Cảnh báo khủng hoảng nhân đạo về người nhập cư ở châu Á
Những con số đáng sợ
Thống kê của tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cho hay, trong những ngày qua, có thêm nhiều người nhập cư bỏ mạng trên vùng biển Đông Nam Á và 6.000 người khác được cho là đang mắc kẹt ngoài khơi (có thể là trên vùng Vịnh Bengal) trong điều kiện hết sức khó khăn. Điều đáng lo ngại chính là việc các tàu chở người nhập cư trái phép của bọn buôn người tìm mọi cách lẩn trốn mọi sự trợ giúp hoặc tìm kiếm của các cơ quan chức năng.
Gần đây nhất là vào hôm 12/5, lực lượng hải quân phối hợp với lực lượng bảo vệ bờ biển Bangladesh mới phát hiện được một tàu đánh cá bị bỏ lại gần đảo St Martin ở cực Nam của nước này với hơn 100 người nhập cư trái phép. Những người này cho biết đã lênh đênh trên biển hơn 2 tháng với mục đích là đến được Malaysia để có cuộc sống mới. Sau khi phát hiện bị lực lượng bảo vệ bờ biển truy đuổi, thủy thủ đoàn trên tàu là nhóm người Myanmar đã bỏ rơi họ giữa biển để trốn chạy.
Trước đó một ngày, cảnh sát Malaysia cũng bắt giữ hơn 1.000 người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào đảo Langkawi. Những người này đến từ Bangladesh, Myanmar, trong đó có hơn 100 phụ nữ và 50 trẻ em. Riêng trong ngày 15/5, 700 người di cư khác đến từ Bangladesh và Myanmar cũng đã được ngư dân Indonesia cứu sống khi chiếc tàu chở họ bị chìm ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Aceh. Thái Lan thì thông báo phát hiện một tàu chở 400 người di cư trái phép…
![]() |
Những người nhập cư trái phép bị bắt ở Kuah, Langkawi, Kedah, Malaysia. Ảnh: EPA. |
Đại diện của IOM cho hay, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, hơn 25.000 người Bangladesh và người Hofoig iaso Rohingya ở Myanmar đã tìm cách vượt biển trên những chiếc tàu của bọn buôn người. Con số này nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và tính đến nay đã có ít nhất 300 người thiệt mạng, 40% trong số những người được tìm thấy hoặc được cứu ở trong tình trạng thiếu ăn, thậm chí gần như chết đói. Đó là chưa kể đến số người nhập cư bất hợp pháp khác bị thiệt mạng khi ở trên đất liền.
Trưởng phái bộ IOM ở châu Á – Thái Bình Dương Jeff Labovitz cho biết: “Càng ở lâu trên biển, người di cư càng bị đe dọa đến tính mạng vì không có lương thực, không có nước sạch và họ có thể bị ốm. Chúng tôi rất lo ngại cho họ, vì thế chúng tôi cho rằng cần phải khẩn trương cứu sống họ”.
Lo ngại trước vấn đề này, hôm 14-5, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nhấn mạnh, việc giải cứu người trên biển là nghĩa vụ quốc tế. Đồng thời, ông Ban Ki-moon cũng thúc giục các quốc gia Đông Nam Á xem xét việc hợp tác giải cứu hàng trăm người nhập cư trái phép bị những kẻ buôn người bỏ rơi trên những con thuyền trôi dạt trên biển.
Cảnh giác trước thủ đoạn buôn người
Các kết quả điều tra ban đầu của Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều cho thấy, những người nhập cư trái phép từ Myanmar hay Bangladesh đã được các tổ chức buôn người mời chào theo hình thức tuyển dụng làm việc ở các quốc gia này với mức lương hấp dẫn. Sau khi chấp thuận, họ được đưa lên những con thuyền không đảm bảo an toàn và cứ lênh đênh trên biển hàng tuần trời nếu như phát hiện sự kiểm soát gắt gao của các lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển. Số khác, nếu đã may mắn an toàn lên đến bờ thì lại bị những kẻ buôn người giam giữ trong những lán trại dơ bẩn trong rừng rậm và bị mua đi bán lại tới những nơi khác…
Hôm 12/5, chính phủ Malaysia đã nhóm họp khẩn cấp về việc này. Còn Thái Lan thì thừa nhận các cơ quan chức năng nước này chưa giải quyết tốt vấn đề người nhập cư, người tị nạn và nạn buôn người. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha còn kêu gọi các tổ chức quốc tế tham gia và giúp đỡ đàm phán với các nước khởi nguồn làn sóng nhập cư trái phép.
Ngày 29/5 tới, Thái Lan sẽ tổ chức Hội nghị đặc biệt về di cư trái phép tại Ấn Độ Dương với sự tham gia của các quan chức cấp cao đại diện 15 nước trong khu vực như Australia, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar, Bangladesh, Mỹ… để bàn cách giải quyết triệt để vấn đề người tị nạn.