Khi các chú Công an cùng em đến trường

Thứ Tư, 08/01/2025, 18:28

Nghệ An là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong trường học” và được lan tỏa mạnh mẽ trong các trường học trên toàn tỉnh, nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ nhà trường, phụ huynh, học sinh và các tầng lớp nhân dân.

Qua đó, mô hình không chỉ nâng cao nhận thức về pháp luật mà còn giúp học sinh phát triển các kỹ năng sống cần thiết, góp phần tạo dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và kỷ cương.

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật

Gần 2.000 em học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu III (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã thể hiện sự hào hứng và quan tâm đặc biệt tại buổi tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật với chủ đề “an toàn trên không gian mạng” do Công an huyện Quỳnh Lưu phối hợp với Huyện đoàn tổ chức vừa qua. Các em học sinh, giáo viên nhà trường được cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Quỳnh Lưu phổ biến những kiến thức cơ bản về Luật An ninh mạng, các hành vi vi phạm trên môi trường mạng và hình thức xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khi các chú công an cùng em đến trường -0
Mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An” đã triển khai xây dựng, nhân rộng tại 1.426/1.517 điểm trường.

Để tạo không khí sôi nổi, tăng hiệu quả, cán bộ công an huyện đã tương tác, đối thoại với học sinh bằng cách đưa ra câu hỏi, tình huống để các em trả lời. Từ đó nhận diện, ghi nhớ các hành vi lừa đảo trên không gian mạng và các mối nguy hại từ môi trường mạng như: nguy cơ bị kẻ xấu dụ dỗ lừa đảo, nguy cơ bị lợi dụng mua bán thông tin cá nhân qua các tài khoản ngân hàng, mạng xã hội TikTok, Zalo, Facebook...; nguy cơ bị bắt nạt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên môi trường mạng; nguy cơ bị xâm phạm quyền riêng tư, sử dụng trái phép thông tin cá nhân vào mục đích xấu; các trào lưu tiêu cực, các thông tin xấu, độc hại, vi phạm pháp luật. Qua đó, hướng dẫn các em học sinh quy tắc ứng xử văn hóa, tương tác lành mạnh và những kỹ năng phòng ngừa trên không gian mạng để tự bảo vệ bản thân mình, bạn bè và người thân, tránh để kẻ xấu lợi dụng. 

Tại buổi tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống, thông qua tổ chức phiên tòa giả định, Công an huyện Đô Lương và các đơn vị phối hợp đã mang đến những bài học thực tế sinh động cho hơn 1.700 học sinh Trường THPT Đô Lương 3 (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Phiên tòa được thực hiện với sự tham gia của các thành viên là đại diện TAND, VKSND huyện và giáo viên, học sinh của nhà trường theo đúng trình tự, thủ tục xét xử sơ thẩm hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự bao gồm: phần bắt đầu phiên tòa, phần xét hỏi, tranh luận và tuyên án. 

Khi các chú công an cùng em đến trường -0
Các em học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được Công an tỉnh Nghệ An hướng dẫn thực hành kỹ năng về phòng, chống cháy nổ.

Một trong những tình huống dựa trên vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi được đưa ra là câu chuyện của D.Đ.H, một học sinh tự tìm hiểu cách chế tạo pháo nổ qua mạng xã hội. Hành vi này đã bị lực lượng công an huyện phát hiện kịp thời, thu giữ các tang vật liên quan. D.Đ.H phải đối mặt với các hậu quả pháp lý nghiêm trọng khi công an huyện đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với D.Đ.H về tội sản xuất hàng cấm, với mức án lên đến 15 năm tù. 

Bằng kịch bản chặt chẽ, dễ hiểu cùng sự vào vai rất đạt các diễn viên không chuyên: thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, người làm chứng... không chỉ cảnh báo về việc tuân thủ pháp luật liên quan đến sản xuất, sử dụng và buôn bán pháo nổ mà còn giúp các em học sinh hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, tội danh, biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Thông qua phiên tòa giả định đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật, thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì các em sẽ nhớ đến hành vi vi phạm và cái giá phải trả của các bị cáo trong buổi xét xử, để từ đó tránh những vi phạm tương tự.

“Qua phiên tòa giả định này đã giúp chúng em có thêm những kiến thức bổ ích, hiểu rõ những hậu quả và hình phạt đối với người vi phạm pháp luật. Từ đó, chúng em sống, học tập và làm việc đều có ý thức chấp hành pháp luật và còn tuyên truyền những kiến thức về pháp luật thiết thực, ý nghĩa cho người thân”, em Nguyễn Thị Thùy Trang, lớp 11D1, Trường THPT Đô Lương 3 chia sẻ.

Thầy Thái Doãn Ân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 3 chia sẻ: “Từ tháng 3/2024, nhà trường phối hợp với công an huyện triển khai mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong trường học”. Có thể khẳng định rằng, từ khi ký kết, mô hình đi vào hoạt động, nhận thức của các em học sinh trong trường được nâng lên rõ rệt, gần như học sinh trong trường không có các vụ việc bạo lực học đường, vi phạm trên không gian mạng, việc giáo dục pháp luật về an toàn giao thông được thực hiện tốt. Trong năm 2024, trường có có 2 học sinh đạt giải ba và giải khuyến khích cấp quốc gia trong cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an để phát huy hiệu quả của mô hình”.

Một buổi tuyên truyền đầy ý nghĩa đã được tổ chức bởi Ban Thanh niên Công an tỉnh tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Hoạt động này nhằm trang bị kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho thầy cô và học sinh nhà trường. Tại buổi tuyên truyền, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Nghệ An chia sẻ những kiến thức về mối nguy hiểm tiềm ẩn của cháy, nổ trong cuộc sống thường ngày; tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức phòng cháy đối với mỗi người dân; cảnh báo về các nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra trong trường học cùng những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Đặc biệt, những câu hỏi giao lưu sôi nổi xoay quanh cách xử lý tình huống khi gặp sự cố cháy, nổ hay đuối nước đã khiến bầu không khí thêm phần hào hứng và hấp dẫn. Đồng thời, các em học sinh còn được hướng dẫn cụ thể cách xử lý tai nạn đuối nước, từ kỹ năng phòng tránh đến phương pháp sơ cứu nạn nhân. 

Khi các chú công an cùng em đến trường -0
Sau khi được lực lượng Công an tuyên truyền, đại diện các lớp ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật.

Lan tỏa sâu rộng

Nghệ An hiện có hơn 1.517 đơn vị trường học từ cấp mầm non đến THPT, với hơn 870 nghìn học sinh. Thời gian qua, an ninh trường học trên địa bàn được duy trì thường xuyên và có hiệu quả tích cực. Song, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng có nơi vẫn còn xảy ra một số vụ việc mất an ninh, trật tự, như các tội phạm liên quan đến ma túy, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, bạo lực học đường... đã tác động không nhỏ đến sự an ninh, an toàn trong các nhà trường cũng như công tác dạy và học trên địa bàn tỉnh. Nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, học sinh tiếp cận với internet, sử dụng mạng xã hội vốn có nhiều mặt trái. 

Vì vậy, để chủ động phòng ngừa và nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật, xây dựng môi trường an ninh, an toàn trong trường học, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, trang bị đầy đủ kiến thức, tạo “sức đề kháng”, nâng cao “hệ miễn dịch”, kỹ năng ứng phó với ngoại cảnh tác động đến cán bộ, giáo viên, học sinh trong các trường học trên địa bàn, tháng 3/2024, Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức xây dựng, triển khai mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học trên địa bàn tỉnh” tại 4 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS và THPT).

Nghệ An là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình này một cách tổng thể, toàn diện với nhiều giải pháp thiết thực, ý nghĩa, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. Qua hơn 8 tháng thực hiện, mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học” đã triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ nhà trường, phụ huynh, học sinh và các tầng lớp nhân dân, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở, từ cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã đến các ngành liên quan.

Hiện, toàn tỉnh đã tổ chức xây dựng, ra mắt và triển khai mô hình tại 1.255/1.517 trường học. 
Công an tỉnh chủ động nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa các chuyên đề về pháp luật, kỹ năng sống thành bộ “Cẩm nang cầm tay” xây dựng “Bộ hỏi đáp pháp luật, kỹ năng sống” với 1.000 câu để gửi, trao tặng các trường học phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục thường xuyên. Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thành sớm việc chỉ đạo xây dựng “Tủ sách pháp luật” tại 1.517/1.517 (đạt 100%) trường học; thành lập các câu lạc bộ “Học sinh với pháp luật”, câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật” tại 90/90 trường THPT, 21/21 trung tâm giáo dục từ xa - giáo dục nghề nghiệp, 286/389 trường THCS.

Khi các chú công an cùng em đến trường -0
Phiên tòa giả định xét xử vụ án sản xuất hàng cấm (pháo nổ) tại Trường THPT Đô Lương 3.

Nhờ đó, đã tạo đột phá, đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa về nội dung và phương pháp tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hơn nữa về ý thức chấp hành pháp luật và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh trong các trường học. Đồng thời, góp phần tổ chức hiệu quả, thực chất các chương trình, hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó, xử lý các tình huống nguy hiểm cho học sinh như: kỹ năng ứng phó với các hành vi vi phạm pháp luật; thực hành kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, kỹ năng phòng, chống đuối nước... Đặc biệt, tình trạng trẻ em tử vong đuối nước trên địa bàn Nghệ An được giảm sâu so với cùng kỳ năm 2023, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh giảm rõ rệt và ý thức chấp hành pháp luật của phụ huynh, học sinh được nâng cao hơn.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học” trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào cuối tháng 10/2024, Đại tá Trần Quý Trường - Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả của mô hình này. Những kết quả tích cực ban đầu là minh chứng rõ nét về hiệu quả của mô hình, tạo tiền đề để Bộ Công an nhân rộng trên toàn quốc.

Để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Đại tá Trần Quý Trường đề nghị các đơn vị triển khai mạnh mẽ và tiếp tục có những giải pháp mới, sáng tạo, góp phần xây dựng một thế hệ học sinh không chỉ vững vàng về kiến thức văn hóa mà còn được trang bị đầy đủ về kiến thức pháp luật và kỹ năng sống.

Phạm Thủy
.
.
.