Điều tra vụ tấn công khủng bố ở Pháp, Tunisia và Kuwait:

Có bàn tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng

Chủ Nhật, 28/06/2015, 09:32
Ít nhất 60 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố riêng rẽ tại 3 châu lục từ Kuwait tới Tunisia và Pháp hôm 26/6. Đó là chưa kể đến vụ sát hại 20 binh sĩ chính phủ ở thành phố Hasakeh, phía Đông Bắc Syria do các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện. An ninh được thắt chặt ở khắp mọi nơi và nỗi lo khủng bố một lần nữa lại ám ảnh cả thế giới.

Lời thú tội của IS

Trong khi cả thế giới còn đang bàng hoàng trước thông tin về những vụ tấn công khủng bố liên tiếp trong cùng một ngày thì IS lại gây sốc bằng lời thú tội rằng chính chúng là thủ phạm. Xuất hiện trên một đoạn video được đăng tải trên Internet, phát ngôn viên của IS Abu Mohammed al-Adnani còn đe dọa rằng đây chỉ là bước khởi đầu cho một “cuộc chiến mới rộng khắp trên toàn thế giới”. 

Abu Mohammed al-Adnani còn kêu gọi những kẻ Hồi giáo cực đoan “đánh dấu tháng Hồi giáo Ramadan bằng việc tiến hành thánh chiến” và rao giảng rằng chúng sẽ được “lên thiên đàng nhờ hành động dũng cảm của mình”…  Như vậy, từ tuyên bố của Abu Mohmamed al-Adnani, cuộc tấn công khủng bố tại Kuwait và Tunisia có mối quan hệ lẫn nhau. Riêng đối với vụ việc ở Pháp, hiện chưa có bằng chứng về mối liên hệ này. Nhưng kết quả điều tra mới nhất của cảnh sát cho thấy, có lá cờ của IS và một thi thể không đầu trong nhà máy sản xuất gas thuộc Tập đoàn Air Products của Mỹ, nơi xảy ra vụ tấn công.

Ngay sau khi xảy ra vụ khủng bố, một nghi phạm đã bị cảnh sát Pháp bắt giữ. Tên này không mang giấy tờ tùy thân nhưng cảnh sát đã xác định được danh tính của hắn là Yacine Salhi, 35 tuổi, sống ở Lyon, thành phố lớn thứ hai nước Pháp. Tên này từng bị điều tra cách đây 9 năm vì liên quan đến vấn đề cực đoan và được cho là có liên kết với phong trào Hồi giáo Salafist. Tuy nhiên, cảnh sát chưa xác định được liệu Yacine Salhi có tham gia vào các hoạt động mang tính chất khủng bố hay không và liệu giờ hắn có gia nhập IS hay không. Cảnh sát cũng đã bắt giữ vợ của Yacine Salhi và một người lái xe lảng vảng quanh khu vực xảy ra vụ tấn công.

Vụ tấn công ở Pháp xảy ra chỉ 6 tháng sau vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo. Ảnh: Dailycontext.

Còn tại Kuwait, một số nghi can đã bị bắt giữ để thẩm vấn sau vụ đánh bom liều chết kinh hoàng làm 27 người thiệt mạng và 227 người bị thương tại một đền thờ của người Hồi giáo dòng Shiite ở thủ đô Kuwaiti. Chính phủ Kuwait cũng quyết định lấy ngày 27/6 để tang các nạn nhân xấu số và thực hiện lễ chôn cất nạn nhân vào ngày 1/7. Trong khi đó, cuộc điều tra ở Tunisia chưa có tiến triển gì vì kẻ được cho là thủ phạm vụ tấn công khách sạn ở khu nghỉ mát Sousse nằm ngay trước biển đã bị tiêu diệt khi đụng độ với cảnh sát.

Và nỗi lo khủng bố toàn cầu

Cộng đồng quốc tế đã kịch liệt phản đối các vụ tấn công khủng bố này. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon cho rằng, những kẻ gây ra các vụ tấn công này sẽ phải đối mặt với công lý. Nhà Trắng cũng lên án “những vụ tấn công tàn bạo” này, đồng thời bày tỏ sự đoàn kết với những nước này và những nỗ lực để “đấu tranh chống hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố”.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi thì khẳng định "các nhóm khủng bố là mối đe dọa chung, các nước trong khu vực và thế giới cần nghiêm túc phối hợp ngăn chặn” trong khi Iran nêu rõ các vụ tấn công khủng bố đang đe dọa ổn định, an ninh của toàn khu vực. Song song với việc lên án và kêu gọi đoàn kết chống khủng bố, các quốc gia cũng thực hiện những biện pháp riêng rẽ nhằm tăng cường an ninh.

Chẳng hạn tại Pháp, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nâng mức cảnh báo an ninh lên cấp độ “tấn công” – mức cao nhất có thể tại khu vực Rhone-Alpes trong 3 ngày. Còn ở Italia, quốc gia láng giềng với Pháp, an ninh đã được thắt chặt ở thủ đô Rome khi các lực lượng quân đội và cảnh sát Italy tăng cường bảo vệ sứ quán các nước đồng minh và tòa thánh Vatican, cũng như các thành phố lớn khác như Milan hay Turin. Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano khẳng định rằng, các lực lượng chống khủng bố Italy đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao.

Nội các Kuwait thì tổ chức họp khẩn và đề nghị đặt tất cả các cơ quan an ninh cùng lực lượng cảnh sát vào tình trạng báo động cao để sẵn sàng đương đầu với nạn "khủng bố đen" đồng thời nêu rõ sẽ “đối đầu tổng lực với chủ nghĩa khủng bố”. Các đền thờ của người Shiites ở nước này cũng đã được tăng cường bảo vệ. Chính phủ còn lập ngay các ủy ban dân sự để kiểm tra những người vào đền và có quyền từ chối những kẻ khả nghi. 

Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi thì kêu gọi thế giới hợp lực đối phó với các phần tử thánh chiến. Theo đó, ông Beji Caid Essebsi cho rằng cần có một chiến lược toàn cầu thống nhất. Hiện tại, Thủ tướng Tunisia Habib Essid đã ra lệnh đóng cửa 80 nhà thờ Hồi giáo để không cho những kẻ ủng hộ IS truyền bá, kích động tư tưởng bạo lực cực đoan.

Phan Hiển
.
.
.