Tác hại khôn lường khi lạm dụng thực phẩm chức năng

Thứ Tư, 17/04/2024, 09:36

Thực phẩm chức năng (TPCN) thường được dùng để hỗ trợ chức năng cho các bộ phận trong cơ thể người, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng tùy tiện sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc do thừa chất, thậm chí biến chứng, có thể dẫn đến tử vong. Do đó, khi sử dụng TPCN vẫn cần có sự tư vấn của bác sĩ.

Hàng trăm người nhập viện vì sử dụng thực phẩm chức năng

Mới đây, Bộ Y tế, Lao Động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, dựa trên báo cáo từ Hãng Kobayashi, tính đến ngày 7/4, tổng cộng đã có 1.224 người phải đi khám, 212 ca nhập viện sau khi sử dụng TPCN chứa men gạo đỏ của Công ty Kobayashi Pharmaceutical ở Osaka, Nhật Bản.

Bộ Y tế Nhật Bản đã có cuộc gặp với lãnh đạo hãng dược phẩm Kobayashi tại trụ sở của hãng này. Cuộc gặp đề cập đến khoảng thời gian 2 tháng từ lúc Kobayashi ghi nhận các bất ổn sức khỏe của nhiều người liên quan tới sản phẩm cho đến khi hãng công khai thông tin. Giới chuyên môn nhận định, cuộc khủng hoảng an toàn thực phẩm của Kobayashi đã bộc lộ những vấn đề về tổ chức trong công ty. Theo đó, với tư cách là một doanh nghiệp gia đình điển hình của Nhật Bản, có thể họ sẽ ưu tiên lợi ích của mình hơn khách hàng trong việc ra quyết định.

Tác hại khôn lường khi lạm dụng thực phẩm chức năng -0
Bệnh nhân V.T.T (25 tuổi, Lâm Đồng) sử dụng thực phẩm chức năng được 7 ngày thì da có xuất hiện ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi.

Bộ Y tế Nhật Bản đã yêu cầu các cửa hàng tiêu hủy hàng tồn kho Benikoji ColesteHelp, NaishiHelp Plus Cholesterol và Natto-kinase Sarasara Tsubu GOLD. Theo đó, cả 3 loại TPCN nêu trên đều chứa “beni koji” - gạo lên men bằng men đỏ, một thành phần được cho là có tác dụng làm giảm mức cholesterol thường được sử dụng trong gia vị và bảo quản thực phẩm cũng như sản xuất rượu gạo. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, quá trình lên men có thể tạo ra hàm lượng citrinin không an toàn, một chất độc gây rối loạn chức năng thận.

Trong cuộc điện thoại với hãng tin CNN hôm 28/3, người phát ngôn của Công ty Kobayashi cho biết, có 4 người dùng đã qua đời đều bị bệnh thận sau khi dùng Benikoji ColesteHelp. 2 người trong số họ đã dùng Benikoji ColesteHelp từ năm 2021, khi sản phẩm được ra mắt và 1 người bắt đầu sử dụng sản phẩm này vào đầu năm 2022. Bản thân Công ty Kobayashi cũng thừa nhận rằng, họ “không thể loại trừ” thành phần không mong muốn gây ra tác dụng phụ khi trộn các thành phần khác nhau. Trong khi trên trang web của Kobayashi thông tin rằng, các sản phẩm beni koji của họ sử dụng một chủng vi khuẩn trong quá trình lên men không tạo ra citrinin.

Vụ bê bối TPCN này đã làm dấy lên mối lo ngại ở các khu vực khác ở châu Á, trong đó có Việt Nam, nơi các sản phẩm bổ sung sức khỏe của Nhật Bản được bán rộng rãi. Tại Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo về việc thu hồi đối với các sản phẩm của Kobayashi. “Qua rà soát dữ liệu đăng ký bản công bố sản phẩm tại Cục An toàn thực phẩm, Cục thông báo hiện nay chưa cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm/giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: “Beni-koji choleste-help”, “Naishi-help plus cholesterol”, “Natto-kinase sarasara-tsubu gold” và Kobayashi Naishi Help 30 của Công ty Dược phẩm Kobayashi, Nhật Bản.

Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, Cục cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có các thông tin như nêu trên, trường hợp phát hiện các sản phẩm này lưu hành trên thị trường, đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cũng đã ra lệnh cho các nhà phân phối đình chỉ nhập khẩu hơn 150 sản phẩm có chứa beni koji, bao gồm cả sản phẩm do Kobayashi sản xuất. Tại Singapore, các nhà chức trách đã thu hồi rượu sake sủi, một loại rượu gạo của Takara Shuzo có trụ sở tại Kyoto, sử dụng beni koji trong quá trình sản xuất.

Không nên sử dụng tùy tiện thực phẩm chức năng

Các nhà chuyên môn và nhiều bác sĩ cho rằng, TPCN khi sử dụng phải có sự tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng. Đặc biệt, khi sử dụng những loại TPCN không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ thì rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo các bác sĩ, TPCN là con dao 2 lưỡi, trước khi sử dụng phải xem cơ thể có cần thiết phải bổ sung hay không. Bởi, cơ thể mỗi người khác nhau, việc dung nạp thuốc sẽ khác. Nếu người có bệnh lý nền về gan, thận dùng không đúng sẽ gây suy gan, suy thận...

Các chuyên gia cho rằng TPCN cũng chỉ là “thực phẩm”. Bởi, không có nghiên cứu, chứng minh đạt hiệu quả rõ ràng nên chúng được xếp vào nhóm TPCN. Nếu sử dụng tùy tiện sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc do thừa chất, thậm chí biến chứng.

Chẳng hạn, đối với người không có dấu hiệu loãng xương hay thiếu can-xi nhưng vẫn bổ sung thêm can-xi thì sẽ dẫn đến thừa can-xi, gây ức chế hấp thu các chất khác như sắt và kẽm, từ đó sẽ làm cho cơ thể có nguy cơ thiếu hai chất này. Bên cạnh đó, thừa can-xi còn gây ra tình trạng quá tải cho thận, nếu vẫn tiếp tục bổ sung thừa trong thời gian dài thì sẽ làm tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận.

Biến chứng nếu sử dụng TPCN không có chỉ định của bác sĩ dẫn đến dư thừa có thể kể như thừa vitamin D dẫn đến bệnh sỏi thận; thừa vitamin C sẽ gây tiêu chảy, nổi mụn, đau đầu, buồn nôn và phá hủy chức năng của thận, gây sỏi thận; thừa acid folic có thể gây ung thư, đau bao tử, khó ngủ, tim đập nhanh, co giật...

Trong khi đó, tình trạng TPCN bị làm giả xuất hiện nhiều trên thị trường và khó kiểm soát, nếu sử dụng những loại sản phẩm này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như tiêu chảy, ngộ độc, nôn mửa, nổi mẩn đỏ, da phồng rộp, trụy tim mạch, huyết áp giảm, khó thở... Nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ dẫn đến các bệnh lý về thận, gan, mật...

Tác hại khôn lường khi lạm dụng thực phẩm chức năng -0
Mất thị lực, tổn thương não vì uống Detox Táo giảm cân có chất cấm Sibutramine.

Trước đó, một nữ bệnh nhân là V.T.T. (25 tuổi, Lâm Đồng) đến Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh khám trong tình trạng cơ thể mệt, trên da xuất hiện ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi... Nữ bệnh nhân này cho biết, do có bệnh vảy nến nên đã mua TPCN dùng được khoảng 5-7 ngày thì trên người xuất hiện vết ban nhỏ, sau đó phát ban. Tuy nhiên, khi gọi điện cho người bán thắc mắc về những biểu hiện lạ khi dùng loại TPCN này thì người bán nói sản phẩm đang phát huy tác dụng thải độc tố nên chị T. tiếp tục sử dụng.

Đến khoảng ngày thứ 18, tình trạng bệnh nặng hơn, thấy cơ thể đau nhức không chịu nổi, chị T. được người nhà đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) sau khi sử dụng TPCN, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Không lâu sau đó, Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) cũng tiếp nhận trường hợp hai anh em ruột V.L. (3 tuổi) và M.H. (18 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều. Gia đình hai bé cho biết hằng ngày đều đặn cho hai bé uống vitamin D từ sau sinh.

Bà thấy cháu thích uống và nghĩ rằng vitamin là thuốc bổ, uống nhiều cũng không sao nên thay vì cho cháu uống theo liều lượng quy định thì cứ để hai cháu uống tùy thích. Từ đó, hai bé uống trực tiếp tại lọ, lấy hơn liều quy định nhiều lần trong thời gian dài. Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, hai bé đều xuất hiện tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8-9 lần/ngày. Qua thăm khám, kết quả cho thấy cả hai bé đều bị tăng can-xi máu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, có dấu hiệu suy thận cấp, được chẩn đoán ngộ độc vitamin D và suy thận cấp do dùng quá liều vitamin D thời gian dài.

Không chỉ TPCN cho người lớn được quảng cáo rầm rộ với công dụng “trên trời” mà TPCN dành cho trẻ em cũng được quảng cáo nhan nhản. Theo đó, những loại TPCN này thường được quảng cáo giúp trẻ phát triển trí não, tăng trưởng chiều cao, bồi bổ cơ thể... có nguồn gốc xuất xứ từ các nước như: Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam...

Mới đây, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị mất thị lực, tổn thương não do ngộ độc chất cấm Sibutramine có trong sản phẩm Detox Táo. Bệnh nhân là P.T.H (nữ, 26 tuổi) có tiền sử giảm tiểu cầu vô căn 11 năm, đã điều trị tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương 2 năm.

Theo bệnh nhân H, vì có nhu cầu giảm cân, chị đã mua sản phẩm có tên gọi Detox Táo về sử dụng. Trong 1 lọ sản phẩm có 2 loại viên giống thuốc màu vàng và xanh, chị uống sản phẩm trong 10 ngày thì có hiện tượng bị đau dây chằng; sau 2 tuần sử dụng, mắt đột ngột không nhìn thấy gì theo cơn. Ngày 28/3 chị H. xuất hiện 2 cơn giảm thị lực, được chuyển vào Trung tâm Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Tại đây, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy, hình ảnh tổn thương lồi thể chai, chị H. được theo dõi do ngộ độc.

Khai thác tiền sử bệnh nhân, các bác sĩ được biết chị H. có uống "thuốc" giảm cân có tên Detox Táo. Xét nghiệm loại "thuốc" này, phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine. Chị H. sau đó được chuyển sang Trung tâm Chống độc của bệnh viện để tiếp tục điều trị.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân H. mới sử dụng sản phẩm giảm cân khoảng 10 ngày đã có các biểu hiện về thần kinh, mắt, tổn thương não rất rõ ràng, nếu dùng kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

"Bệnh nhân H. mua sản phẩm này trên mạng được quảng cáo là để giảm cân và trong sản phẩm này có chất cấm Sibutramine. Sibutramine là một loại chất đã bị cấm sử dụng trên người, vì chất này có thể gây những tổn thương ở người, gây nguy cơ đột quỵ não, đau thắt, nhồi máu cơ tim", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhận định.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, thực tế đã ghi nhận nhiều sản phẩm là TPCN trộn những loại chất độc hại bị cấm sử dụng, hoặc trộn những chất được phép sử dụng nhưng với liều lượng không đảm bảo. Riêng tại Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, trước đây đã tiếp nhận những trường hợp ngộ độc những loại TPCN có chứa chất cấm.

"Đã có trường hợp bệnh nhân hôn mê, co giật, tổn thương não và phải cấp cứu điều trị. Xét nghiệm những loại sản phẩm này thì có chứa chất cấm, ảnh hưởng đến sức khỏe như Sibutramine, Phenolphtalein... Thậm chí, có những chất chỉ được phép có trong thuốc nhưng lại được cho vào trong TPCN, uống phải những chất này rất ảnh hưởng đến sức khỏe vì hoàn toàn không thể kiểm soát chất lượng và liều lượng", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên thông tin.

Theo các chuyên gia y tế, chỉ cần sử dụng mức khoáng chất gấp 5 lần so với lượng khuyến nghị hằng ngày (RDI), kẽm, sắt, crom và selen có thể gây ra tác động tiêu cực đối với cơ thể. Vì việc tiêu thụ khoáng chất ở mức gấp 5 lần RDI có thể vượt quá khả năng cơ thể chấp nhận và xử lý. Điều này dẫn đến sự tích tụ không mong muốn của các khoáng chất trong cơ thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, từ rối loạn tiêu hóa đến các vấn đề nghiêm trọng như tử vong.

Việc sử dụng lượng lớn fluoride, đặc biệt ở trẻ em, không chỉ gây mờ mắt mà còn làm suy yếu răng, gây ra các vấn đề liên quan nướu và răng. Tiêu thụ lượng lớn dầu cá có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu, tăng nguy cơ về vấn đề máu và tim mạch. Ngoài ra, ngộ độc sắt cũng rất phổ biến. Ngay cả một lượng nhỏ vượt quá RDI cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa, buồn nôn và phân đen. Độc tính nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong.

Bổ sung TPCN chỉ là biện pháp ngắn hạn. Việc sử dụng lâu dài một số chất bổ sung liều cao có thể dẫn đến các triệu chứng ngộ độc. Nếu bạn cảm thấy mình có thể đang thiếu một số vitamin và khoáng chất nhất định, tốt hơn hết bạn nên xem xét việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống thay vì sử dụng TPCN. Nếu bạn cần giúp đỡ, hãy gặp bác sĩ hoặc chuyên gia dinh

Bất chấp những cảnh báo đó, trên thị trường Việt Nam, tại các cơ sở bán lẻ dược phẩm và trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử có rất nhiều loại TPCN như loại bổ sung vitamin (A,B,C,D...), loại về làm đẹp dùng cho vấn đề về tóc, da,... Thậm chí, để bán được hàng, nhiều cơ sở còn tung hô hoặc “thần thánh” các loại sản phẩm này như thuốc.

Bảo Phương
.
.
.