Mùa xuân em đi lái tàu
Phạm Thị Thu Thảo xuất hiện trước mắt tôi, nhỏ nhắn nhưng luôn tươi tắn và tràn đầy năng lượng. Cho đến bây giờ, Thảo vẫn ngỡ ngàng trước sự “sang trang” của cuộc đời mình, khi trở thành nữ lái tàu đầu tiên của tuyến Metro số 1- Tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên của TP Hồ Chí Minh.
“Bóng hồng” trong khoang lái
Tháng Chạp, mọi thứ đang trôi dần về cuối, nhịp sống phố phường dường như cũng hối hả hơn cho kịp đón sắc xuân đang tràn ngập khắp nơi. Phạm Thị Thu Thảo luôn cười, cô vẫn đang rất hạnh phúc cho sứ mệnh phía trước của cuộc đời mình. Vốn là phụ nữ của gia đình, ngày ngày chăm chút cho tổ ấm nhỏ, Thảo chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành lái tàu khi xe ôtô còn chưa biết sử dụng. Khi ấy, Thảo là cô giáo mầm non, đang theo học văn bằng 2 để tìm sự phát triển trong ngành giáo dục. Một ngày đẹp trời, cô mở điện thoại ra đọc báo, vô tình thấy dòng tin tuyển dụng lái tàu của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh.
Không suy nghĩ nhiều, cô quyết định đăng ký thi tuyển. Đó không hẳn là một lựa chọn vội vã, mà xuất phát từ niềm yêu thích con tàu của Thảo, nó đã âm ỉ từ lâu trong trái tim của cô, để rồi cơ hội đến, tình yêu ấy đơm bông. Ngày nhận tin trúng tuyển, Thảo sung sướng lâng lâng, hạnh phúc dâng trào, niềm vui không thể diễn tả. Chọn nghề lái tàu cho bước đường tương lai của mình, Thảo nhận thức rõ sự vất vả, thiệt thòi khi bản thân là phụ nữ. Nghề đòi hỏi phải đi sớm về khuya, cường độ lao động cao...Thảo xác định và không hề hối tiếc. Cô cũng không hề gặp phải cản trở nào từ phía chồng và nhà chồng. Cả gia đình tôn trọng quyết định của Thảo. Cha mẹ chồng sẽ hỗ trợ đưa đón, chăm sóc hai con trai của Thảo để cô toàn tâm toàn ý theo đuổi sự nghiệp lái tàu.
Tháng 7/2020, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng lớp đào tạo lái tàu cho tuyến Metro số 1. Điều đặc biệt là trong số 58 học viên trúng tuyển vào lớp Trung cấp lái tàu của trường Cao đẳng đường sắt, chỉ có duy nhất một người là nữ, đó là Phạm Thị Thu Thảo (sinh năm 1987). Ngày đầu bước chân vào lớp, Thảo có chút ngại ngùng, nhưng chỉ ít ngày sau, cảm giác ấy dần tan biến khi cô hiểu hơn về trách nhiệm của một lái tàu. Thảo hiểu rằng, ở đây, không có sự phân biệt nam nữ, trọng trách của người lái tàu là bình đẳng, vận mệnh hành khách trên cánh tay mỗi người là như nhau. Thảo đã ra sức học tập, vươn lên mạnh mẽ, được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp trưởng.
So với cánh mày râu, Thảo không hề kém cạnh, cô đáp ứng đầy đủ về trình độ chuyên môn, sức khỏe với nhiều tiêu chí khắt khe của một lái tàu trên cao trong đô thị lớn. Thảo cùng các học viên trải qua nhiều khóa học về công nghệ, cách thức điều khiển, cùng rất nhiều kiến thức chuyên sâu khác của ngành tàu hiện đại. Học về kỹ thuật lái tàu hiện đại đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ. Ngoài chăm chỉ, người lái tàu còn phải học về phản ứng với hành khách, cách thức xử lý sự cố trên đường ray.
Theo ngành Sư phạm đã lâu, tiếp xúc chủ yếu với trẻ con, những kiến thức máy móc, kỹ thuật với Phạm Thị Thu Thảo dường như là con số 0. Tuy vậy, những trở ngại không phải là rào cản với người phụ nữ giàu đam mê và khát vọng này. Ngoài việc đều đặn tham gia khóa học trên lớp, mỗi buổi tối Thảo dành thời gian lên mạng mày mò tìm hiểu thêm kiến thức về kỹ thuật, tra cứu những thuật ngữ lạ lẫm, ghi nhớ mọi thứ trong đầu.
Sau 15 tháng học lý thuyết, tháng 2/2023, lớp lái tàu của Phạm Thị Thu Thảo được ra Hà Nội học thực hành. Trên sách vở, tài liệu thì hăng say, nhưng đi vào thực tế lại khác. Cả lớp ai cũng rụt rè khi thầy giáo yêu cầu lên chạy thử. Cuối cùng, Thảo là người được các bạn đẩy lên, vì cô là lớp trưởng. Đó cũng là lần đầu tiên, Thảo được ngồi trên buồng lái, được tận tay điều khiển con tàu trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội. Hai tay của Thảo lạnh toát, toàn thân run lên vì áp lực trước một toa tàu to lớn, hiện đại và hoành tráng. Bên trong cabin của tàu Metro có nhiều thiết bị hiện đại, như màn hình điện tử, hệ thống loa, nút bấm điều khiển...Trực tiếp chạm vào các thiết bị điều khiển như một người lái tàu thực thụ, mỗi âm thanh chuyển động khi đoàn tàu lăn bánh là mỗi phút giây Thu Thảo vô cùng hồi hộp, lo lắng.
Con tàu từ từ chạy dưới bàn tay điều khiển của cô lái tàu, Thảo thả lỏng cơ thể, hít một hơi thật dài. Mọi thứ êm ái và trôi chảy, bất giác, lòng Thảo nhen lên niềm tự hào. Từ trên buồng lái, cô nhìn ngắm phố phường Hà Nội, những con đường đông đúc người và xe, những hàng quán bé xinh nô nức nhịp sống lao động. Hà Nội thật đẹp khi nhìn từ trên cao, dưới lăng kính toa tàu. Đêm về, Thảo vẫn không thôi mường tượng đến một ngày không xa, khi tuyến đường sắt Suối Tiên - Bến Thành đi vào hoạt động, cô sẽ được khoác trên mình tấm áo người lái tàu, được nhìn thấy đoàn khách đầu tiên bước lên, họ nhìn cô mỉm cười, vui mừng và trân trọng.
Nghĩ đến những điều phía trước, Thu Thảo ngày đêm học tập, tận tụy và nghiêm túc. Bởi cô biết rằng, kỹ thuật lái tàu hiện đại ở đô thị không cho phép tài xế mắc sai lầm, dù chỉ một lần trong đời. Trong buồng lái có nhiều thiết bị nút bấm, công tắc điều khiển và bảng điện tử dày đặc chấm xanh đỏ, nhưng Thu Thảo đã thông thuộc được tất cả nhiệm vụ của từng nút, vì cô thành thạo về lý thuyết, nắm vững cơ bản các thiết bị điều khiển trong buồng lái. Sau khóa kiểm tra kiến thức, Thu Thảo xuất sắc giành vị trí đứng đầu lớp.
Ước mơ trên cao
Là một trong 12 học viên ưu tú của lớp lái tàu, Thảo được chọn đi Nhật học tập kinh nghiệm vào tháng 9/2023. Đặt chân đến đất nước “mặt trời mọc”, Thu Thảo rất nể phục trước văn hóa đi tàu của người Nhật.
Người lái tàu niềm nở chia sẻ cho học viên Việt Nam những kinh nghiệm của bản thân, cùng quy tắc nghiêm ngặt trong buồng lái, trên đường ray. Cô nhận thấy, người Nhật nguyên tắc và văn minh, khi lên tàu điện, họ đều xếp thành hai hàng và không hề chen ngang. Khi tàu điện đến, những người lên tàu đứng nép vào hai bên nhường cho người trên tàu xuống hết mới lên.
Được trải nghiệm thực tế các chuyến tàu cao tốc, Thảo cảm nhận những con tàu luôn đông đúc, đông đến nỗi giống như một cái hộp nhồi nhét đầy người. Đứng ở trong đó, tưởng như mình có thể bị chen lấn đến không thở nổi, nhưng đó dường như là chuyện bình thường ở Nhật, không ai tức giận hay có thái độ khó chịu cả. Tàu điện ở Nhật “cứng nhắc” y như người Nhật về cách bảo đảm giờ giấc luôn chính xác ở mức độ cao nhất. Tàu chỉ bị chậm trễ hoặc đình trệ trong trường hợp bất thường xảy ra và trong các trường hợp đó, nhân viên nhà ga sẽ luôn phát thanh xin lỗi hành khách. Một lần nữa, Thảo phải thốt lên sự thán phục dành cho người Nhật.
Thảo học được rất nhiều điều bổ ích từ chuyến đi Nhật Bản. Ở đó, cô cảm thấy trọng trách của người lái tàu vừa nặng nề lại vừa vinh quang, lắm vất vả nhưng cũng đầy tự hào khi mang trên đôi tay, khối óc sinh mệnh của bao con người. Chuyến đi còn giúp Thảo nhận ra, phía sau tay lái của mình không chỉ có những dòng kênh xanh mướt uốn lượn quanh khu đô thị sầm uất hay len lỏi giữa những tòa nhà cao tầng của khu trung tâm thành phố, mà trong lòng con tàu đường sắt trên cao là những cuộc đời đang hối hả mưu sinh chốn thị thành, bao ước mơ gửi gắm.
Những lần ngồi tàu Metro ở khoang hành khách khi tàu chạy thử trên tuyến Bến Thành - Suối Tiên, Thu Thảo say đắm ngắm nhìn mỗi góc phố, bến sông, những dãy nhà cao tầng…Đó là hình ảnh quen thuộc mỗi ngày, nhưng khi nhìn nó từ trên cao, cảm giác vô cùng thích thú. Cô đặc biệt ấn tượng với đoạn đường sắt qua nhà ga Ba Son ôm cua một vòng đi đến ga Văn Thánh. Nhịp sống của thành phố năng động khi đó mở ra trước mắt một bên là bờ sông Sài Gòn với cây cầu biểu tượng, một bên là những tòa cao ốc cùng xe cộ tấp nập trên đường. Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có vai trò rất quan trọng, là tuyến bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn từ trung tâm thành phố đến cửa ngõ Đông Bắc của thành phố. Khi đưa vào khai thác, ngoài việc phục vụ cho sự phát triển chung của thành phố về phía Đông, dự án còn kết nối với Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, các khu dân cư, đô thị mới và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
“Những ngày đi thực hành ngồi tàu như thế, tôi vẫn hay mơ về một ngày mình được cầm lái con tàu ở trên cao, chở hành khách thân yêu của mình, xua đi những nỗi nhớ đợi tàu của người dân thành phố suốt mấy chục năm qua. Tôi nhớ như in hình ảnh những gương mặt phấn chấn của hành khách khi được trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị Metro trong những lần chạy thử. Với họ, đó không chỉ là sự thích thú khi trải nghiệm chuyến đi, mà còn là niềm hạnh phúc về một sự đổi thay, một diện mạo mới cho giao thông của thành phố”, Thu Thảo chia sẻ.
Thành phố đã chào mùa xuân mới, Thu Thảo cùng các đồng nghiệp của mình vẫn đang học tập và rèn luyện không ngơi nghỉ, họ đang rất háo hức khoác trên mình bộ đồng phục người lái tàu, sẵn sàng cho chuyến vận hành đầu tiên trong năm 2024.