Khi Karaoke đội lốt music box

Thứ Hai, 12/08/2024, 20:22

Sau hàng loạt thảm họa cháy nổ, kinh doanh karaoke được siết chặt nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia. Thế nhưng, rượu cũ bình mới, nhiều quán tổ chức cho hát karaoke đội lột music box, phòng thu âm giải trí lại nở rộ, thu hút nhiều khách hàng trẻ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và gây khó khăn trong công tác quản lý.

Karaoke biến tướng

Không chỉ núp bóng dưới hình thức quán cà phê, quán ăn, dịch vụ karaoke hiện nay đã núp bóng vỏ bọc music box, được quảng cáo công khai trên các nền tảng mạng xã hội. Music Box (hộp nhạc) ban đầu là dạng phòng hát mini cách âm với diện tích khoảng 3m2 - 5m2, cao hơn 2m, có sức chứa từ 2-10 người, được trang bị đầy đủ thiết bị cơ bản bao gồm loa, amply, micro, ghế ngồi và màn hình cảm ứng kết nối mạng Internet. Mô hình kinh doanh này phát triển mạnh ở Hàn Quốc và mới nở rộ ở Việt Nam trong khoảng 2-3 năm trở lại đây.

Khi Karaoke đội lốt music box -0
Với đầy đủ thiết bị cơ bản phục vụ việc hát, một phòng music box dành cho 2-4 người rộng chưa đến 5m2 .

Có 3 loại phòng dịch vụ music box chủ yếu, bao gồm phòng dành cho 2-4 người, phòng dành cho 4-6 người và phòng cho 6-10 khách hát. Tùy vào số lượng người hát, nhân viên sẽ bố trí vào từng hạng phòng. Vào khung giờ tối muộn, nhóm hát càng đông thì giá càng cao. Trong khoảng từ 18 giờ đến đêm, phòng hát cho 2- 4 người có giá 60.000-90.000 đồng/giờ, trong khi đó phòng hát cho 6-10 người có giá 100.000-120.000 đồng/giờ.

Theo ghi nhận thực tế, quán karaoke biến tướng music box là tổ hợp gồm 10-14 phòng hát, có một cầu thang đi lên và không có lối thoát hiểm. Điểm chung của các cơ sở music box là các phòng nhỏ được thiết kế sát nhau, lối đi chật hẹp và mỗi phòng có hệ thống cách âm đơn giản. Các phòng này được dựng lên từ các khung kim loại, được gia cố thêm bằng các thanh gỗ, tường được bọc lớp xốp và giấy đơn giản. Theo phản ánh của nhiều khách hàng đã sử dụng dịch vụ music box, phòng bé tẹo, có mùi khó chịu, bí bách, cách âm kém, nhiều quán không lắp đặt điều hòa, người trong phòng bị cay mắt vì sơn và bụi mịn.

Trước đây, karaoke box chủ yếu xuất hiện ở các trung tâm thương mại, rộng khoảng 1,5-2m2, cao hơn 2m, trong đó được lắp đặt các thiết bị như dàn âm thanh, mic, màn hình cảm ứng kết nối mạng Internet và ghế ngồi. Muốn sử dụng máy, khách mua xu thả vào đó hoặc đặt tiền mặt. Nhưng đến nay, mô hình này đã phát triển thành các quán karaoke mini (music box), tập trung ở các khu vực đông sinh viên như quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông… trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và một số thành phố khác. Các cơ sở này thường mở cửa từ 9h30 đến đêm, thậm chí, nhiều nơi hoạt động đến 1- 2 giờ sáng. Từ chập tối, nhất là dịp cuối tuần, lượng khách đến hát tấp nập, chủ yếu là học sinh, sinh viên và khách hàng dưới 35 tuổi. Nhân viên của một quán Music Box ở Cầu Giấy cho biết, lượng khách hát vào buổi tối rất đông, muốn hát vào khung giờ này, khách nên đặt phòng trước để không phải xếp hàng chờ lâu.

Khi Karaoke đội lốt music box -0
Các phòng hát music box được thiết kế sát nhau với một lối đi chật hẹp.

Nhận thấy nhu cầu thị trường tăng cao, nhiều quán mở thêm các cơ sở. Riêng ở Hà Nội, quán Music Recording Box có ba cơ sở ở Cầu Giấy, Mai Dịch và Giải Phóng. Không quảng cáo công khai dịch vụ karaoke, hầu hết mô hình kinh doanh này đều đề tên Music box/Music Recording Box kèm tên thương hiệu. Trên các kênh mạng xã hội quảng cáo dịch vụ này, có nhiều bình luận cho hay, nếu không biết trước trên mạng thì họ sẽ không biết là quán gì khi gặp trên đường đi.

Theo ghi nhận thực tế ở Cầu Giấy (Hà Nội), quán NovaX Music Box cung cấp dịch vụ chẳng khác gì karaoke nhưng trong bản nội quy của quán này lại đề là phòng studio thu âm giải trí. Ở số 19 ngõ 68 Cầu Giấy, đề biển là Coffee Music Box với chữ S được viết phá cách, nhưng bên trong cơ sở này là dịch vụ karaoke mini gồm 10 phòng hát. Tại số 191 phố Quan Hoa, quán Recording Studio Sky Box (tạm hiểu là phòng thu âm Sky Box) mới mở từ đầu năm 2024 nhưng thực chất là cung cấp dịch vụ karaoke với các hạng phòng cho từng nhóm khách. Khi phóng viên thắc mắc sự sai lệch giữa tên cơ sở và dịch vụ được cung cấp, nhân viên quản lý quán này cho biết, hiện quán chỉ đơn thuần làm dịch vụ hát, chưa lắp đặt các thiết bị để thu âm.

Mạng xã hội chính là nơi để các music box đăng bài quảng cáo để tìm kiếm khách hàng. Trên nền tảng TikTok, Facebook, hình ảnh đăng tải chẳng khác gì dịch vụ karaoke, nhưng nội dung bài đăng đã khéo léo tạo vỏ bọc là phòng thu nhạc: “Ở đây có các dạng phòng thu, sức chứa không quá 6 người rất phù hợp với các nhóm học sinh, sinh viên, kể cả người đi làm cũng ham hố chẳng kém. Không gian quán được trang trí sắc màu, có đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị âm thanh cũng như công cụ hỗ trợ khách hàng có thể nghe nhạc, hát, thu âm và kết nối tải bản thu về máy để lưu giữ kỷ niệm”.

Tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định 54/2019/NĐ-CP, karaoke là dịch vụ cung cấp âm thanh, ánh sáng, nhạc, lời bài hát và hình ảnh thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) phục vụ cho hoạt động ca hát tại các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke. Điều 4 của Nghị định này đã ghi rõ, điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke bao gồm: là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ). Theo Điều 6, Điều 7 Nghị định 54/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm d khoản 2 Điều 31 Nghị định 144/2020/NĐ-CP, cơ sở karaoke không được hoạt động từ 0 giờ sáng đến 8 giờ sáng. Từ văn bản pháp luật đã được ban hành, có thể thấy rõ mô hình music box hiện đang hoạt động giống hệt kinh doanh karaoke, nhưng không tuân theo quy định.

Khi Karaoke đội lốt music box -0
Dịch vụ music box được quảng cáo công khai trên các mạng xã hội.

Đối với các quán karaoke sang trọng, đủ điều kiện hoạt động thì chủ kinh doanh sẽ phải bỏ ra khoản đầu tư ban đầu lớn với đối tượng khách hàng chủ yếu là những người có thu nhập cao. Nhưng với mô hình kinh doanh music box, mức chi phí đầu tư thấp hơn nhiều, giúp chủ đầu tư nhanh chóng thu hồi vốn, có tệp khách hàng đa dạng, đặc biệt là đem lại nguồn lợi nhuận cao. Lý giải sự nở rộ music box dưới góc độ pháp lý, theo nhiều chuyên gia, music box chính là cách thức để các chủ đầu tư kinh doanh dịch vụ karaoke lách luật, ngầm hoạt động.

Được trang trí bằng hệ thống đèn LED rực rỡ sắc màu mang phong cách nước ngoài và tích hợp nhiều thú vui giải trí như ném phi tiêu trúng thưởng, gắp thú bông, chơi bi-a mini, music box trở thành địa điểm tụ tập giá rẻ xuyên đêm của giới trẻ. Mô hình kinh doanh này cung cấp thêm dịch vụ đồ ăn uống và nhiều phụ kiện dùng miễn phí như xúc xắc đệm nhạc, bờm, kính để khách thỏa sức check-in sống ảo và “quẩy” cùng âm nhạc. 

Giải trí nhưng cần đảm bảo an toàn

Theo quan điểm của đa phần người trẻ, music box là mô hình dịch vụ lành mạnh, giá thành hợp lý cho học sinh, sinh viên, hát hò nhảy múa với bạn bè vừa vui vừa xả stress. Nhiều khách ruột của music box bày tỏ, karaoke quán to thì nhiều thành phần phức tạp, chưa kể giá thành cao với nhóm 1-2 người, thế nên nếu chỉ muốn ca hát với nhóm bạn ít người thì lựa chọn music box là phù hợp và quan điểm của đa phần những người được hỏi đều cho là cần có cơ chế quản lý thay vì ngăn cấm.

Khi Karaoke đội lốt music box -0
Với chi phí rẻ và có nhiều thú vui chơi, music box là địa điểm tụ tập yêu thích của giới trẻ hiện nay.

Chỉ có điều, theo ghi nhận của phóng viên, tuy là địa điểm vui chơi giải trí của đông đảo người trẻ, nhưng phần lớn các music box hiện nay không đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Theo ghi nhận thực tế tại 191 phố Quan Hoa, tên quán là Recording Studio Sky Box, 10 phòng hát, không lối thoát hiểm, 5 bình cứu hỏa được xếp gọn ở lối đi tầng 2 mà không được bố trí ở các phòng hát, rõ ràng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho khách hàng sử dụng dịch vụ và người dân xung quanh. Nhiều người bày tỏ quan ngại về nguy cơ hỏa hoạn cháy nổ khi đến music box.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Vũ Thị Mỵ, Giám đốc Công ty Luật TNHH PILAW, cho biết: “Các quán karaoke đội lốt music box, phòng thu âm thường hoạt động không đúng với ngành nghề đăng ký trong giấy phép. Các cơ sở này có thể đăng ký kinh doanh quán cà phê, giải khát, hoạt động thu âm, sản xuất âm nhạc… nhưng tất cả chỉ là vỏ bọc để kinh doanh karaoke trá hình. Mặt khác, nhiều music box không được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy dẫn tới các vi phạm về an toàn phòng chống cháy nổ”.

Theo luật sư Vũ Thị Mỵ, karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Nhưng các quán karaoke mini, hay còn gọi là music box hiện không thuộc diện loại hình kinh doanh có điều kiện như các quán karaoke thông thường nên việc quản lý phòng cháy chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Cho nên, việc xử lý còn nhiều bất cập vì hiện vẫn chưa có hướng dẫn và chế tài xử phạt cụ thể với loại hình kinh doanh này. Tuy nhiên nếu có hậu quả xảy ra thì tuỳ tính chất mức độ có thể dẫn đến bị xử lý như: xử phạt hành chính, bồi thường dân sự hoặc xử lý hình sự.

Hiểm họa hàng đầu từ việc kinh doanh dịch vụ music box hiện nay chính là cháy nổ. Ở góc độ giải pháp, theo luật sư Mỵ, không thể cấm hẳn music box mà các cơ quan chức năng, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn để sớm ban hành văn bản pháp luật quy định cụ thể về hoạt động dịch vụ này.

Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng đã có liên hệ với các ngành chức năng và chính quyền địa phương nơi các music box được nhắc đến trong bài đang tồn tại, tuy nhiên, đều nhận được câu trả lời “hẹn dịp khác”. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài viết khác.

Hà Nguyễn

.
.