Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran: Những tín hiệu khác nhau

Thứ Bảy, 31/10/2009, 09:43
Mặc dù các thành viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vừa kết thúc 4 ngày làm việc tại cơ sở làm giàu uranium thứ hai Fordo của Iran, nhưng dư luận lại đang bận tâm tới sự thay đổi của Tehran xung quanh vấn đề nhạy cảm này.

Theo giới truyền thông, Tehran đã khước từ đề xuất của IAEA - phần lớn số lượng uranium của Iran sẽ được chuyển ra nước ngoài làm giàu thêm dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Tehran muốn làm giàu thêm uranium ở trong nước dưới sự giám sát của IAEA. Thông tin này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cam kết, sẽ hợp tác với IAEA để giải quyết bế tắc liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran.

Ông Mahmoud Ahmadinejad cũng hoan nghênh cách tiếp cận vấn đề hạt nhân của phương Tây - chuyển từ đối đầu sang hợp tác. Tuy nhiên, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cũng tái khẳng định, Iran sẽ không từ bỏ những quyền không thể chối cãi về hạt nhân và không bao giờ từ bỏ quyền phát triển chương trình hạt nhân dân sự của mình.

Trước đó (28/10), Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Ông Mahmoud Ahmadinejad cho rằng, vấn đề cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho lò phản ứng là cơ hội để Iran đánh giá sự trung thực của các cường quốc cũng như IAEA.

Ngay sau khi biết tin, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt đã coi đây là "thủ thuật cũ, một kiểu tiến lùi để hội đàm thêm". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly cho biết, Washington cần xác minh rõ vấn đề này. Được biết, Iran vẫn đang xem xét bản kế hoạch mà Tổng Giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei đưa ra tại cuộc gặp giữa Iran với Mỹ, Nga và Pháp ở Vienna, Áo hồi cuối tuần trước.

Theo đó, Tehran phải chuyển 1,2 tấn uranium (khoảng 75% số uranium của Iran) sang Nga làm giàu thêm (dưới 20%) trước khi biến chúng thành các thanh nhiên liệu tại Pháp. Các thanh nhiên liệu này sẽ được đưa trở lại Iran dưới sự kiểm soát của IAEA. Số uranium này chỉ cho phép Tehran có nhiên liệu chạy lò phản ứng nghiên cứu, không đủ khả năng làm giàu để chế tạo vũ khí nguyên tử. Giới truyền thông Iran cho biết, Tehran chỉ muốn chuyển dần uranium chứ không chuyển một lần, chỉ chuyển đợt tiếp theo sau khi đã nhận về các thanh nhiên liệu cho lò phản ứng.

Đề nghị thay đổi của Iran được coi là thách thức mới đối với Mỹ, Nga và Pháp, thậm chí có thể hủy hoại thỏa thuận mới đạt được. Để gia tăng áp lực đối với Iran, ngày 29/10, với 23 phiếu thuận, Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật mở đường cho chính quyền Tổng thống Barack Obama áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế sâu rộng hơn đối với Tehran nếu nước này không thực thi những thoả thuận đã đạt được.

Về phần mình, trước khi rời Iran hôm 29/10, các nhân viên IAEA chỉ thông báo, Tehran đã có phản ứng ban đầu trước đề xuất của họ. Trưởng nhóm chuyên gia IAEA, ông Herman Nackaerts cho biết, họ đã có một chuyến đi tốt đẹp. Báo cáo của họ sẽ đóng vai trò quan trọng đối với "Nhóm P5+1" (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức) trước khi đưa ra quyết định đối với Iran. Kết quả chuyến đi sẽ được báo cáo lên Tổng giám đốc Mohamed ElBaradei trước khi thông báo cho hội đồng điều hành IAEA vào giữa tháng 11.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hoan nghênh cuộc thanh sát và coi đây là một bước tiến tích cực. Ông Ban Ki-moon khuyến khích Iran chấp thuận kế hoạch dự thảo do IAEA đề xuất.

Dư luận khá quan tâm tới đề xuất hôm 26/10 của Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki khi ông cho biết, Tehran có thể cân nhắc việc mua uranium từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán

Quốc Trung
.
.
.