Biển Đen "dậy sóng" khiến quan hệ Nga - NATO leo thang

Thứ Bảy, 03/07/2021, 07:13
Vốn đã "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", nay quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại tiếp tục tăng nhiệt sau vụ đụng độ giữa Anh và Nga tại Biển Đen, cùng với đó là tuyên bố tiếp tục tăng cường hiện diện ở khu vực này của NATO. Hàng loạt cuộc tập trận quân sự rầm rộ của cả Nga và NATO cho thấy mức độ đối đầu mới, với nguy cơ xung đột gia tăng.


Hạm đội Biển Đen của Nga hôm 1/7 thông báo các tàu chiến nước này đã tiến hành cuộc huấn luyện bắn đạn thật ở Biển Đen. Cuộc huấn luyện diễn ra 2 ngày sau khi Nga thử nghiệm hệ thống phòng không ở Crimea. Cùng ngày, NATO cũng tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì hiện diện ở Biển Đen, bất chấp quan điểm của Nga.

Hiện Ukraine và các nước NATO đang tổ chức tập trận Sea Breeze tại Biển Đen, trong khi Không quân NATO cũng tiến hành cuộc tập trận mang tên Ramstein Alloy trên bầu trời các nước Baltic, gần biên giới Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltelberg trước đó khẳng định lập trường của NATO đối với Nga: "Mối quan hệ của NATO với Nga đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Điều này là do các hành động gây hấn của Nga. NATO khẳng định cách tiếp cận song phương đối với Nga: Phòng thủ mạnh mẽ kết hợp với đối thoại".

Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: DW

Trong khi đó, giới quân sự Nga cho biết đang ghi nhận hoạt động quân sự chưa từng có của NATO gần biên giới Nga, gây ra rủi ro lớn về an ninh và tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Điều đáng lo ngại là Nga cũng tỏ rõ lập trường cứng rắn trước bất cứ hành động nào được cho là chạm tới "lằn ranh đỏ" của Nga, trong đó có khu vực mà Nga tuyên bố là chủ quyền lãnh hải ở vùng biển Đông Nam bán đảo Crimea trên Biển Đen.

Trả lời trong chương trình "Đường dây Trực tiếp với Vladimir Putin", Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: "Các bạn nói rằng thế giới đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh. Tất nhiên là không thể xảy ra. Thậm chí trong sự cố liên quan đến tàu khu trục của Anh ở Biển Đen, nếu chúng tôi có đánh chìm tàu Anh cũng không thể xảy ra nguy cơ một cuộc chiến như vậy. Bởi vì họ biết rằng không thể thắng trong một cuộc chiến như vậy".

Ông nói thêm rằng: "Có một vấn đề cơ bản khác mà tôi lo ngại, đó là việc khai thác các hoạt động quân sự ở lãnh thổ Ukraine. Theo Hiến pháp Ukraine, không thể có bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào mà chỉ có các trung tâm huấn luyện hoặc các cơ sở khác được thành lập ở đây. Việc khai thác các hoạt động quân sự trên lãnh thổ có biên giới trực tiếp với chúng tôi đã tạo ra những vấn đề an ninh đáng kể cho chúng tôi". Tuyên bố cứng rắn của người đứng đầu Điện Kremlin cho thấy Nga sẽ giáng đòn tấn công khốc liệt hơn nếu các sự cố tương tự xảy ra. Nga sẽ  bảo vệ những gì được cho là lòng tự trọng của mình.

Liên quan đến cuộc tập trận Sea Breeze, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga ngày 1/7 Maria Zakharova nêu rõ, với động thái này, NATO đang biến khu vực Biển Đen từ một không gian hợp tác thành khu vực đối đầu, đặc biệt gây bất ổn tình hình ở khu vực dọc biên giới Nga.

Bà nói: "Khu vực Biển Đen liên tục bị chính quyền Washington và các đồng minh biến từ nơi của sự hợp tác, vốn được thiết lập tại đó, thành khu vực đối đầu quân sự. Động thái này được thực hiện một cách có chủ ý dưới sự dẫn dắt của Mỹ, biến một khu vực khác trên thế giới trở nên bất ổn".

Theo Bộ Ngoại giao Nga, Sea Breeze 2021, với sự tham gia của 5.000 quân nhân đến từ hơn 30 quốc gia, không thể gọi là tập trận thường xuyên mà rõ ràng đây là hành động được tính toán và có sự phối hợp. Cuộc tập trận năm nay được tiến hành sau khi xảy ra các vụ việc trên biển giữa hải quân Nga với tàu chiến của Anh và Hà Lan ở khu vực này.

Bà Zakharova tuyên bố Moscow không hề vi phạm quyền tự do hàng hải trong vụ chiến hạm HNLMS Evertsen của Hà Lan định xâm nhập lãnh hải Nga, khi tàu hộ tống trên tiến về phía Eo biển Kerch: "Chúng tôi phải kết luận rằng hành động nguy hiểm của tàu khu trục Hà Lan là một sự khiêu khích có chủ ý".

Quan chức ngoại giao Nga đồng thời cho rằng, rõ ràng mục tiêu của NATO là gây bất ổn tình hình ở khu vực biên giới với Nga và gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang. Các quan chức Nga cũng cảnh báo nếu tàu chiến phương Tây đi vào vùng biển này một lần nữa, quân đội Nga sẽ đáp trả mạnh mẽ. Kể cả sau sự cố Nga - Anh, các quan chức quốc phòng Anh cũng phải thừa nhận họ bị bất ngờ trước tốc độ phản ứng của Nga và không nghĩ rằng, Nga phản ứng nhanh và quyết liệt như vậy.

Theo cảnh báo của giới phân tích quân sự, cuộc tập trận Sea Breeze ở Biển Đen là "quân bài" để NATO kiểm tra khả năng phòng thủ của Nga để "tăng cường sức mạnh" cho đến khi cuộc diễn tập hoàn thành và bằng cách này, khối quân sự phương Tây muốn tìm cách chứng tỏ rằng "Biển Đen không phải của Nga".

Mặc dù vậy cả Nga và NATO đều không muốn đi đến một cuộc xung đột phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân hay mở rộng nó ra quy mô toàn cầu. Điều này đe dọa không chỉ lợi ích và an ninh của Nga mà còn cả các nước NATO trong khu vực châu Âu. Tuy nhiên, những diễn biến hiện nay cho thấy nguy cơ và nhiều rủi ro an ninh tiềm ẩn. Điều quan trọng là cả Nga và NATO cần phải kiểm soát tình hình để giảm những tính toán và hành động sai lầm, có thể kéo hai bên vào vòng xoáy xung đột mới.\

Khổng Hà
.
.
.