"Đồng chí người Mỹ" của Hồng quân Liên Xô

Chủ Nhật, 03/07/2011, 09:44
Năm 1994 tại Nhà Trắng, trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở Mặt trận thứ hai chống phát xít Đức, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã nồng nhiệt chúc mừng trung sĩ Quân đội Mỹ - chiến sĩ xe tăng Hồng quân Xô viết Joseph Beyrle, tỏ lòng tôn kính và thưởng công xứng đáng cho sự phục vụ đặc biệt của ông trong Thế chiến thứ hai.

Chiến binh người Mỹ này sau khi chạy thoát khỏi trại giam của quân phát xít đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ quân đội Xôviết dũng cảm chiến đấu chống quân phát xít Hitler. Chuyện về đời trận mạc của ông có nhiều điều đặc biệt.

Những chiến công đầu - tù binh - vượt ngục

Trước cuộc đổ bộ lên bán đảo Normandie mở đầu Mặt trận thứ hai, theo lệnh của chỉ huy, Trung sĩ 20 tuổi Joseph Beyrle cùng một số chiến binh quân đội Mỹ đã bí mật luồn sâu vào lãnh thổ nước Pháp (đang bị phát xít Đức chiếm đóng) để cùng quân du kích của lực lượng yêu nước Pháp chiến đấu. Nhiệm vụ của họ là phá nổ các căn cứ, kho tàng hậu cần của Đức ở đây. Anh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhưng cấp bậc vẫn là Trung sĩ như cũ.

Về sau Joseph kể lại với mọi người: "Công việc của tôi là đánh bọn quốc xã. Tôi là người tình nguyện vào quân đội, mặc dầu tôi đã được đề nghị cấp học bổng cho vào trường đại học, vì gia đình tôi đã có hai anh trai phục vụ trong quân đội quốc gia. Ngay từ lúc còn nhỏ tôi đã hiểu rằng Hitler là mối đe dọa chết chóc cho tất cả chúng ta...".

Ngày 6/6/1944, tham gia cuộc đổ bộ lên bán đảo Normandie, Trung sĩ Joseph Beyrle từ máy bay nhảy dù xuống giữa trận bão lửa của đối phương. Khi nhảy từ cửa nắp máy bay, anh nhìn thấy một chiếc xe chật cứng lính của trung đoàn mình bị nổ tung do pháo của phát xít bắn trúng cách đó vài trăm mét.

Anh hạ cánh không được như ý: bị rơi mạnh xuống mái của một nhà thờ ở thôn Saint - Kom-du-Mond. Còn tệ hơn nữa là chỉ còn một mình, bị mất liên lạc với đồng đội. Tuy nhiên, người Trung sĩ trẻ của Sư đoàn 101 nổi tiếng đó - chiến sĩ bắn súng máy, hiệu thính viên và chuyên gia nổ bom mìn Joseph Beyrle luôn luôn giữ vững tinh thần kiên cường dũng cảm.

Sự việc trở nên khó khăn khi anh đã bị xa lìa đồng đội mình. Nhưng "chúng tôi đã được huấn luyện như vậy để từng người một hoàn thành những nhiệm vụ chiến đấu của mình" - về sau anh kể lại với bạn bè. Và Joseph đã hoàn thành tốt: đã phá hủy được một trạm biến thế điện; rồi một số công trình kho tàng hậu cần khác của địch. Sau đó thì Joseph đã bị quân Đức bắt. Chạm trán với một toán quân Đức, anh ném lựu đạn vào chúng.

Nhưng khi thoát khỏi nơi đó, bò trườn qua một hàng rào dây thép gai thì thẳng tới mõm khẩu súng máy mà quanh nó là cả một đơn vị quân Đức. Vậy là 7 tháng anh bị tù, bị tra khảo ở 7 nhà tù và trại tập trung của phát xít. Có 2 lần vượt ngục nhưng không thành. Lần đầu anh cố chạy về hướng đông - nơi quân Nga đồng minh đang chiến đấu, nhưng lại bị bắt trở lại.

Lần thứ hai thì cùng với hai người khác, nhưng bị nhầm hướng: họ ngồi nhầm vào chuyến tàu đi về Berlin và lại rơi vào tay Gestapo (tổ chức cảnh sát mật của Đức). Nhưng vì tổ chức này không có quyền thu giữ tù binh chiến tranh, nên phải chuyển ba vị tù này cho quân đội Đức. Đây là dịp may cho Joseph Beyrle và một số tù binh khác khi anh được chuyển tới giam ở trại tập trung Alte - Drevis ở Ba Lan.

Joseph Beyrle năm 1942.

Đầu tháng 1/1945, Beyrle và hai người bạn tù khác lại tiếp tục vượt ngục. Nhưng chỉ một là Joseph tránh thoát được lưới lửa của lính gác tù. Bao lần dũng cảm và khôn khéo tránh được bọn chó bécgiê săn lùng, anh lội dọc theo một con suối. Suốt hai tuần, ban ngày ẩn nấp, ban đêm dò đường đi về hướng đông, nơi có tiếng súng của Hồng quân Xôviết...

Chiến đấu trong hàng ngũ Quân đội Xôviết

Sau bao ngày chịu đói khát và tránh được sự lùng sục của quân thù, Joseph Beyrle trốn được vào một nhà kho chứa củi. Khi đoàn xe tăng của Quân đội Xôviết tiến đến, anh hai tay giơ lên trời, đã bước tới gặp các chiến binh. Một tay anh giơ cao cầm gói thuốc lá nhãn hiệu "Laky Strik" nổi tiếng của Mỹ để làm hiệu.

Trước đây, khi ở trại tập trung Alte-Drevis, Beyrle đã học được mấy câu tiếng Nga ở những tù binh Xôviết cùng lán. Nay anh dùng để tỏ bày lòng mình. Bước tới gặp các chiến sĩ Hồng quân Xôviết, anh kêu to: "Tôi là một đồng chí người Mỹ!..." rồi thêm cả tiếng Anh.

Thật may mắn: người chính trị viên của tiểu đoàn xe tăng này có biết một ít tiếng Anh. Anh đã giúp Joseph giải thích cho vị chỉ huy tiểu đoàn - đó là một phụ nữ mang cấp hiệu Thiếu tá trên cầu vai, chồng và cả gia đình bà đã mất hết trong chiến tranh.

Do không còn nhớ được tên vị chỉ huy này, anh chỉ gọi bà là bà Thiếu tá. Vào những năm 1980-1990, Joseph và con trai ông đã nhiều lần sang Liên Xô tìm vị chỉ huy này, nhưng đều không có kết quả.

Thết đãi "đồng chí người Mỹ" này vôtca và cháo lính dã chiến, bà Thiếu tá nói rằng sẽ di tản anh ta về hậu phương; từ đó Beyrle sẽ cùng những người Mỹ khác đã được cứu thoát khỏi các nhà tù Đức sẽ được chuyển tới thành phố cảng Ôđexa để từ đó đưa về Mỹ. Nghe được lời bà qua người phiên dịch, Joseph Beyrle đặt cốc rượu lên bàn, nói ngay: "Tôi không phải là tù binh được giải phóng mà là người tù chạy thoát khỏi trại tù. Tôi đã chạy tới với các anh để cùng các anh giết bọn Hitler. Chúng ta là đồng minh mà! Như vậy chúng ta phải cùng nhau chiến đấu".

Vậy là anh đã được nhận vào tiểu đoàn. Và cũng thật "không hẹn mà gặp": ở tiểu đoàn xe tăng này có một số xe tăng nhãn hiệu "Sherman" của Mỹ "cho thuê sử dụng". Đây là dịp để chiến sĩ xe tăng Joseph Beyrle tỏ bày nguyện vọng mình bằng hành động thực tế: anh lắp đặt tu chỉnh các thiết bị vô tuyến trên xe tăng đó để bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến trận.

Và anh đã xóa tan được mối nghi ngờ của các chiến binh Xôviết đối với mình. Khi đã chứng tỏ được mình là một chuyên gia phá hoại bằng bom mìn lành nghề và tay súng máy cừ khôi, sự "nhập tịch" của anh vào tiểu đoàn đã được coi là xứng đáng.

Được nhận là chiến sĩ của tiểu đoàn tăng này, Joseph Beyrle xông pha chiến đấu như mọi người. Rồi trên chiếc xe tăng "Sherman" với khẩu súng máy Xôviết PPS trong tay, anh cùng tiểu đoàn tiến vào trại tập trung Alte - Drevis giải phóng các bạn tù của mình.

Vào những tháng đầu năm 1945 Joseph Beyrle chiến đấu rất dũng cảm, góp phần cùng tiểu đoàn của bà Thiếu tá thắng nhiều trận oanh liệt trên đất Ba Lan rồi chuẩn bị tiến vào lãnh thổ Đức phát xít. Nhưng điều không may đã xảy đến với anh: Một máy bay ném bom Đức đã bổ nhào ném quả đạn trái phá vào chiếc "Sherman" của anh. "Chiến sĩ Hồng quân" Joseph bị thương nặng đã được cấp cứu ở một bệnh viện dã chiến.

Ấn tượng mạnh về quan hệ binh lính - tướng soái ở Liên Xô

Nhiều năm về sau, Joseph Beyrle kể lại với bạn bè một trong những sự kiện đầy ấn tượng ở quân y viện dã chiến nơi anh được điều trị: "Tôi đã phục hồi được sức khỏe để cảm nhận được, hiểu được những điều đã xảy ra. Một hôm, bỗng nhiên mọi người trong viện nhốn nháo lên - người chạy ngược, kẻ chạy xuôi, có người đứng thẳng, có người lò dò... như sẵn sàng chờ đón một thủ trưởng cấp cao nào đó. Thì ở đâu mà chẳng xảy ra chuyện tương tự như vậy...".

Tuy nhiên, khi thủ trưởng cấp cao tới viện thăm và ban thưởng những người điều trị thì Joseph không thể hình dung ra được. Và lại càng bất ngờ hơn nữa, người đó lại là Nguyên soái Liên Xô Jucôv nổi tiếng! Ông đi tới giường của Joseph, bởi vì đã có ai đó báo cáo với ông về người thương binh đặc biệt này.

"Tôi đã cố gắng đứng dậy - Joseph tâm sự với bạn bè, - bởi vì đó là vị Nguyên soái! Nhưng ai đó đã nói: "Hãy nằm yên, anh đang bị thương mà!". Tôi rất lúng túng khó xử: tôi chỉ là một trung sĩ, mà ở quân đội chúng tôi thì lính hay hạ sĩ quan làm sao được phép nói chuyện với tướng! Còn đây thì lại là vị Nguyên soái nổi tiếng Jucôv! Và Nguyên soái đã rất ân cần niềm nở. Ông hỏi tôi là ai, từ đâu tới, có gia đình chưa. Tiếp sau đó ông nói rằng khi tôi lành vết thương thì sẽ được giúp đỡ để về nhà ngay. Rồi ông hỏi rằng tôi cần gì không.

Tôi nói rằng tôi cần một tờ giấy để nó giúp tôi tới được Đại sứ quán Mỹ. Giấy bút đã được mang tới. Cho tới nay tôi vẫn không biết được vị Nguyên soái đã viết gì, nhưng rõ ràng tờ giấy đó quả là mầu nhiệm. Bởi vì tôi đã đi từ đây tới Moskva khi xuyên qua lãnh thổ Ba Lan trong bộ y phục lính đổ bộ Mỹ rách bươm, tới đâu cũng đều trót lọt khi cầm tờ giấy này trong tay.

Tôi chỉ thuộc được mấy câu tiếng Nga "Tôi là đồng chí người Mỹ", "Tôi yêu bạn", và dĩ nhiên là "Nào, chúng ta cùng nâng cốc!", nhưng đi qua hết lãnh thổ Ba Lan, Belarusia rồi tới Moskva đều thuận buồm xuôi gió: khi thì xin đi nhờ ôtô, khi nhờ tàu hỏa... Rồi cuối cùng là tới Moskva, bị một trạm của Bộ Nội vụ ách lại. Vị sĩ quan nói tiếng Anh đã đưa tôi tới Đại sứ quán Mỹ ở Liên Xô. Thật tiếc là vị sĩ quan đó đã lấy mất bức thư của ông Jucôv. Vị nói rằng giờ đây tôi không cần tới thư này nữa. Thật tiếc quá!".

Sau này, vào những năm 1990, Joseph Beyrle qua Liên Xô mấy lần, cố tìm cho ra kỷ vật đó, nhưng vẫn không kết quả. Một thủ trưởng cao cấp của Bộ Nội vụ đã cam đoan với ông rằng đã kiểm tra lại tất cả mọi nơi nhưng tiếc là không thấy gì.

"... Tới ĐSQ Mỹ thì tôi lập tức bị bắt giữ - Joseph tiếp tục câu chuyện với bạn bè - Bởi chính vào tháng 7/1944, gia đình tôi đã nhận được hai giấy báo tử về tôi, mà nay thì tôi lại xuất hiện. Người ta tìm kiếm, xác minh nhân thân của tôi... Sau khi mọi chuyện được sáng tỏ, tôi được trở về nhà...".

Ngày 21/4/1945 Joseph Beyrle trở về quê ở thị trấn Maskigon trên bờ phía Đông hồ Michigan. Năm sau thì ông lấy vợ. Con trai của ông là John, về sau làm Đại sứ nước Mỹ ở Liên Xô vào những năm 1990. Do việc này mà ông rất nhiều lần tới đất nước Liên Xô và sau đó là nước Nga. Đây là "một công đôi việc": vừa thăm con vừa thăm những người bạn "cùng tiểu đoàn xe tăng" của bà Thiếu tá tiểu đoàn trưởng từng cùng nhau chiến đấu chống kẻ thù chung ngày trước.

Đặc biệt, người cựu chiến binh này còn có một kỷ niệm sâu sắc nữa khi được các nhà lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Xôviết tiếp đón chân tình và nồng hậu. Đó là Đại tướng Paven Ivanôvich Batôv và Đại tá phi công không còn chân nổi tiếng Alêxây Petrôvich Marêxiev - những anh hùng đích thực của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Qua những cuộc chuyện trò chân tình này (cũng như sự thăm hỏi ân cần của vị Nguyên soái khi ông còn nằm viện vì bị thương), người cựu chiến binh - Trung sĩ quân đội Mỹ và là chiến sĩ xe tăng Hồng quân Joseph Beyrle có một cảm nhận đặc biệt bất ngờ: mối quan hệ giữa người lính và tướng soái ở quân đội Xôviết hoàn toàn không như ở quân đội Mỹ của ông! Đặc biệt, Joseph Beyrle rất thích biệt danh "đồng chí người Mỹ" của mình

Triệu Hòa
.
.
.