Bầu cử tổng thống Iran: Nóng bỏng và căng thẳng

Thứ Bảy, 13/06/2009, 09:17
Ngày 12/6, 46 triệu cử tri Iran đã đi bầu cử Tổng thống và cuộc bầu cử này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài khu vực bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Dư luận coi đây là cuộc đua của 4 ứng cử viên là Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousavi, cựu Chủ tịch Quốc hội Mehdi Karroubi và cựu lãnh đạo Vệ binh Cách mạng Mohsen Rezaei. Nhưng giới chuyên môn cho đây là cuộc chiến giữa ông Mahmoud Ahmadinejad với ông Mir Hossein Mousavi, đại diện cho hai trường phái cứng rắn và mềm dẻo, bảo thủ và cải cách.

Đây là cuộc bầu cử Tổng thống thứ 10 tại Iran và là cuộc bầu cử quan trọng nhất kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, do đó phe bảo thủ và cải cách liên tiếp đưa ra những cáo buộc lẫn nhau, tạo nên một bầu không khí căng thẳng, quyết liệt, sôi động và nóng bỏng chưa từng có.

Trước giờ đi bỏ phiếu, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad vẫn gần như là mục tiêu tấn công của 3 đối thủ còn lại. Cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousavi đã chỉ trích các chính sách ngoại giao cứng rắn của chính phủ, đặc biệt là những gì liên quan tới Israel bởi việc này khiến cả thế giới nhất trí chống lại Iran. Ông Mir Hossein Mousavi cũng cáo buộc Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad không trung thực khi công bố các số liệu phát triển kinh tế, xã hội cũng như thống kê về một số lĩnh vực khác.

Kinh tế khó khăn là vấn đề trọng tâm trong suốt quá trình tranh cử tại quốc gia giàu tài nguyên (dầu mỏ và khí đốt) nhưng lại khốn đốn vì mức độ lạm phát và thất nghiệp. Cựu lãnh đạo Vệ binh Cách mạng Mohsen Rezaei chỉ trích các chính sách kinh tế của chính quyền bởi nó khiến tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tăng cao ở Iran.

Ông Mohsen Rezaei buộc tội Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad không dùng các chuyên gia có kinh nghiệm làm cố vấn. Còn cựu Chủ tịch Quốc hội Mehdi Karroubi cũng nêu bật những thất bại của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad trong việc tạo ra tự do trong xã hội.

Ông Mahmoud Ahmadinejad đã phủ nhận tất cả những cáo buộc kể trên, đồng thời nhấn mạnh, các ứng cử viên đã bỏ qua những thành công mà chính phủ đã làm được, đặc biệt là chương trình hạt nhân và tên lửa.

Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad luôn coi mình là người của nhân dân. Lực lượng Vệ binh Cách mạng ủng hộ Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã cáo buộc những ủng hộ viên của cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousavi đang âm mưu làm "cuộc cách mạng nhung".

Cuộc bầu cử cũng được coi là lần trưng cầu ý dân với vai trò lãnh đạo của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad muốn tiếp tục tại vị, còn cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousavi muốn quay lại chính trường sau 2 thập niên "nghỉ ngơi".

Mặc dù có 3 tuần tranh cử, nhưng không khí vẫn căng thẳng đến phút chót giữa 2 ứng viên hàng đầu là Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousavi.

Giới chuyên môn cho rằng, các cuộc tranh luận không những làm rõ lập trường và chương trình của từng ứng cử viên, mà còn được những người tranh cử sử dụng để công bố những yếu điểm của đối thủ nhằm giành ưu thế. Giới quan sát cho rằng, điểm khác biệt giữa cuộc bầu cử năm 2005 với cuộc bầu cử lần này chính là các cuộc tranh luận gay gắt trên truyền hình và các cuộc xuống đường rầm rộ, thậm chí có lúc đụng độ lẫn nhau giữa các ủng hộ viên. Giới bình luận cho rằng, cử tri trẻ là người quyết định cục diện bầu cử.

Theo thống kê, có tới hơn 45% cử tri dưới 30 tuổi, những người được học tập nhiều hơn, có trình độ hơn, chủ yếu sống ở thành thị và có xu hướng hội nhập quốc tế nhiều hơn và họ sẽ có tiếng nói khá quyết định trong cuộc bầu cử này. Dù ai trở thành Tổng thống sau cuộc bầu cử thì người đó đều phải đối mặt với những thách thức hiện nay, trong đó có việc quan hệ với Mỹ và Israel.

Kết quả sơ bộ sẽ được công bố trong vòng 24 giờ sau khi các phòng phiếu đóng cửa. Nếu không có ứng cử viên nào giành được trên 50% số phiếu ủng hộ thì 2 người dẫn đầu tại vòng một sẽ bước vào cuộc tỉ thí lần thứ 2 dự kiến diễn ra vào ngày 19/6

Quốc Trung
.
.
.