“Con quái vật mang 21 gương mặt” ở Nhật Bản

Thứ Sáu, 25/01/2008, 18:19
"Con quái vật mang 21 gương mặt" là danh xưng của thủ phạm trong vụ án bắt cóc, tống tiền bằng cách dọa đầu độc sản phẩm của nhiều công ty thực phẩm tiếng tăm ở Nhật từ tháng 3/1984 đến tháng 7/1985. Vụ án không chỉ gây xôn xao dư luận mà còn khiến công việc sản xuất kinh doanh của nhiều công ty thực phẩm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vào 9h ngày 18/3/1984, một kẻ lạ mặt mang mạng che mặt, tay cầm súng, đột nhập vào nhà của Katsuhisa Ezaki, Chủ tịch Công ty Ezaki Glico, một trong những công ty sản xuất thực phẩm hàng đầu ở Nhật, tại thành phố Takatsuki thuộc tỉnh Osaka, rồi bắt cóc ông và  đẩy lên xe hơi đưa đi.

Đến trưa, kẻ bắt cóc xưng danh là "Con quái vật mang 21 gương mặt" yêu cầu Công ty Glico phải chi 1 tỉ yen cùng 100kg vàng thỏi để đổi lấy mạng sống của Ezaki. Trong vòng 5 ngày nếu điều kiện không được đáp ứng, con tin sẽ bị giết chết.

Trong khi Cảnh sát tỉnh Osaka đang khẩn trương điều tra và vụ bắt cóc tống tiền thu hút sự quan tâm của dư luận thì bất ngờ vào chiều ngày 21/3/1984, Ezaki trốn thoát khỏi nơi giam giữ là một nhà kho ở thị trấn Ibaraki cách thành phố Takatsuki 25km.

Tức tối vì để con tin trị giá 1 tỉ yen và 100kg vàng thỏi thoát được, "Con quái vật mang 21 gương mặt" ra tay trả thù bằng việc phóng hỏa đốt nhiều xe hơi ngay trụ sở Công ty Glico vào ngày 10/4/1984. Đến ngày 14/4/1984, hai nhà kho chứa sản phẩm của Công ty Glico tiếp tục bị đốt cháy.

Vụ việc chưa dừng lại ở đây, vào ngày 10/5/1984, Công ty Glico và  một số tờ báo xuất bản tại tỉnh Osaka nhận được nhiều bức thư viết bằng thổ ngữ Hiragana mà cộng đồng dân cư Osaka thường sử dụng, xưng tên "Con quái vật mang 21 gương mặt", cho biết một số sản phẩm, gồm nước ngọt, bánh, kẹo do Công ty Glico sản xuất đang được bày bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị khắp tỉnh Osaka đã bị pha trộn chất độc potassium cyanid.

Nhằm đề phòng người tiêu dùng bị nhiễm độc, Công ty Glico quyết định thu hồi 2,8 triệu sản phẩm. Sau khi kiểm tra chỉ phát hiện 42 sản phẩm có chất độc potassium cyanid. Vụ thu hồi này đã khiến Công ty Glico thiệt hại 21 triệu USD và phải cho nghỉ việc bắt buộc 450 công nhân.

Để điều tra làm rõ chân tướng và bắt giữ tên tội phạm xưng danh "Con quái vật mang 21 gương mặt", Chính phủ Nhật ra lệnh cho Bộ Nội vụ phải tích cực điều tra và phá án trong thời gian ngắn nhất, nhằm trấn an dư luận. Một đơn vị đặc biệt gồm 30 thanh tra cảnh sát giỏi đã được Bộ Nội vụ gửi đến tỉnh Osaka để phối hợp với cảnh sát địa phương điều tra phá án. Quả thật, việc tích cực điều tra của cảnh sát đã khiến "Con quái vật mang 21 gương mặt" phải chùn bước. Đến ngày 26/6/1984, hắn gửi cho Công ty Glico một thông điệp, cho biết sẽ chấm dứt việc quấy rối và làm hại công ty.

Thế nhưng, chỉ yên ắng một thời gian thì dư luận Nhật trở lại xôn xao khi đến lượt Công ty Thực phẩm Morinaga nhận được một bức thư tống tiền bằng cách dọa sẽ cho chất độc vào hai loại sản phẩm nổi tiếng của Công ty Morinaga là bánh Choco Balls và Angel Pie. Tác giả bức thư tống tiền không ai khác hơn là "Con quái vật mang 21 gương mặt". Hắn ta yêu sách Công ty Morinaga phải đưa 100 triệu yen để đổi lại sự an toàn của hai sản phẩm chủ lực trên.

Theo khuyến cáo của cảnh sát, Công ty Morinaga kiên quyết từ chối yêu sách của tên tống tiền. Và thế là hắn ta liền ra tay. Từ ngày 21/11/1984 cho đến cuối tháng 12/1984, có đến 38 sản phẩm của Công ty Morinaga, chủ yếu là hai loại bánh Choco Balls và Angel Pie, đã bị tẩm độc chất potassium cyanid rồi bày bán tại nhiều cửa hàng ở thủ đô Tokyo. Vụ đầu độc này đã khiến Công ty Morinaga phải thu hồi toàn bộ bánh Choco Balls và Angel Pie bán trên toàn lãnh thổ Nhật để kiểm tra.

Sau Công ty Morinaga đến lượt 2 công ty thực phẩm khác là Marudai Ham và House Food Corporation cũng nhận được thư đe dọa sẽ "đầu độc" sản phẩm nếu không đưa tiền chuộc cho "Con quái vật mang 21 gương mặt".

Vào ngày 25/6/1985, cảnh sát đã huy động toàn bộ lực lượng để vây bắt tên tội phạm khi hắn đến địa điểm nhận số tiền 50 triệu yen của Công ty Marudai tại một nhà ga tàu hỏa ở thành phố Kyoto. Nhưng do sơ ý, nhân viên cảnh sát vào vai người của Công ty Marudai mang tiền chuộc đến địa điểm giao nhận đã khiến tên tội phạm chú ý và hủy bỏ cuộc giao nhận. Tuy nhiên, nhân viên cảnh sát đã kịp thời nhận dạng một số nét cơ bản của tên tội phạm đủ để có thể phác thảo chân dung của hắn. Đó là một người đàn ông ngoài 30 tuổi, cao ráo, tóc cắt ngắn, mặt áo vest và đeo kính màu đen.

Từ phác thảo chân dung này, cảnh sát quyết giăng bẫy bắt bằng được "Con quái vật mang 21 gương mặt" khi hắn ta đến nhận số tiền chuộc 100 triệu yen mà hắn yêu sách với Công ty House Food Corporation. Vào ngày 11/7/1985, tại địa điểm giao nhận là trạm ngừng của tàu tốc hành Meishin Express gần thành phố Otsu, nằm giữa thủ đô Tokyo và thành phố Kyoto, cảnh sát đã bố trí dày đặc để bắt giữ tên tội phạm.

Tuy nhiên, tận dụng sự cố mất điện trong giây lát, tên tội phạm đã lấy được bao tiền rồi bỏ trốn trên một chiếc xe thùng. Vụ thất bại trong việc bắt giữ "Con quái vật mang 21 gương mặt" lần này đã khiến cảnh sát bị chỉ trích dữ dội và thanh tra Fujida Yamamoto, chỉ huy cảnh sát tỉnh Kyoto phải tự tử. Sau cái chết đau lòng của thanh tra Yamamoto, "Con quái vật mang 21 gương mặt" bỗng biến mất nhưng Cảnh sát Nhật truy đuổi để bắt giữ cho bằng được.

Vào tháng 6/1990, từ phác thảo chân dung của tên tội phạm, Cảnh sát thủ đô Tokyo đã bắt giữ Manubu Miyazaki, nghi vấn chính là "Con quái vật mang 21 gương mặt". Các cuộc điều tra về nhân thân Manubu cho biết, hắn ta từng có tiền án về tội đe dọa tống tiền một số nhà hàng ở thủ đô Tokyo vào năm 1981.

Được trả tự do sau 2 năm lãnh án, Manabu biến mất cho đến khi xảy ra vụ bắt cóc tống tiền các công ty thực phẩm vào hai năm 1984-1985. Tuy nhiên, do không có đủ chứng cứ để buộc tội nên Manabu không bị truy tố. Cho đến nay vụ án về tên tội phạm "Con quái vật mang 21 gương mặt" vẫn còn là một ẩn số đối với các ngành bảo vệ pháp luật ở Nhật

V.H. (theo Crime Magazine) - ANTG số 726
.
.
.