giao Thụy Sỹ đang có mặt tại đó. (Thụy Sỹ đang đại diện cho Mỹ để giải quyết các vấn đề liên quan tại Bình Nhưỡng bởi từ lâu giữa Washington và Bình Nhưỡng đã không còn mối quan hệ ngoại giao). Song theo các nhà phân tích, các chuyến thăm CHDCND Triều Tiên trong thời điểm căng thẳng hiện nay được coi như làn gió mát làm dịu lại bầu không khí nóng trên bán đảo Triều Tiên.

Hiện tại, điều quan trọng nhất là Mỹ phải thuyết phục được Bình Nhưỡng sớm trở lại bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo này. Đồng thời, cả Mỹ và Hàn Quốc cũng phải tìm cách giải quyết những xung đột nảy sinh kể từ khi 2 nước này cáo buộc CHDCND Triều Tiên đứng đằng sau vụ chìm tàu chiến Cheonan làm 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng

Sông Thương
.
.
.