Hội nghị thượng đỉnh bất thường Liên minh châu Âu:

Cuộc chiến loại bỏ các “thiên đường trốn thuế”

Thứ Năm, 23/05/2013, 09:28
Cuộc chiến loại bỏ các “thiên đường trốn thuế” tại châu Âu chính thức được khởi động sau khi Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) khai mạc vào ngày 22/5 tại Brussels (Bỉ). Trong khi đó, Thủ tướng Italia Enrico Letta cảnh báo rằng, EU có nguy cơ sụp đổ nếu không hành động hơn nữa nhằm giải quyết các vấn đề của người dân trong bối cảnh khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế.

Theo tin từ hãng Reuters, trọng tâm của cuộc họp thượng đỉnh lần này của lãnh đạo EU là bàn biện pháp chống trốn thuế và tăng cường khả năng hoạt động cho thị trường năng lượng của EU. Nghị sĩ châu Âu đến từ Slovenia Mojca Kleva Kekus, người đang đề xuất các giải pháp chống trốn thuế khẳng định, các quốc gia cần phải có sự thống nhất chung để tiêu diệt các “thiên đường trốn thuế”.

Đồng thời, bà Mojca Kleva Kekus cũng kêu gọi thiết lập một danh sách đen của riêng EU về các “thiên đường trốn thuế”. Trước đó, vào cuối tháng 4, 6 nước thuộc EU là Đức, Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha và Ba Lan cũng đã thống nhất về kế hoạch buộc ngân hàng tại các nước này phải minh bạch hóa hơn hoạt động của mình.

Các biện pháp tăng cường tính minh bạch bao gồm yêu cầu ngân hàng của 6 nước này phải cung cấp thông tin người gửi cho cơ quan thuế vụ của các nước này; trao đổi dữ liệu giữa các ngân hàng và tạo ra hệ thống tự động trao đổi dữ liệu về thuế…

Sau đó, lãnh đạo của 6 quốc gia này cùng ký chung một lá thư gửi Cao ủy về thuế vụ của EU Algirdas Semeta, thúc giục ông Semeta thảo luận với 27 quốc gia thành viên EU để ký vào thỏa thuận minh bạch hóa các ngân hàng. Động thái mạnh mẽ này được đưa ra sau khi Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ) tuyên bố họ thu được thông tin hết sức tin cậy liên quan đến hàng chục ngàn tài khoản ngân hàng “có vấn đề” ở nước ngoài, tập trung ở Cayman và British Virgin.

Nếu không có sự thay đổi, kinh tế của EU ngày càng đi xuống, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và tạo ra các cuộc biểu tình chống chính phủ trên đường phố.

Tuy nhiên, Áo và Luxemburg là hai quốc gia trong số 27 thành viên của EU tuyên bố không muốn tham gia vào quy định này, với lý do "bảo vệ lịch sử bí mật lâu dài của ngân hàng”. Trong khi đó, báo cáo gửi lên Chủ tịch EU Herman Van Rompuy cho hay, tình trạng trốn thuế phổ biến hiện nay đang làm cho EU tổn thất tới 1.000 tỷ euro thu nhập mỗi năm.

Số tiền này còn vượt xa khoản cam kết 400 tỷ euro trong kế hoạch giải cứu các thành viên khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và CH Cyprus trong những năm tới. Phát biểu trước thềm hội nghị, ông Herman Van Rompuy nhấn mạnh, hành vi trốn thuế là một vấn đề nghiêm trọng đối với tất cả các quốc gia đang cần các nguồn lực để khôi phục lại hệ thống tài chính công.

Vì thế, EU không thể tạo điều kiện hoặc khoan dung cho các hành vi này. Tin từ Hãng Reuters cho hay, trong cuộc họp thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo cũng sẽ xem xét dự luật cứu trợ ngân hàng được nhóm nghị sĩ thuộc Ủy ban Kinh tế Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua hôm 20/5.

Theo đó, các tài khoản có tiền gửi trên 100.000 Euro có thể bị ngân hàng giữ lại trong trường hợp “cạn kiệt nguồn lực”. Điều này đồng nghĩa với việc những khách hàng có số tiền gửi trên 100.000 euro tại EU có thể bị thiệt hại nếu ngân hàng gặp sự cố. Nhiều nhà phân tích đã nhận định rằng, thực chất biện pháp này là nhằm đánh vào giới nhà giàu chuyên gửi tiền trong các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài để trốn thuế và cũng là cách để EU tránh việc phải cứu trợ các ngân hàng đến từ các “thiên trường trốn thuế” có nguy cơ bị phá sản.

Về vấn đề năng lượng, cho đến nay, phần lớn các nước Đông Âu đều phụ thuộc vào thị phần cung cấp chất đốt từ Nga và điều này khiến kinh tế của EU chịu ảnh hưởng nặng nề nếu như đường ống cung cấp gặp trục trặc hoặc có sự căng thẳng giữa Moskva và các nước nói trên.

Vì thế, để tạo một thị trường năng lượng lành mạnh, các nhà lãnh đạo EU đang kêu gọi các thành viên phát triển loại năng lượng mặt trời và sức gió. Các báo cáo được đưa ra tại hội nghị cũng nhấn mạnh, nếu không có sự thay đổi trong ngành công nghiệp năng lượng, đến năm 2035, EU sẽ phải nhập khẩu tới 80% lượng khí đốt đang sử dụng.

Tức là mỗi năm, EU phải tiêu tốn tới 406 tỷ euro cho việc nhập dầu mỏ, khí đốt và than đá, chiếm 3,2% GDP của toàn EU. Còn nếu đầu tư cho việc phát triển các nguồn năng lượng mặt trời và sức gió thì chi phí có vài tỷ USD mà thôi.

Chính vì lẽ đó mà khi phát biểu tại Thượng viện Italia một ngày trước khi xuất hiện lần đầu tiên trên diễn đàn châu Âu, Thủ tướng Italia Enrico Letta đã cảnh báo, EU có nguy cơ bị sụp đổ nếu không hành động hơn nữa nhằm giải quyết các vấn đề của người dân trong bối cảnh khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế

Ngọc Khuê
.
.
.