'Bão táp quyết chiến' đang đẩy Yemen tới bờ vực sụp đổ?

Thứ Năm, 02/04/2015, 08:31
Theo số liệu Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 1/4, chiến dịch quân sự mang tên “Bão táp quyết chiến”, được Saudi Arabia dẫn đầu liên minh các nước Arab phát động nhằm giành lại sự kiểm soát Yemen từ phiến quân Houthi, sau 8 ngày đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 126 thường dân và làm khoảng 430 người khác bị thương.

Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ quốc tế cho biết, vẫn không nhận được những đảm bảo an ninh cần thiết để các máy bay viện trợ có thể hạ cánh xuống Yemen. Cao ủy LHQ về nhân quyền Raad Al Hussein cảnh báo, tình hình nhân đạo tại Yemen đang “cực kỳ đáng báo động” và quốc gia Trung Đông này dường như đang đứng trước bờ vực “một sự sụp đổ hoàn toàn”.

Vì an ninh Yemen hay sự thất vọng và phẫn nộ của người Arab?

Ngoại trưởng Saudi Arabia al Faisal cho biết: “An ninh Yemen là một phần không thể tách rời của an ninh vùng Vịnh, của khu vực và thế giới Arab. Chúng tôi không ủng hộ chiến tranh, song nếu bị đẩy vào chiến tranh, chúng tôi sẵn sàng đối mặt. Chiến dịch quân sự hiện nay sẽ tiếp tục nhằm bảo vệ tính hợp pháp của Yemen và kéo dài cho tới khi đạt được mục tiêu, cho tới khi thấy một Yemen đoàn kết, ổn định và an ninh”. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là “Bão táp quyết chiến” vẫn chưa mang lại hiệu quả và thậm chí còn đang làm sâu sắc hơn những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo tại Yemen và cả khu vực.

Diễn biến trong những ngày qua cho thấy, cuộc khủng hoảng ở Yemen đã không còn là vấn đề nội bộ của nước này nữa. Trước bối cảnh này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo nguy cơ quốc tế hóa cuộc xung độ tại Yemen, đồng thời chỉ trích những âm mưu nhằm châm ngòi xung đột giữa các nước Arab và Iran liên quan tới tình hình hiện nay ở Yemen.

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, cần phải ngăn chặn khả năng một cuộc xung đột mới giữa người Hồi giáo dòng Shiite và Sunni bùng phát từ cuộc khủng hoảng hiện nay tại Yemen. Các bên đối đầu tại Yemen tổ chức đàm phán và chấm dứt thù địch lẫn nhau. Chia sẻ quan điểm của Ngoại trưởng Nga, phía Iran cũng lên tiếng chỉ trích việc Saudi Arabia “tấn công” Yemen, cho rằng động thái này đã đe dọa toàn bộ khu vực, đồng thời kêu gọi ngay lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự chống phiến quân Hồi giáo Houthi dòng Shiite.

Hiện trường một vụ oanh kích trong chiến dịch “Bão táp quyết chiến” tại thành phố Sana. Ảnh: Reuters.

Theo giới phân tích, “Bão táp quyết chiến” phản ánh sự thất vọng và phẫn nộ của người Arab trước việc Iran mở rộng vai trò và ảnh hưởng trong khu vực. Nhiều tiếng nói trên truyền thông Arab coi chiến dịch là thông điệp vang dội từ Saudi Arabia tới Iran rằng người Arab sẽ không chấp nhận sự sụp đổ của nước Arab nào nữa do ảnh hưởng của Tehran.

Đâu là mục tiêu của Liên minh Arab?

Theo chính phủ Saudi Arabia, mục tiêu hàng đầu của liên quân các nước Arab là làm suy yếu và phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự của nhóm phiến quân người Houthi và các đồng minh. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, liên minh các nước Arab là sự thay đổi vị thế thụ động như trước đây - “chờ đợi động thái của Mỹ, vốn sẽ không bao giờ xảy ra như ở Syria”. Khu vực này không chờ đợi Washington thêm nữa và càng không trông chờ vào sự giải cứu của Mỹ.

Nhật báo Al Hayat dẫn lời nhà bình luận người Saudi Jamal Khagokshi khẳng định: “Các cường quốc trong khu vực có thể lãnh đạo và thay đổi lịch sử”. Bên cạnh đó, liên minh này cho thấy một bản đồ mới của các mối quan hệ khu vực được hòa giải giữa các quốc gia từng tranh chấp và bất hòa. Việc những nước vừa là bạn vừa là thù này tập hợp với nhau là dấu hiệu cho thấy mức độ đe dọa được nhận thức trong sân sau của Yemen. Ai Cập và Qatar hiện đang làm việc cùng nhau, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia kết hợp, Sudan cắt đứt quan hệ với Iran trong khi hỗ trợ cho Saudi Arabia và chiến dịch. Những điều này thể hiện liên minh chiến lược mới đang nổi lên ở một khu vực bất ổn.

Có thể thấy, điều mang các nước Arab lại gần nhau là cái mà họ coi là “mối đe dọa” từ các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran, Mỹ có thể tìm thấy một đồng minh chiến lược ở khu vực và đẩy họ vào giá lạnh. Các nước Arab lo ngại một sự “thông đồng” Mỹ-Iran có thể làm thay đổi Trung Đông đằng sau lưng họ. Chiến dịch “Bão táp quyết chiến” là nỗ lực giành thế chủ động và khẳng định vai trò trung tâm của các nước Arab trong quá trình này.

Yemen kêu gọi các nước Arab can thiệp quân sự trên bộ

Ngoại trưởng Yemen Riyadh Yasseen ngày 31/3 xác nhận Yemen đang tìm kiếm sự can thiệp trên bộ “càng sớm càng tốt” từ các quốc gia Arab nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng và giải phóng người dân Yemen bị vây hãm ở nhiều thành phố. Trong khi đó, người phát ngôn chiến dịch quân sự của liên minh các nước Arab vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu chống phiến quân Houthi tại Yemen, Chuẩn tướng Ahmed Assiri tuyên bố hiện chưa cần triển khai bộ binh, tuy nhiên nhu cầu này có thể nảy sinh bất cứ lúc nào.

Trong một diễn biến liên quan vào tối cùng ngày, lực lượng liên minh Arab do Saudi Arabia chỉ huy đã tấn công nhầm vào một nhà máy sản xuất bơ sữa tại thành phố cảng al-Hodyada, tỉnh miền Tây al-Hodyadi, làm ít nhất 37 người thiệt mạng, 81 người bị thương và hiện trường bị tàn phá quy mô lớn. Theo các nguồn tin y tế địa phương, con số thương vong còn tăng bởi nhiều người bị bỏng và thương nặng.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.