Chương mới trong quan hệ Israel – UAE
- Israel: Trợ cấp cho người thu nhập thấp vì COVID-19
- Lebanon tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Beirut, Israel bác nghi án đứng sau vụ nổ
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng, đây là “một kỷ nguyên mới mở ra giữa Israel và thế giới Arab”, đồng thời miêu tả cả Israel và UAE, những quốc gia ngày càng phát triển trên thế giới, sẽ “biến sa mạc khô cằn thành vùng đất nở hoa”.
Bước tiến quan trọng hướng tới hòa bình ở khu vực Trung Đông
Thỏa thuận Abraham là thỏa thuận thứ 3 giữa Israel với một quốc gia trong thế giới Arab và là thỏa thuận đầu tiên giữa Israel và quốc gia vùng Vịnh UAE. Theo thỏa thuận hòa bình Israel - UAE, Israel nhất trí tạm dừng các kế hoạch sáp nhập khu định cư Bờ Tây dự kiến diễn ra vào mùa hè này, mặc dù Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết, ông vẫn cam kết sẽ tiến hành việc sáp nhập này trong tương lai.
Tuyên bố chung giữa Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Thái tử của Abu Dhabi và là Phó Tư lệnh Tối cao của các lực lượng vũ trang UAE Mohammed Bin Zayed nhấn mạnh, đột phá ngoại giao lịch sử này sẽ thúc đẩy hòa bình ở khu vực Trung Đông và là minh chứng cho chính sách ngoại giao và tầm nhìn của 3 nhà lãnh đạo, cũng như quyết tâm của UAE và Israel tìm kiếm một con đường mới nhằm mở ra tiềm năng to lớn của khu vực.
Israel tạm dừng tuyên bố chủ quyền ở các khu định cư Bờ Tây. Ảnh: AP |
Israel và UAE cũng cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp lâu dài, toàn diện và công bằng cho xung đột Israel-Palestin. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres bày tỏ hy vọng thỏa thuận này sẽ tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo Israel và Palestine quay trở lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa, trong đó hướng tới việc thực thi giải pháp hai nhà nước theo đúng nghị quyết liên quan của LHQ, luật quốc tế và các thỏa thuận song phương.
Tổng Thư ký Antonio Guterres cũng cảnh báo động thái sáp nhập sẽ đóng lại cánh cửa đàm phán giữa Israel và Palestine, hủy hoại triển vọng về thành lập nhà nước Palestine thông qua giải pháp hai nhà nước.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump hoan nghênh thỏa thuận hòa bình giữa Israel và UAE và cho biết: “Thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng hướng tới xây dựng một khu vực Trung Đông hòa bình, an toàn và thịnh vượng hơn. Trong bối cảnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã tan vỡ, tôi hy vọng sẽ có nhiều nước Arab và Hồi giáo sẽ tiếp bước UAE”.
Chia sẻ quan điểm này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng hướng tới hòa bình ở Trung Đông. Theo ông, đây là một thành tựu đáng kể đối với hai quốc gia có nền công nghệ tiên tiến nhất và thể hiện tầm nhìn chung về một khu vực tích hợp kinh tế. Thỏa thuận này cũng thể hiện cam kết của hai nước, dù nhỏ nhưng mạnh, trong việc đối đầu với những mối đe dọa chung.
Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh, Mỹ hy vọng đây sẽ là bước đầu tiên trong một loạt thỏa thuận nhằm chấm dứt 72 năm thù địch ở khu vực và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn bộ khu vực. Về phần mình, ứng viên đảng Dân chủ tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian, cho rằng đây là bước đi lịch sử giúp hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.
Trong khi đó, từ Nga, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Vladimir Dzhabarov cho biết, Moscow hoan nghênh quyết định của Israel khi từ bỏ kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine, cho rằng điều này chắc chắn sẽ giúp bình thường hóa tình hình tại khu vực.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã đánh giá cao thỏa thuận giữa Israel và UAE trong lộ trình hướng tới một khu vực Trung Đông hòa bình hơn, bày tỏ hy vọng kế hoạch sáp nhập sẽ không được xúc tiến tại Bờ Tây. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi cũng bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE, đồng thời tin tưởng thỏa thuận này sẽ đem lại hòa bình cho Trung Đông.
Cùng chung quan điểm trên, Bahrain nhận định thỏa thuận này sẽ giúp củng cố an ninh, ổn định và hòa bình thế giới. Trong tuyên bố, Chính phủ Bahrain hy vọng các bên sẽ tăng cường nỗ lực để đạt được giải pháp công bằng, toàn diện và lâu dài cho xung đột Israel-Palestine. Bahrain cũng hoan nghênh quyết định của Israel về tạm ngừng sáp nhập các vùng lãnh thổ của Palestine là bước đi hướng tới hòa bình tại Trung Đông.
Nhưng không phải ai cũng vui
Mặc dù Thỏa thuận Abraham được khen ngợi là một thỏa thuận “lịch sử”, “đột phá” hay thỏa thuận “hòa bình vì hòa bình” nhưng trên thực tế, đây không phải là một thỏa thuận khiến các bên “cùng vui”. Trong phản ứng đầu tiên, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã bác bỏ thỏa thuận nói trên giữa Israel và UAE. Cố vấn cấp cao của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudeineh cho biết, giới chức Palestine lên án thỏa thuận này, coi đây là một “sự phản bội đối với Jerusalem, Al-Aqsa và sự nghiệp của Palestine”.
Chính quyền Palestine (PA) ngay lập tức đã triệu hồi Đại sứ Palestine tại UAE để phản đối thỏa thuận nói trên. Trong khi đó, Ahmad Majdalani, một thành viên thuộc Ủy ban Điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine nhận định: “Đây là một ngày đen tối trong lịch sử của Palestine. Thỏa thuận này là sự dịch chuyển của thế giới Arab. Người dân Palestine không cho bất kỳ ai quyền được đưa ra nhượng bộ với Israel để đổi chác vì bất kỳ điều gì”.
Còn theo chuyên gia Aaron David Miller, người từng là nhà đàm phán hòa bình Trung Đông hiện làm việc tại Quỹ Carnegie vì hòa bình, đây là một thỏa thuận “thắng-thắng-thắng-thua” khi nó đem đến chiến thắng về ngoại giao cho UAE, ông Benjamin Netanyahu và Tổng thống Donald Trump và bên thua cuộc là Palestine.
Nhà báo Daoud Kuttab của Palestine thì đánh giá thỏa thuận hòa bình trên thực sự đã bị tất cả các bên làm quá lên: “UAE đã sẵn sàng để bình thường hóa quan hệ và việc sáp nhập bị trì hoãn. Không có ai là người chiến thắng bất kể đôi khi chúng ta sẽ nghe nói về việc này. UAE đã phá vỡ kế hoạch hòa bình Arab mà không đạt được bất kỳ giá trị nào”.
Trong khi đó, tại Israel, động thái trên diễn ra trong thời điểm nhạy cảm với Thủ tướng Benjami Netanyahu - người đang dẫn dắt một chính phủ liên minh chia rẽ và đối mặt với các cáo buộc tham nhũng. Thỏa thuận này đã ngay lập tức vấp phải sự phản ứng dữ dội trong khu vực từ các bên có hệ tư tưởng đối lập.
Một số người định cư của Israel và các đồng minh chính trị của họ đã thể hiện sự thất vọng khi ông Benjamin Netanyahu từ bỏ kế hoạch sáp nhập khu bờ Tây. Lời hứa sáp nhập, vốn giúp Thủ tướng Israel chiến thắng 3 cuộc bầu cử gần đây, nay lại đang khiến ông rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”, khi cố vấn cấp cao Nhà Trắng Kushner phản đối các động thái của ông khi chưa hợp tác với kế hoạch hòa bình chính thức của Tổng thống Mỹ.
Để trấn an dư luận trong nước, ông Netanyahu đã phát biểu trong cuộc họp báo hôm 13-8 rằng, sẽ không có sự thay đổi nào trong các kế hoạch của ông, mà chỉ là do phía chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu “tạm dừng việc sáp nhập”. Nhà lãnh đạo Israel cũng khẳng định, ông vẫn cam kết thúc đẩy kế hoạch sáp nhập nhưng phải được thực hiện dựa trên “sự hợp tác đầy đủ với Mỹ”.
Còn theo nhận định của các nhà phân tích Peter Baker, Isabel Kershner, David D. Kirkpatrick và Ronen Bergman, việc Israel và UAE bình thường hóa quan hệ cho thấy sự dịch chuyển về địa chính trị trong khu vực khi các nước Arab dòng Sunni ngày càng coi Iran là kẻ thù lớn hơn Israel, cũng như ít sẵn sàng hơn với việc tiến tới một nghị quyết nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine.
Nếu xét trên bề mặt, thỏa thuận hòa bình Israel – UAE dường như góp phần vào sự hòa bình và ổn định của khu vực khi tạm dừng động thái sáp nhập khu Bờ Tây của Tel Aviv. Tuy nhiên, đằng sau đó, thỏa thuận này lại phản ánh những toan tính chính trị riêng của các bên, cũng như sự thay đổi về nhận thức và sự dịch chuyển về địa – chính trị của khu vực.
Dù vậy, giống như Thủ tướng Israel so sánh, thỏa thuận này giống như hoa nở trên sa mạc khô cằn, việc những bông hoa này tiếp tục phát triển hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí và sự “chăm sóc” của những bên “ươm mầm”.