Tiềm ẩn hậu họa từ dịch vụ "ghép xe - tiện chuyến"

Thứ Ba, 12/10/2021, 15:01

Hà Nội vẫn đang thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg về phòng chống dịch COVID-19, các tuyến xe khách liên tỉnh chưa được hoạt động trở lại trong khi nhiều người vẫn có nhu cầu di chuyển về quê và các tỉnh thành vì công việc, chuyện gia đình gấp.

Do đó, dịch vụ xe đưa đón người về quê nở rộ, tạo điều kiện cho người dân được đi lại dễ dàng, nhưng kèm theo đó là những hệ lụy khó lường trong công tác phòng chống dịch cũng như là cơ hội để các lái xe “chặt chém” người dân vô tội vạ.

 “Loạn” giá xe mùa dịch

Chỉ cần gõ từ khóa “xe ghép chuyến” trên mạng xã hội sẽ ra một loạt những hội nhóm kín, nhóm mở về các chuyến xe ghép từ Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại. Có nhà xe, cá nhân công khai giá cả chở khách, nhưng cũng rất nhiều nhà xe, cá nhân không đăng công khai, mà chỉ quảng cáo, để lại số điện thoại và đề nghị inbox (nhắn tin riêng).

Tiềm ẩn hậu họa từ dịch vụ
Xe khách liên tỉnh chưa được hoạt động nên nhiều người tìm đến dịch vụ xe ghép chuyến để về quê (ảnh minh họa).

Theo khảo sát của phóng viên, giá xe ghép chuyến khá cao so với giá thường ngày khi chưa có dịch. Tùy từng nhà xe, từng gói dịch vụ mà có giá khác nhau. Nếu chỉ riêng tiền xe sẽ một giá khác, nếu trọn gói đưa đón tận nơi, bao phí test COVID-19 và các dịch vụ khác thì giá sẽ cao hơn. Tuy nhiên vì muốn về quê sau một thời gian dài giãn cách, hoặc đi tỉnh vì công việc nên nhiều người cắn răng chấp nhận giá xe “trên trời”.

Chị Doãn Linh Trang (Hoài Đức, Hà Nội) quê ở Sơn La. Hơn 4 tháng nay khi Hà Nội bùng dịch, chị không về thăm được nhà, dù bà nội bị ốm nặng phải nhập viện cấp cứu. Nên ngay sau khi kết thúc đợt giãn cách và đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, chị lên “Hội ghép xe - tiện chuyến Sơn La” để tìm xe về quê.

“Chỉ đăng tin vài phút là cả chục nick nhảy vào inbox giới thiệu dịch vụ nhà xe. Mỗi nơi một giá khác nhau nhưng thấp nhất cũng trên 1 triệu đồng. Đó là riêng tiền xe, còn mình phải tự lo giấy test COVID-19, ăn uống nghỉ ngơi dọc đường. Sau khi tham khảo khắp nơi, tôi và bạn chọn một nhà xe với giá 1,2 triệu đồng/1 người từ Hà Nội về đến Vân Hồ. Xe bốn chỗ, chở 4 người. Bình thường về quê chỉ mất 200 nghìn đồng tiền vé xe khách mà về đến tận nhà, mùa dịch, nên giá tăng gấp 2-3 lần, nhưng vì nhà có việc, nên bắt buộc phải lựa chọn. Tôi về đến Vân Hồ còn phải bắt thêm xe về tận nhà với giá 300 nghìn đồng nữa. Vị chi cả chuyến xe về quê hết gần 3 triệu, vừa tiền xe, vừa tiền xét nghiệm, rồi ăn uống dọc đường”, chị Trang chia sẻ.

Chị Nguyễn Thu Hoài khu đô thị Geleximeco (Lê Trọng Tấn, Hà Đông) quê ở Gia Lai. Từ Tết đến giờ chị chưa một lần về thăm nhà. Khi Hà Nội bùng dịch, thực hiện giãn cách xã hội hơn 2 tháng thì Gia Lai  cũng bị giãn cách một thời gian. Cách đây hơn 1 tháng, bố chị mất vì tai nạn giao thông, không có chuyến bay cũng như chuyến xe khách về Gia Lai, đồng thời cả Hà Nội và Gia Lai thực hiện giãn cách nghiêm ngặt. Không thể về quê chịu tang bố, chị phải ở lại Hà Nội mòn mỏi trông chờ hết giãn cách từng ngày để được về quê.

Tưởng rằng từ ngày 5-10, sẽ mở lại chuyến bay nội địa nhưng đến giờ vẫn chưa có lịch bay cụ thể nên chị đành lên các hội nhóm tìm xe ghép chuyến về Gia Lai. Bình thường nếu về Thành phố Pleiku đi xe giường nằm chỉ hết 580 nghìn đồng thì giờ chị phải đặt vé xe ghép chỗ với giá 3 triệu đồng/1 người, tự lo chi phí ăn uống, test COVID-19. Xe 7 chỗ nhưng chỉ đi 6 người. Vì vào tận Gia Lai xa xôi nên nhà xe ghép chuyến với cả khách Nghệ An, Hà Tĩnh.

“Chắc khi vào đến Gia Lai chỉ còn mình tôi trên xe. Biết là nguy hiểm, giá cả đắt đỏ, nhưng bố mất không về được, giờ có xe về quê, đắt tí tôi cũng phải về. 11-10 mới có xe đi nhưng tôi phải đặt trước cả tuần mới tìm được xe ghép, vì đi xa quá, không phải khách nào cũng chấp nhận ghép chuyến đi như thế”, chị Hoài cho biết.

Còn bà Nguyễn Thị Xim (Tứ Kỳ, Hải Dương) thì vừa phải thuê chuyến xe 1,2 triệu đồng để lên Hà Nội trông cháu cho con đi làm. Đợt 30-4 bà về quê nghỉ lễ rồi cũng kẹt ở Hải Dương luôn. Hà Nội hết giãn cách, các con giục bà lên trông cháu để đi làm. Ngày thường nếu thuê một chuyến xe lên cũng chỉ mất vài trăm, hoặc đi xe khách chỉ mấy chục ngàn đồng, nhưng vì mùa dịch, không có xe nên bà đành phải chấp nhận đi xe tư nhân giá cao để còn kịp lên Hà Nội trông cháu.

Tiềm ẩn hậu họa từ dịch vụ
Hình ảnh những bến xe ngoại tỉnh hoạt động tấp nập là niềm mong mỏi của nhiều người lúc này.

“Chưa kể tiền xét nghiệm COVID-19 ở quê là 1 triệu đồng. Vậy là một chuyến xe lên Hà Nội vị chi mất 2,2 triệu. Lần này lên Hà Nội xác định lâu lâu mới về quê. Nhà cửa, ruộng vườn mặc cho ông chồng ở nhà lo liệu. Về lại mất một chuyến xe như vậy thì tiền đâu cho lại. Đợi khi nào xe khách được mở lại chắc mới về nhà được”, bà Xim chia sẻ.

Liên hệ với một số điện thoại đặt xe từ Hà Nội về thành phố Nam Định, phóng viên cũng được báo giá với giá rất “chát” là 2,5 triệu bao cả chi phí test COVID-19, lo giấy tờ đi đường và phí cầu đường. Còn một chủ xe khác lại báo giá 1,5 triệu đồng/1 người và lo hết mọi thứ từ a-z. Nếu khách tự lo giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19 thì chỉ mất 400 nghìn đồng/1 người.

Giữa mùa dịch, việc đi lại giữa các tỉnh thành còn nhiều hạn chế thì việc xuất hiện những dịch vụ đưa đón xe về quê cũng tiện lợi, cần thiết cho những gia đình có người kẹt lại ở Hà Nội. Thế nhưng việc các nhà xe “chặt chém” người dân, rồi tình trạng “loạn giá”, mỗi nơi một kiểu khiến người dân chịu thiệt thòi mà chẳng biết kêu ai?

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh

Bên cạnh những chủ xe nhiệt tình, công khai giá cả hay những chủ xe tranh thủ kiếm lợi mùa dịch thì lại cũng không thiếu những trường hợp khách khai báo gian dối, để cả chủ xe lẫn người đi cùng phải chịu liên lụy. Có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khi đi xe ghép chuyến.

Tiềm ẩn hậu họa từ dịch vụ
Một nhà xe quảng cáo xe ghép chuyến nhưng không công khai giá.

Anh Trần Quốc Tuấn (quê Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi hỏi xe ghép chuyến từ Ninh Bình về Nghi Xuân, Hà Tĩnh mà có những bạn đòi 1,6 triệu đồng/người, rẻ nhất cũng 800 nghìn đồng. Mùa dịch cả chủ xe, cả khách đều khó khăn thật, mỗi lần đi về đều phát sinh rất nhiều chi phí nhưng giá đi xe bị đẩy lên cao quá so với thực tế, đi xe ghép mà giá gấp 2 đến 3 lần giá bình thường thì dẫn đến chồng chất khó khăn, chỉ mong các nhà  không chặt chém cao và làm ăn thật tử tế. Hãy giữ đúng cái tên “đi chung và tiện chuyến đi” hỗ trợ nhau mùa dịch”.

Trước thực tế giá dịch vụ xe về các tỉnh giá cao, cũng có ý kiến bênh vực các chủ xe cho rằng, thuận mua vừa bán, ai chấp nhận được giá cao thì đi vì di chuyển trong mùa dịch có rất nhiều nguy cơ. Anh Nguyễn Sơn, một lái xe quê Thanh Hóa cho biết anh vừa phải thực hiện biện pháp cách ly tại nhà khi chở khách từ Hà Nội về xã Dân Lý (Triệu Sơn, Thanh Hóa) vì khách khai báo không trung thực. “Một chuyến xe được vài triệu bạc, cuối cùng phải ở nhà 21 ngày. Tiền lãi ngân hàng mua xe vẫn phải trả đều, giờ cả vợ con cũng bị cách ly ở nhà, vậy ai hỗ trợ được tiền ăn ở, tiền lãi cho bọn tôi trong 21 ngày này? Mọi người kêu giá đắt, nhưng dính phải khách khai báo gian dối  thì chẳng biết giá xe đắt hay rẻ đây”, anh Sơn than thở.

Còn chị Nguyễn Thị Minh (Nghệ An) cũng "dính" vận hạn khi chở khách về bị cách ly 14 ngày: “Đi lại mùa dịch dễ gặp rủi ro. Xe 7 chỗ cũng chỉ chở được 4 người vì theo quy định chung. Xui mà gặp ông bà nào F1 thì mình phải cách ly tại nhà, còn xui nữa mà gặp phải F0 thì xác định đi cách ly tập trung, mất một đống tiền, lại không làm ăn được gì. Vài ba triệu đồng một chuyến cuối cùng phải đi cách ly mất nửa tháng”.

Anh Nguyễn Minh Tâm, một lái xe người Thái Nguyên bức xúc cho biết: Sau khi chở khách lên Hà Nội, lúc quay trở về anh tìm người đi ghép xe và báo giá với mức giá tiện đường, tiện chuyến, phải chăng. Nhưng khi chở khách về gần đến nơi, khách cự cãi vì bị thả giữa đường, đòi lại một phần tiền xe. Tranh cãi một hồi không được vì anh Tâm cho rằng, giá xe của anh chỉ là giá tiện cung đường anh về, sẽ trả khách gần điểm đến của khách nhất, còn giá trả về tận nhà phải cao hơn. Nếu khách muốn chở về tận nhà phải mất thêm phí, thế nhưng vị khách nọ cho rằng anh Tâm lừa đảo, nên đưa thông tin về xe và số điện thoại của anh lên các hội nhóm trên mạng để “bóc phốt”.

Tiềm ẩn hậu họa từ dịch vụ
Xe khách chưa được hoạt động trở lại.

Bức xúc về cách hành xử của khách, anh Tâm cũng đưa câu chuyện của mình lên diễn đàn để bày tỏ quan điểm. “Cứ lợi dụng giá tiện chuyến bắt lái xe phải đưa đón tận nhà thì anh em chúng tôi làm sao đi được... Không đi được thì thôi, đó là chuyện cá nhân. Đăng lên “phốt” anh em lái xe chúng tôi làm gì? Mỗi người một nghề không ai giống ai… khi chưa thực sự hiểu công việc của người ta như thế nào thì đừng vội, tìm hiểu đi đã”, anh Tâm bày tỏ quan điểm.

Tuy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng không có nghĩa là mọi người lơ là chủ quan phòng chống dịch. Nếu không có việc cần thiết di chuyển ra khỏi Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác, người dân vẫn nên ở yên một chỗ cho đến khi có chỉ đạo mới. Việc thuê xe, ghép chuyến hiện còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đó cũng là cơ hội để các lái xe “chặt chém” mùa dịch bệnh. Nếu bắt buộc phải di chuyển, người dân hãy tìm đến những nhà xe uy tín, báo giá công khai, và trước khi khởi hành phải trao đổi, thỏa thuận rõ ràng. Đồng thời cả hành khách và  lái xe phải luôn trung thực trong khai báo y tế, đặt tính mạng, sức khỏe của cộng đồng lên hàng đầu.

Ngọc Trâm
.
.
.