Rượu không rõ nguồn gốc - Tiền mất tật mang
Với sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ rượu trong các dịp lễ tết, hội họp, hay những bữa tiệc cuối tuần, việc rượu không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan trên các chợ, cửa hàng, các con phố hẻo lánh, thậm chí cả trên mạng xã hội đang trở thành vấn đề nhức nhối.
Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng mà còn là mối đe dọa tiềm ẩn đối với an toàn xã hội.
Rượu không rõ nguồn gốc bán tràn lan
Từ lâu, rượu là thức uống không thể thiếu trong nhiều nền văn hóa, đặc biệt trong các dịp lễ tết, tụ họp gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí là tử vong.
Một trong những tác hại phổ biến của rượu không rõ nguồn gốc là ngộ độc methanol. Methanol, một loại cồn công nghiệp, có thể gây mù lòa, hôn mê, suy thận và thậm chí là tử vong khi được pha trộn vào rượu. Mặc dù việc này đã được cảnh báo từ lâu, song tình trạng rượu "dỏm" vẫn xuất hiện tràn lan, và có thể tìm mua dễ dàng ở các chợ, cửa hàng nhỏ hay thậm chí các vỉa hè.
Đi dọc các con phố từ thành thị đến nông thôn, rất dễ dàng bắt gặp các quầy rượu, hàng bán rượu “tự chế” hoặc rượu không có nhãn mác, bao bì rõ ràng. Những loại rượu này thường được bày bán dưới dạng chai thủy tinh cũ, không có bất kỳ thông tin về nhà sản xuất, ngày sản xuất hay hạn sử dụng. Mặc dù vậy, giá của chúng lại rất rẻ, chỉ từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/lít.
Tại một quán vỉa hè gần bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội), khi chúng tôi hỏi mua rượu quê, chủ quán này cho biết: “Ở đây cô bán chủ yếu là rượu quê, được mua từ người quen tự nấu. Mặc dù giá rẻ nhưng đảm bảo chất lượng, vì rượu này đều được nấu từ gạo không có hóa chất”. Khi chúng tôi hỏi, có cách nào để phân biệt rượu giả, rượu thật không? Vì đợt này nhiều vụ ngộ độc. Chủ quán tỏ ra không hài lòng: “Rượu này không pha cồn nhé, 30.000 đồng/lít, không mua thì đi chỗ khác để tôi bán hàng”.
Tương tự tại một cửa hàng tạp hóa tên “M.D” thuộc phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), rượu trắng được chủ cửa hàng cất khá kỹ bên trong, khi có khách hỏi mới mang ra bán. Theo quan sát của phóng viên, phía bên trong có hàng chục can rượu trắng không tem, không nhãn mác, không nhà sản xuất…Theo chia sẻ của chủ cửa hàng, giá của loại rượu này là 40 nghìn đồng/lít. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua nhiều vì mới mở quán bán ốc vỉa hè. Chủ cửa hàng cho hay: “Nếu lấy nhiều cứ bảo anh, vì anh có quen một số lò nấu rượu ở quê, lấy bao nhiêu cũng được. An tâm, anh bán rượu ở khu này lâu năm rồi, đây chủ yếu là rượu nấu từ gạo, ngô…không hề có hóa chất. Mỗi lít anh chỉ lấy lãi vài nghìn thôi…”.
Theo anh Nguyễn Văn T (xã Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội), người có hơn 20 năm nấu rượu truyền thống, gạo là nguyên liệu sử dựng khác nhau nấu ra rượu cũng có giá khác nhau. “Rượu nếp đắt hơn rượu gạo tẻ, rượu nếp cẩm thì đắt hơn nếp cái hoa vàng. Có loại giá trên 100.000 đồng/lít, có loại thì rẻ hơn nhiều. Nhưng giá 1 lít rượu đến tay người tiêu dùng chắc chắn không thể thấp 30.000 đồng/lít. Nếu chỗ nào bán thấp hơn, thì nên xem lại chất lượng. Bản thân tôi cũng biết, một số cơ sở nấu rượu cũng sử dụng cồn công nghiệp để pha chế rượu nhằm hạ giá thành sản phẩm. Cách đây ít năm nhiều nơi còn sử dụng viên hóa học để tạo ra rượu. Loại này chỉ cần thả vào nước lọc sau đó lắc đều lên là cho ra rượu. Tuy nhiên rượu này nếu rót ra chén để lâu sẽ bay hơi, uống như uống nước lọc. Uống nhiều loại rượu này sẽ rất đau đầu, hôm sau người mệt mỏi vô cùng. Tôi có mấy chục năm nấu rượu gạo cung cấp có các quán ăn trên địa bàn Hà Nội nên giá cả tôi không còn lạ gì”, anh T chia sẻ.
Các loại rượu “3 không” này không chỉ được bán khắp nơi mà gần đây được nhiều người bán trên mạng xã hội. Chỉ cần lên mạng xã hội như Facebook, Zalo gõ từ khóa “mua rượu quê” là cho ra rất nhiều hội nhóm, tài khoản bán rượu. Tại nhóm “Hội rượu miền Bắc”, với hơn 20 nghìn thành viên. Tại đây liên tục là các trạng thái đăng bán hàng, có đủ các loại rượu được rao bán như: Rượu men lá Tây Bắc, rượu Ngô, rượu nếp cái hoa vàng, rượu táo mèo…Thậm chí còn có cả nhưng trạng thái đăng lên để tìm mua rượu giá rẻ.
Một tài khoản có tên “H.N.Q” có đăng: “Anh chị em cần rượu lá ủ chum alo em, em phục vụ anh em trên toàn quốc nhé. Đảm bảo chất lượng, uống êm say, không đau đầu, đảm bảo không hóa chất”. Khi chúng tôi gọi điện để hỏi giá thì được người này cho biết: “Đây là rượu men lá của bà con Tây Bắc, bên em dùng công nghệ mới để làm nên số lượng nhiều. Đảm bảo chất lượng vẫn như rượu của bà con dân tộc làm, không hóa chất. Chị lấy số lượng bao nhiêu cũng có, chúng em sẽ chở đến tận nơi”.
Tương tự tài khoản “Nguyễn.T.H” cũng quảng cáo: “Em chuyên nấu rượu nếp cái hoa vàng phục vụ đám cưới, giỗ tết, quà biếu. Rượu này được nấu từ loại gạo nếp cái đặc biệt, chính vì thế luôn giữ được vị thơm, êm say, uống không đau đầu”. Khi phóng viên liên hệ thì được biết người này ở Văn Lâm, Hưng Yên. Gia đình có truyền thống nấu rượu lâu năm, để tăng đơn hàng nên đã đăng bài lên mạng xã hội bán. Khi chúng tôi hỏi người này cơ sở nấu rượu có được cấp phép không? Rượu có được dán tem mác, nguồn gốc không? Thị chị H trả lời: “Đã nói là rượu quê, rượu truyền thống thì cần gì tem mác, cần gì phải giấy phép. Người uống sành chỉ cần nhấp một hớp là đánh giá được chất lượng rồi”.
Hậu quả nhãn tiền
Bên cạnh những tác hại trực tiếp đến sức khỏe, việc tiêu thụ rượu không rõ nguồn gốc còn gây nên các hệ lụy khác cho xã hội. Theo các chuyên gia, việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính như xơ gan, viêm gan, ung thư gan, tim mạch, và các bệnh về thần kinh. Những trường hợp nặng có thể gây tử vong ngay sau khi uống rượu.
Môt vụ việc mới xảy ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng khiến dư luận không khỏi hoang mang. Cụ thể, 6 người vào ăn và uống rượu tại quán Bánh canh cá lóc Quảng Trị ở thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), sau ăn 4 người phải nhập viện nghi do ngộ độc rượu…Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn chỉ đạo xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc rượu này xảy ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngày 27-12, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo kết luận về vụ ngộ độc rượu khiến 4 người phải nhập viện ở Vũng Tàu. Theo đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gửi 10 mẫu rượu, 4 mẫu huyết thanh và huyết tương của các nạn nhân tại 4 bệnh viện đến Viện Y tế công cộng TP.Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm.
Kết quả, căn cứ quy định tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm rượu trắng, ghi nhận có 3 mẫu rượu phát hiện methanol và vượt rất nhiều lần hàm lượng Methanol cho phép trong rượu. Cụ thể, mẫu rượu trắng tại quán Bánh canh cá lóc nơi 4 bệnh nhân đã ăn và uống rượu tại đây cao gấp 2.353 lần mức cho phép; mẫu rượu trắng tại hộ kinh doanh NHT (tạp hóa TQ, phường 11, TP Vũng Tàu) cao gấp 300 lần cho phép; mẫu rượu màu tại nhà ông NTH (1 trong 6 người uống rượu) cao gấp 411 lần mức cho phép. Đáng lưu ý, cả 2 mẫu đầu đều có nguồn gốc từ tạp hóa TQ.
Từ đây, Sở Y tế kiến nghị các trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methanol, cấp cứu và điều trị kịp thời, tránh các diễn biến xấu đối với sức khỏe bệnh nhân.
Đề nghị phòng Y tế TP Vũng Tàu, căn cứ vào biên bản kiểm tra, biên bản làm việc của Đoàn kiểm tra thành phố ngày 21-12 và báo cáo kết luận vụ ngộ độc thực phẩm của Sở Y tế, tham mưu trình UBND TP Vũng Tàu xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong khi đó 4 bệnh nhân bị ngộ độc rượu thì 3 người đã được xuất viện về nhà. Còn trường hợp anh K.Sai (24 tuổi) vẫn đang ở viện theo dõi, phải thở máy, tiên lượng nặng…
Tại Hà Nội, ngày 21/12, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế có nhận được thông tin ban đầu về vụ việc 20 người được điều trị tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang với các biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nghi ngộ độc thực phẩm sau khi dự một hội nghị và ăn uống có khoảng 80 người tham dự.
Trong đó, 2 trường hợp đã tử vong ngoại viện chưa rõ nguyên nhân, nghi ngờ bị ngộ độc. Một bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang. Kết quả chẩn đoán lâm sàng của bệnh nhân có toan chuyển hóa nặng, ngộ độc chưa rõ nguyên nhân nhưng xét nghiệm thấy nồng độ methanol trong máu là 2,7mg/dL.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong vụ việc trên có 20 người vào viện điều trị. Trong đó, 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang là ông Nguyễn Văn T. (52 tuổi, quê tỉnh Nghệ An). Bệnh nhân vào viện 20h30’ ngày 19/12/2024 trong tình trạng kích thích vật vã, vân tím toàn thân. Bệnh nhân được chẩn đoán toan chuyển hóa, ngộ độc chưa rõ nguyên nhân/bệnh nhân đái tháo đường. Kết quả xét nghiệm nồng độ methanol trong máu là 2,7mg/dL. Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vận động bình thường.
Tại Bệnh viện Bạch Mai có 18 người bệnh nhân được đưa vào cấp cứu. Trong đó, 4 bệnh nhân đã xuất viện. 14 bệnh nhân đang điều trị được chẩn đoán có hội chứng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc - toan chuyển hóa tăng lactate. Trong đó, 5 người trong tình trạng nặng, hiện đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.
Kết quả xét nghiệm mẫu máu các bệnh nhân cho thấy có acetonitrile và cyanid, hàm lượng methanol thấp hoặc âm tính, kết hợp với bệnh cảnh của các bệnh nhân nhận định ngộ độc acetonitrile (acetonitrile khi vào cơ thể có thể chuyển hoá chậm thành cyanid gây ngộ độc với biểu hiện sau uống nhiều giờ).
Ngoài ra, 1 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn với chẩn đoán rối loạn tiêu hóa. Hiện tại tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vận động bình thường.
Theo kết luận của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, nguyên nhân vụ việc trên là do ngộ độc hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng do Công ty TNHH MTV NBC Pacific mang đến.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, ngộ độc rượu methanol là vấn đề không mới và cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu các vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra.
“Chúng ta cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu. Tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống; không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác. Cùng với đó, cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là những cơ sở nhỏ lẻ, nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường”, ông Vũ Cao Cương nhấn mạnh.
Có thể thấy, rượu không rõ nguồn gốc đang là vấn đề nhức nhối không chỉ với sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của xã hội. Việc nâng cao nhận thức và siết chặt quản lý trong việc sản xuất và tiêu thụ rượu là nhiệm vụ cấp bách, cần sự vào cuộc quyết liệt từ cả chính quyền, các cơ quan chức năng và cộng đồng. Chỉ khi đó, người tiêu dùng mới có thể an tâm sử dụng những sản phẩm rượu an toàn, không lo bị rơi vào cái bẫy của những sản phẩm kém chất lượng.