Cảnh báo hậu quả khi Ukraine gia nhập NATO

Thứ Năm, 30/07/2015, 08:15
Vai trò của NATO trong cuộc khủng hoảng Ukraine không mang tính xây dựng, không hỗ trợ cho giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình, thậm chí tạo ảo ảnh “có thể làm tất cả,” và đây chính là điều rất nguy hiểm.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình LifeNews của Nga tối 28/7 (giờ Nga), đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Aleksander Glushkov cảnh báo, việc mở rộng của khối này thông qua kế hoạch kết nạp thêm Ukraine và Gruzia sẽ gây hậu quả địa chính trị nghiêm trọng cho toàn châu Âu. Đồng thời, việc này cũng sẽ chia rẽ cả chính xã hội Ukraine, tạo ra những căng thẳng vô cùng to lớn trong quan hệ quốc tế. 

Đại diện thường trực của Nga tại NATO tuyên bố: “Bất kỳ trò chơi chính trị nào liên quan đến kế hoạch bành trướng của NATO sang Gruzia và Ukraine đều chứa đầy những hậu quả chính trị thảm khốc nhất, có ảnh hưởng sâu rộng nhất cho tất cả châu Âu”. 

Bày tỏ hi vọng phương Tây sẽ hiểu rõ mối nguy hiểm của “trò chơi” này, Đại sứ Grushko nói: “Tôi hi vọng rằng, người dân tại Brussels và những Thủ đô khác sẽ hoàn toàn hiểu sự nguy hiểm của trò chơi này, sự nguy hiểm của những quân bài mà một số lực lượng đang cố gắng chơi. Điều này sẽ dẫn tới hậu quả thảm khốc”. 

Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Laboon thuộc Hạm đội 6 của Mỹ tại Biển Đen. Ảnh: Sputnik.

Ông Glushko cũng chỉ trích NATO đã dựng nên “Bức màn thép” tại châu Âu với việc triển khai quân và tiến hành tập trận tại biên giới phía Đông, động thái mà theo ông là nhằm chống lại Moskva.

Trong một năm qua kể từ khi cáo buộc Nga đứng sau lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine, NATO đã nhất trí tăng mạnh tiềm lực quân sự, thiết lập thêm 6 trung tâm chỉ huy tại miền Đông châu Âu và thành lập đơn vị đặc biệt gồm 5.000 binh sỹ thuộc lực lượng phản ứng nhanh (NRF). NATO cũng tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên ở khu vực. Phản ứng trước việc này, mới đây, Nga công bố học thuyết Hải quân mới nhằm ngăn chặn điều mà Nga gọi là những mưu đồ không thể chấp nhận được của NATO khi di chuyển hạ tầng quân sự về phía biên giới Nga. 

Cũng tại buổi trả lời phỏng vấn, ông Grushkov chỉ ra rằng, vai trò của NATO trong cuộc khủng hoảng Ukraine không mang tính xây dựng, không hỗ trợ cho giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình, thậm chí tạo ảo ảnh “có thể làm tất cả,” và đây chính là điều rất nguy hiểm. 

Ông nêu rõ, NATO đã “được tạo ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh để thực hiện một số mục đích cụ thể, mà đầu tiên là kìm hãm Liên Xô. Và họ cảm thấy rất khó chịu khi không có một đối thủ”. 

Theo nhận định của Đại sứ Grushkov, vào thời điểm này, NATO đang sử dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine để “trở về với cội nguồn”, và để chứng minh với cộng đồng châu Âu rằng sự tồn tại của họ vẫn là cần thiết.

Theo giới phân tích, mối quan hệ gần gũi của Ukraine với NATO là điều đặc biệt đáng lo ngại đối với Nga, bởi liên minh quân sự này có thể tiến sát tới biên giới của Nga. Trước đó, Nga từng có nhiều nỗ lực để kiềm chế sự ảnh hưởng của NATO như gây áp lực ngoại giao và quân sự về vấn đề Gruzia vào năm 2008 khi Gruzia tuyên bố liên minh với NATO. Mối quan tâm của Nga về NATO trong vấn đề Ukraine đáng kể hơn nhiều. 

Trong tất cả các nước NATO, Mỹ sở hữu quân đội hùng mạnh nhất và các chính sách quyết đoán nhất thách thức Nga trong những vùng ngoại vi của Nga. Nghi ngờ của Nga đối với những ý đồ duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở ngoại vi của Nga làm cho các quyết định bắt đầu đàm phán song phương là một bước tiến đáng kể. 

Nhưng tổ chức các cuộc đàm phán như vậy cũng không nhất thiết chỉ ra rằng, một nghị quyết hòa bình hoặc thậm chí một sự giảm leo thang xung đột sắp xảy ra. Nhiều vấn đề còn chia rẽ hai bên, đặc biệt là việc chính quyền trung ương Ukraine đồng ý đến mức độ nào quy chế cho các vùng ly khai. 

Nhìn chung, Mỹ ủng hộ quan điểm của Chính phủ Ukraine, còn Nga ủng hộ những người ly khai. Tuy nhiên, trong chuyến thăm gần đây tới Ukraine và trước cuộc điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin về cuộc xung đột ở Ukrane, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland đã nhấn mạnh rằng, các cơ quan lập pháp của Ukraine cần thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp. 

Bà Nuland hối thúc Chính phủ Ukraine ban hành quy chế cho các khu vực phía Đông đất nước theo dạng một “quy chế đặc biệt”, song quy chế này cụ thể là gì đang là điều gây tranh cãi nhất. Các quan chức Ukraine đã không đưa thuật ngữ này vào dự thảo sửa đổi hiến pháp, nhưng áp lực của Mỹ về vấn đề nhạy cảm này có thể được xem như là một “cái gật đầu” với Nga.

Tại một diễn biến liên quan, trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình RTS TV của Thụy Sĩ hôm 27/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Các nước châu Âu cần phải tránh phụ thuộc vào Mỹ khi đối mặt với các vấn đề liên quan tới lợi ích thiết thân”, đồng thời nhấn mạnh: “Sẽ rất tốt nếu châu Âu có thể thể hiện được sự độc lập và tự chủ cũng như dám tự đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình”. 

Dẫn ví dụ việc Pháp rút khỏi NATO trong những năm 60 cũng là “để tự bảo vệ quyền tự chủ hoàn toàn của mình”, ông chủ Điện Kremlin khẳng định, quyền tự chủ của một quốc gia sẽ bị mất đi phần nào khi nước này tham gia vào “bất kỳ một tổ chức quân sự - chính trị nào”. 

Tổng thống Putin nêu rõ Nga không muốn đánh giá về chính sách ngoại giao của bất kỳ quốc gia châu Âu nào nhưng “việc Moskva phải bàn về những vấn đề liên quan đến châu Âu với các đối tác của châu Âu tại Washington là không dễ chịu chút nào”. 

Tổng thống Nga nhận định rằng, Mỹ từ lâu vẫn “theo đuổi chính sách đế quốc” và nhiều chuyên gia phân tích chính trị người Mỹ nhận định điều này “có thể làm tổn hại đến Mỹ”. Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định quan điểm của Nga đối với chính sách ngoại giao của Mỹ “không hề nhằm chống Mỹ” và khẳng định “người dân Nga rất tôn trọng và yêu quý nước Mỹ cũng như người dân Mỹ”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.