Sau vụ xả súng tại tòa nhà Quốc hội Canada:

Cảnh báo về tình trạng người phương Tây gia nhập IS

Thứ Sáu, 24/10/2014, 09:50
Không chỉ kịch liệt lên án hành động xả súng nhằm vào tòa nhà Quốc hội Canada ở thủ đô Ottawa hôm 22/10, các nhà lãnh đạo thế giới và nhiều quốc gia đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng người phương Tây gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Khi các tư tưởng Hồi giáo cực đoan len lỏi trong xã hội phương Tây, cuộc sống của con người sẽ trở nên mong manh và luôn bị đe dọa.

Từ những dấu hiệu cải đạo

An ninh đang được siết chặt ở thủ đô Ottawa từ ngày 22/10 và người dân sống xung quanh khu vực tòa nhà Quốc hội đã được sơ tán khẩn cấp. Nguyên do bắt đầu từ việc một người có vũ trang đã xả súng nhằm vào tòa nhà Quốc hội Canada – nơi Thủ tướng Stephen Harper đang có bài phát biểu trước các nghị sĩ. Mặc dù thủ phạm sau đó đã bị bắn hạ nhưng vụ việc đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tấn công khủng bố trong lòng các quốc gia phương Tây. Đến chiều 23/10, cảnh sát Canada đã xác định được danh tính thủ phạm là Michael Zehaf-Bibeau, công dân Canada, sinh ra và lớn lên ở Laval, phía Bắc Montreal.

Zehaf-Bibeau từng có tiền án về tội tàng trữ ma túy, trộm cắp tài sản. Tên của hắn cũng có trong danh sách những đối tượng nguy hiểm cần được theo dõi. Hãng AP dẫn lời một quan chức cấp cao trong lực lượng cảnh sát Canada cho hay, thời gian qua, sau khi bị tịch thu hộ chiếu và cấm xuất cảnh, tên này đã cải sang đạo Hồi và cũng có nhiều hành động quá khích.

Hắn còn bị phát hiện có quan hệ thân thiết với một kẻ theo đạo Hồi tên là Couture-Rouleau. Tên này cách đây 2 ngày cũng đã cố tình đâm xe vào 2 binh sĩ Canada ở thành phố Montreal và bị cảnh sát bắn hạ.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã gọi vụ tấn công này là hành động khủng bố và khẳng định rằng Canada không bao giờ “run sợ trước những cuộc tấn công tàn ác”. Ông Stephen Harper còn cam đoan rằng, chính quyền Ottawa sẽ làm tất cả để xác định và tiêu diệt những mối đe dọa an ninh đối với nước này. Lãnh đạo nhiều quốc gia cũng đã gửi điện chia buồn tới người dân Canada và lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Đồng thời, nhiều nước đã thực hiện ngay các biện pháp an ninh tại một số khu vực trọng yếu để tránh lặp lại thảm kịch như ở Canada.

Chẳng hạn như Mỹ, quốc gia cùng tham gia Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) với Canada với nhiệm vụ chính là đưa ra cảnh báo về hàng không, đã yêu cầu gia tăng các biện pháp phù hợp và thận trọng đề phòng trước những vụ việc xảy ra trong không phận của Canada.

Canada đã triển khai lực lượng đặc nhiệm trang bị vũ khí hạng nặng để bảo vệ an ninh khu vực tòa nhà Quốc hội và các địa điểm trọng yếu khác. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố nước này sẽ cử lực lượng hỗ trợ Canada trong công tác điều tra vụ xả súng. Còn Australia thì xem xét lại các biện pháp an ninh tại tòa nhà Quốc hội và triệu tập một phiên họp nội các khẩn cấp để xem xét các nguy cơ mà nước này đang phải đối mặt…

Đến báo cáo tình báo quốc tế

Theo các nhà phân tích, một quốc gia vốn được coi là “nơi yên bình bậc nhất như Canada” mà cũng bị “cuốn vào vòng xoáy của khủng bố” thì điều đó có nghĩa rằng IS đang vươn vòi bạch tuộc trên khắp thế giới. Từ tuần trước, sau khi nhận được những cảnh báo từ lực lượng tình báo quốc tế, Canada đã nâng mức độ cảnh báo đe dọa khủng bố từ thấp lên mức trung bình.

Khi đó, Trung tâm đánh giá khủng bố tích hợp (ITAC) đã dự báo rằng có thể sẽ xảy ra các hành vi khủng bố bạo lực ở Canada bởi đến nay, khoảng 130 người Canada đang sống ở nước ngoài công khai ủng hộ các lực lượng khủng bố, trong đó có IS. ITAC còn đưa ra dẫn chứng về việc ít nhất 80 người Canada trở về quê hương sau khi đến các khu vực xung đột ở Trung Đông là một mối đe dọa không nhỏ.

Song, không ai có thể ngờ rằng, vụ việc xả súng lại xảy ra. Cái mà các nhà điều tra Canada hiện đang lo ngại nhất chính là việc không rõ Zehaf-Bibaeu có phải là kẻ tấn công duy nhất khiến 1 binh sĩ Canada thiệt mạng và hai người khác bị thương hay không. Hơn nữa, vụ việc này có liên quan đến vụ tấn công binh sĩ Canada của Martin Couture-Rouleau hay không?...

Trong khi chờ đợi câu trả lời, Canada đã điều lực lượng cảnh sát đặc nhiệm với trang thiết bị vũ khí hạng nặng tới bảo vệ các cơ quan, trụ sở ban, ngành quan trọng. Thêm vào đó, chính quyền Ottawa cũng phối hợp với các cơ quan tình báo nước ngoài, xác định những kẻ tình nghi mới làm việc cho IS.

Cùng với nỗ lực của Canada, các quốc gia khác trên thế giới cũng đã có những hành động thực tế để cùng truy tìm mối lo ngại từ IS. Tại Australia, Thủ tướng đã triệu tập phiên họp khẩn cấp đối với các thành viên nội các để xem xét vụ xả súng ở Canada cũng như lời đe dọa quê hương của thiếu niên Australia Abdullah Elmir trong đoạn băng mà IS tung lên mạng Internet hôm 22/10.

Theo đó, thiếu niên này đã cảnh báo chính quyền Anh, Mỹ, Australia rằng IS sẽ tiếp tục cuộc chiến với phương Tây cho đến khi giành được thắng lợi. Abdullah Elmir đã biến mất khỏi Bankstown, Australia hồi cuối tháng 6 sau khi nói dối gia đình là đi câu cá.

Vài tháng sau, người ta phát hiện cậu bé này cùng với người bạn 16 tuổi đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, rồi vượt biên sang Syria, tham gia chiến đấu cho IS. Cha cậu bé trong cuộc trả lời báo giới hồi tháng 9 cho rằng, cậu bé có thể đã bị tẩy não. Và đây cũng chính là những gì mà Mỹ, Anh cùng các quốc gia phương Tây khác đang lo ngại. Vào thời điểm hiện tại, Mỹ cũng đang đau đầu với thông tin hơn 300 công dân nước này đang chiến đấu cho IS ở Syria             

Sông Thương
.
.
.