Nơi biên giới có vườn địa đàng

Thứ Hai, 18/03/2024, 11:45

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.

Trong ngôi làng mây trắng

Mênh mang phía biên giới triền Tây xứ Quảng, thi thoảng những đoàn người ít ỏi lặn lội tìm đường vào đây như tìm về chốn thiên đường, nơi chỉ có mây chạm tay, nơi đêm và ngày tiếng suối Mơ Rooy róc rách trong hun hút như muốn nuốt chửng cả rừng già, nơi kí cách tiếng chày giã lúa lấy gạo thổi cơm đãi khách, hay tiếng ì oạp của trai gái lội suối bắt cá.

Già làng A Lăng Reng như cây đại thụ của làng, nhưng lại gần gũi và chan hòa như người cha già của hơn 100 nhân khẩu nơi đây. Như lạ mà như quen, già A Lăng Reng vẫy từng người vào ngôi nhà gươl lớn nhất giữa làng, xung quanh là những ngôi nhà của người dân quây quần lại trên khoảnh đất bằng phẳng như bầy gà con quây quần bên mẹ.

Nơi biên giới có vườn địa đàng -0
Aur là ngôi làng thiên đường nằm biệt lập giữa vùng mây trắng.

Aur là ngôi làng nằm cheo leo trên dãy núi có độ cao hơn 1.000 m, thuộc địa phận xã A Vương (huyện Tây Giang, Quảng Nam). Aur là một trong những nơi có người sinh sống cách trở và khó khăn nhất ở vùng rừng núi Quảng Nam. Nhiều người lần đầu đến đây đã không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp một ngôi làng tách biệt hoàn toàn với cuộc sống hiện đại. Ở đây không có chợ, không có trạm y tế, không có sóng điện thoại, không có điện lưới quốc gia, không có đường giao thông cho phương tiện đi lại. Con đường duy nhất để vào làng là đường mòn đi bộ gần 20 km qua những cánh đồng, lội qua những con suối ngày đêm nước chảy, băng qua những ngọn đồi quanh năm mây phủ...

Và, dường như, chính sự nguyên thủy bản thể ấy mà ngôi làng đặc biệt này có lẽ là nơi duy nhất của Quảng Nam còn lưu lại những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của làng xã Cơ Tu. ở đó chứa đựng những giá trị chân - thiện - mỹ, những định nghĩa riêng về giá trị của hạnh phúc. Và, đặt biệt, những quy định, tập tục của làng đã biến nơi đây thành một vùng đất xinh đẹp được ví như thiên đường giữa đại ngàn Trường Sơn.

A Lăng Eo, một người làng Aur bắt tay từng người trong chuyến ngược miền thượng này. Cái cười hiền lành và chan hòa giúp từng người xua tan đi cái lạnh và bớt phần xa lạ. “Thi thoảng vẫn có những đoàn du lịch hay đoàn thiện nguyện lên đây, người làng đều coi đó là ngày hội”, A Lăng Eo với chất giọng ấm nhưng chưa chuẩn tiếng phổ thông bộc bạch như thế. Như cái cách của A Lăng Eo, vì ngôi làng nằm biệt lập giữa núi thẳm rừng sâu, nên sự giao tiếp với người bên ngoài khá ít ỏi và giao tiếp với người dưới xuôi cũng rất họa hoằn. A Lăng Eo cũng như nhiều người trẻ ở làng đã thấm cái cốt cách của cha ông bao đời nơi núi thẳm này, nhuần nhị với tự nhiên và nhiệt thành như người thân đi xa lâu ngày gặp lại.

Chỉ một thoáng, A Lăng Eo mất hút trong những ngôi nhà nhỏ rồi mang theo bầu rượu r’lang (rượu sắn hoặc khoai chưng cất trộn với mật ong) cùng hai ống thịt. A Lăng Eo cùng già A Lăng Reng tỉ mẩn rót từng chén rượu nhỏ, lóc từng miếng thịt ống tre đưa cho mọi người. “uống đi, ăn đi cho ưng cái bụng của người làng!”, A Lăng Eo cùng già A Lăng Reng cần mẫn với từng người như thế. Từng đặt chân đến nhiều bản làng vùng cao hay biên giới, lòng hiếu khách của người làng vốn đã chẳng phải là chuyện lạ. Nhưng, ở Aur, người làng đón khách bằng tất cả sự hồn hậu, vô tư trong nghèo khó của mình như thế.

Nơi biên giới có vườn địa đàng -0
Giao thông cách trở đang là khó khăn lớn nhất với người làng.

Chiều sương giăng trên đỉnh núi, thấp thoáng trong nắng hoàng hôn là những đụn khói lam bốc lên từ những mái nhà gỗ cùng tiếng chày giã gạo kí cách vào những chiếc cối gỗ và thanh âm của suối hòa reo đẹp như một bức tranh thủy mặc. Những đứa trẻ chơi quanh sân chung của làng trong khi những người phụ nữ bưng ra những khay nhỏ hướng về phía nhà cộng đồng. Trên khay có khi là bát cơm rẫy được trồng gần làng, có khi là con cá suối nướng, con gà luộc, miếng thịt heo gác bếp đẫm ớt. Chỉ thoáng chốc, bữa cơm chiều được dọn ra và những người khách lạ choáng ngợp bởi cơ man những đồ ăn thức uống, cùng tiếng mời chào của người làng. Hình như, chẳng có nơi nào hay bản làng nào có tục “nuôi chung khách” như thế này.

A Lăng Eo cùng già A lăng Reng kiên nhẫn giải thích rằng, người làng làm chung ăn chung và tiếp khách chung như thế bao đời qua. Khách đến, cả làng sẽ góp mỗi nhà bát cơm, chén rượu, con cá nướng... nhà nào có đồ ăn thức uống gì sẽ mang tới để cùng đãi khách, cùng trò chuyện và cùng ca hát đến no say. Dường như, giữa bộn bề của văn minh ngoài kia, giữa những xô lệch văn hóa ngày càng rõ nét, Aur và người làng vẫn còn giữ lại những gì thuần chất nhất của mình. Cùng chung nuôi khách, giữa bản làng ở tận cùng mây này dẫu đạm bạc nhưng cứ ân cần, thân thiết như người trong gia đình, dù chỉ là lần đầu gặp gỡ.

Người Aur nuôi khách không chỉ một bữa, mà nuôi chung đến khi nào khách rời bước khỏi làng mới thôi. Khách ở một bữa, nuôi chung một bữa, ở mười bữa cũng nuôi chung mười bữa. Già A Lăng Reng chỉ ra khoảnh lúa nước rộng gần 2 ha xa xa bên hông làng mỗi năm thu hoạch cũng chừng 30-40 bao lúa, làng có khoảng 20 con trâu, bò vài trăm con gà, vài chục con heo. Đó được xem là tài sản chung của làng, khi có việc có thể cúng tế, nuôi khách và chia nhau cùng hưởng. “Làng Aur chúng tôi giữ được sự gắn kết, cùng chia sẻ vui buồn khi ăn chung. Với Aur, bình yên là điều quan trọng nhất”, già A Lăng Reng hấp háy mắt cười như đựng chứa muôn sự tự hào trong đó.

Giữ gìn trong cách trở

Đêm miên man trong hơi rượu r’lang, trong tiếng cười tiếng nói chuyện và tình cảm nồng nhiệt. Nhưng, sự khốn khó đúng là vẫn hiện hữu nơi này. Ánh sáng mờ ảo của những chiếc bóng điện năng lượng mặt trời không đủ để xua tan đi cái chênh vênh của ngôi làng thiên đường này. Như hiểu tâm sự của chúng tôi, già A Lăng Reng cùng mấy người già vừa rót rượu, vừa chậm rãi bộc bạch. Già Reng bảo thôn Aur nghèo nhất huyện, cái chữ hầu hết với đồng bào vẫn còn là điều xa lạ, bởi gần 70% người dân không biết chữ. Trường lớp cho lũ trẻ cách làng cũng khá xa, nên trẻ đi học sẽ ở luôn ngoài đó, cuối tuần mới về làng. Đó là ngăn trở lớn nhất của Aur. Với 21 hộ dân, đời sống tự cung tự cấp nên cũng thiếu thốn trăm bề, cái thuốc, cái điện cũng thiếu. Lương thực, thực phẩm không thiếu nhưng cũng chẳng có dư để bán đổi với bên ngoài, mà có dư thì việc vượt gần 20 km đường mòn ra bên ngoài bán cũng là cả một vấn đề.

Nơi biên giới có vườn địa đàng -0
Người làng Aur vẫn giữ được nguyên bản nét văn hóa của dân tộc mình.

Như tự trăm năm, người Aur vẫn sống nhờ rừng và tôn thờ rừng, họ miệt mài như những con ong, hiền hậu như cây như lá, tinh khiết như dòng suối Mơ Rooy và kiên cường như cổ thụ đất này. Rừng nuôi họ bằng mật ong, bằng sắn, bằng những rẫy gừng, rằng rau rừng và cá suối. Họ sống chan hòa với rừng, lấy vừa đủ để ăn, làm đủ để mùa đông không thiếu lương thực. Nhưng, cũng phải làm cái điện, có sóng điện thoại để trao đổi với bên ngoài, có những vật dụng hiện đại như tivi để học hỏi cách làm ăn cho thôi khốn khó, hay chí ít cũng cho đời sống lũ trẻ được tốt hơn chứ! Tôi bộc bạch nỗi lòng của mình, rằng như thế như thế sẽ giúp người làng tốt hơn, tương lai sẽ sáng tươi hơn như nhiều bản làng khác.

“Hiện đại rồi có giữ được Aur như bây giờ không?”, câu hỏi trong miên man thăm thẳm của già Reng, cũng là nỗi trăn trở của nhiều người làng. Già Reng, cũng như nhiều người già khác trong làng đau đáu với điều đó cũng phải. “Làng khác tuy phát triển nhưng nhiều cái xấu cũng theo về. người làng không còn như xưa nữa. Lo lắm!”, người đàn ông tên A Lăng Lép thẽ thọt nói khi chiêu nốt ngụm rượu trong chiếc chén nhỏ của mình. Nhiều thứ tiện nghi đều có thể có mặt ở góc núi này, thay cho yên vắng của những ngày tháng cũ. Nhưng, hệ lụy một cuộc “đổ bộ” của văn minh, tất nhiên, là thứ “văn minh” rộn ràng, thậm chí mang hơi hướng ồn ào của máy hát, của xe cộ, của điện thoại thông minh, loa kẹo kéo... người Aur có quyền thụ hưởng bằng chính nhu cầu rất thật của mình. Nhưng, liệu có giữ được một Aur thuần khiết như bây giờ nữa không? Mà biết đâu, phát triển đôi lúc lại mang đến những mất mát mơ hồ.

Biệt lập giữa vùng mây trắng với nhiều cái “không”, Aur tất nhiên không phải bị bỏ mặc mà luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Aur trở thành địa chỉ quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương. Bất cứ chương trình hỗ trợ nào thì UBND xã A Vương hay huyện Tây Giang cũng đều ưu ái dành phần hơn. Đã có nhiều chương trình, dự án giúp người dân “vào cuộc”, như việc năm 2011, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã triển khai dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam” với sự tài trợ của Chính phủ Luxembourg giúp người dân cùng làm du lịch bền vững. Hay, năm 2023, Huyện đoàn Tây Giang đã huy động gần 100 thanh niên của 10 xã làm mới hơn 7 km đường và làm 4 cây cầu tạm từ thôn A Réc (xã A Vương) vào Aur. Nhưng, sau nhiều cân nhắc, lo ngại phá vỡ không gian tự nhiên “quý hiếm” của làng, chỉ mở 2/3 đường về Aur, đoạn còn lại vẫn để như lâu nay, giúp không gian sống cộng đồng không bị phá vỡ.

Nơi biên giới có vườn địa đàng -0
Những phụ nữ bưng thức ăn tới để nuôi chung khách.

Sự tách biệt của ngôi làng vốn ngày xưa từng dính chặt vào rừng như ký thác số phận, như nương náu và gửi trao lấy sự sinh tồn ấy bây giờ đang là một điểm sáng về du lịch trải nghiệm. Vài năm trở lại đây, giới “phượt thủ” mê Aur không khác gì điểm du lịch nổi tiếng. Những gì vốn có của Aur ấy có đủ sức đề kháng trước những biến động của cuộc phát triển. Giữ cho Aur vẹn nguyên như muôn thuở, là cái khó của địa phương. Và, bài toán vừa giữ được văn hóa Aur, vừa giúp người dân nơi này cũng đang khiến các cấp chính quyền trăn trở.

Lúc rời làng, Aur sợ khách đói khát dọc đường, thương khách như thương chính con em mình nên nấu xôi sắn gói vào lá chuối hoặc ống nứa. Mấy mẹ trong làng còn nấu thêm ấm nước lá để khách mang theo uống. Người làng đang gắng giữ cho Aur một không gian thuần khiết nhất của văn hóa bao đời. Chỉ mong, Aur vẫn cứ mạnh mẽ những gìn giữ giữa ngăn trở ấy, để ngôi làng duy nhất ấy còn giữ được nguyên hình hài, giữ được nếp sống và cả sự xinh đẹp ban sơ của mình, mặc cho ngoài kia, cuộc sống rùng rùng biến động.

Tiêu Dao
.
.
.