Hồn cốt Tây Nguyên...
Thực tế, cây K’nia, chim Ch’rao, K’tia hay hoa Pơ lang, đàn T’rưng, voi rừng... không hẳn là những biểu tượng làm nên linh hồn của vùng đất Tây Nguyên kỳ vĩ. Có nhiều thứ, hoặc do tự nhiên định hình, hoặc do bàn tay, khối óc con người kỳ công kiến tạo, còn vĩ đại, tiêu biểu hơn thế!
Những con người tài hoa, thiện lành, mộc mạc cư ngụ nhiều đời trên miền đất này đã đẩy những thứ tưởng chừng tầm thường trở thành biểu tượng sinh động, mà khi nghe tới nó, người ta mặc định nghĩ ngay đến miền đất Tây Nguyên. Thi ca, nghệ thuật làm cho những điều bình dị trở thành hồn cốt thăng hoa và lan tỏa mãnh liệt. Thực ra, sử thi “Bài ca chàng Đam San”, văn hóa cồng chiêng, nhà rông... do các dân tộc thiểu số bản địa dày công kiến tạo mới thực sự là biểu tượng sinh động của miền đất cao nguyên phía Tây Tổ quốc.
Cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Đây là loại nhạc cụ truyền thống, ăn đời ở kiếp với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ta có thể ngẫu nhiên tìm thấy cồng chiêng khi lang thang trên miền đất này. Cư dân bản địa ở Tây Nguyên vẫn tin rằng, cồng chiêng gắn kết thực tại với quá khứ xa xưa, là ngôn ngữ của chốn trần tục với cõi tâm linh (các Yàng) và người quá cố... Vì thế, trong tất cả các sự kiện, nghi thức truyền thống, người ta có thể thêm thứ này, bớt thứ khác cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn nhưng nhất định không thể thiếu không gian văn hóa cồng chiêng.
Thật khó xác định cồng chiêng xuất hiện vào thời điểm nào. Tới nay, nhiều tài liệu nghiên cứu về không gian văn hóa cồng chiêng ở Tây Nguyên vẫn chưa thống nhất cách giải thích. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, cồng chiêng là sản phẩm tiếp nối của thời kỳ đàn đá, xuất hiện ngay khi nền văn minh kim khí khởi nguồn. Có điều khá thú vị, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là chủ nhân của không gian văn hóa cồng chiêng - kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, nhưng tạo ra sản phẩm cồng chiêng lại là các nghệ nhân người Kinh ở miền xuôi. Điều này khẳng định, từ xa xưa, giữa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã có sự trao đổi kinh tế, giao thoa văn hóa chặt chẽ với các dân tộc khác ở miền đồng bằng. Thời kỳ tiền mặt chưa xuất hiện, cồng chiêng chính là hàng hóa dùng để giao dịch, trao đổi hiện vật tương đương giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Giờ đây, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã có đủ mọi hình thức giải trí thông minh, tiện ích hơn nhiều. Vậy nhưng, mỗi khi tiếng cồng chiêng đâu đó cất lên, dòng máu nghệ thuật, cảm thụ âm thanh truyền thống trong mỗi người dân buôn gần, bản xa lại trỗi dậy mạnh mẽ. Mọi người coi tiếng cồng chiêng như lời vọng về của tổ tiên, cội nguồn. Mỗi khi tiếng chiêng đâu đó vang lên, họ đều kéo tới, đắm đuối lắng nghe và sẵn sàng tham gia, nhiệt tình hòa mình vào các vũ điệu hoang vu được bắt nhịp bởi tiếng chiêng rộn rã. Vì thế, với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mỗi khi tiếng chiêng ngân vang, người ta thường đánh mất ý tứ về quan niệm cấp bậc, giàu sang hay nghèo hèn. Mọi người đều bình đẳng, ai cũng có quyền được ăn chơi, uống rượu cần và thưởng thức cồng chiêng tùy ý. Trong không gian đó, họ ban phát cho nhau niềm vui, sự hưng phấn và cả những nỗi niềm, gắn trách nhiệm cá nhân với xây dựng cộng đồng hạnh phúc.
Với sử thi “Bài ca chàng Đam San” (Klei khan Y Dam San), một tác phẩm dân gian truyền khẩu dưới hình thức “khan” (kể chuyện xưa), được người Ê-đê sáng tạo qua hàng trăm năm và hoàn thiện sau nhiều đời. Đam San là một tù trưởng giàu mạnh, đầu đội khăn nhiễu, vai mang núi hoa, trong vùng không ai sánh kịp. Chàng Đam San chính là khát vọng cháy bỏng của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên về hình mẫu một vị tù trưởng mạnh mẽ, quyết đoán, sẵn sàng bảo vệ cộng đồng và chinh phục thiên nhiên. Sức mạnh, quyền uy của vị tù trưởng được thể hiện xuyên suốt “Bài ca chàng Đam San”.
Chẳng hạn, khi tới nhà Đam Par Kvay để rủ người này đi bắt nữ thần Mặt trời về làm vợ lẽ, leo hết cầu thang, chàng giậm chân trên sàn sân, hai lần sàn sân như vỗ cánh, bảy hàng cột nhà chao qua chao lại từ Đông sang Tây. Chàng giắt chà gạc lên rồi ngồi xuống, trông nghênh nghênh như con rắn trong hang, ngang ngang như con cọp trong đầm, như con tê giác trong thung. Chàng nói nói cười cười, tiếng oang oang như sấm gầm sét dậy. Đam Par Kvay vừa nghe chàng Đam San rủ đi bắt nữ thần Mặt trời thì thất kinh, thoái thác: Ấy chết, diêng ơi!... Rừng này nhiều cọp, đường này nhiều rắn, không ai bắt nữ thần được đâu!... Đường đi hái cà người ta trồng chông lớn. Đường đi hái ớt người ta trồng chông nhỏ. Người lớn đi chết đằng người lớn. Nhà giàu đi chết đằng nhà giàu. Dũng tướng đi chết đằng dũng tướng...
Mặc kệ sự sợ hãi và lời khuyên của Đam Par Kvay, chàng Đam San vẫn hăm hở lên đường. Lúc tới vùng đất của nữ thần Mặt trời, Đam San mặc một áo lụa đẹp, khoác ngoài áo chiến. Lông chân chàng như chải, lông đùi như chuốt, tiếng nghe như chong chóng gõ mõ. Biết có Đăm Săn tìm tới, nữ thần Mặt trời bỏ váy cũ mặc váy mới. Nàng mặc một váy ánh như sét, loáng như chớp. Nàng từ trong buồng đi ra, cửa buồng liền bừng sáng. Nàng đi trông như diều bay ó liệng, như nước lững lờ trôi. Tiếng nàng lanh lảnh, người chưa tới mà tiếng đã vẳng lại.
Bị nữ thần Mặt trời từ chối làm vợ lẽ, biết trên đường quay về ngay sẽ chết khi mặt trời lên, chàng Đam San vẫn mạnh mẽ, quyết đoán như con mãnh thú ngự trị rừng già. Một mình một ngựa, chàng phi băng băng cho tới khi mặt đất nhão nhoét, nhấn chìm tất cả. Chàng Đam San chết, vì cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên khi đó vẫn tin rằng, sức mạnh con người là có giới hạn. Con người không thể chinh phục được thiên nhiên và các vị thần linh.
Sự xuất sắc của bộ sử thi dài 2.077 câu này đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm, in thành sách và xuất bản nhiều lần, thậm chí được dựng thành phim. Sử thi “Bài ca chàng Đam San” được trích đoạn (Chàng Đam San đi bắt nữ thần Mặt trời), từng đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy trong trường học. Điều đó có nghĩa, sự phổ biến của trường ca chàng Đam San không chỉ dừng lại ở dân tộc Ê-đê và vùng Tây Nguyên kỳ vĩ. Nó trở thành niềm tự hào trong kho tàng văn hóa, văn học dân gian của đất nước, là sản phẩm tiêu biểu cho sức sáng tạo của 54 dân tộc anh em chung sống hòa thuận trên đất nước này.
Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có niềm tin mãnh liệt rằng, con người chỉ là một thực thể nhỏ nhoi nằm trong sự xoay vần của vũ trụ. Mọi sự vật, hiện tượng xung quanh đều có sự sống và linh hồn. Đó là những vị thần (Yàng) có quyền lực thống trị vạn năng, chi phối mọi phương diện của con người. Điều này khiến con người phải khiếp hãi, tôn thờ và kính trọng Yàng. Nương náu giữa đại ngàn, với tự nhiên, tạo hóa, con người thật nhỏ bé. Bởi thế, từ thời khởi thủy, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã hình thành rất nhiều nghi thức, tập tục, tín ngưỡng, thờ cúng, cầu xin các vị thần linh ra tay che chở, phù hộ cho người dân buôn bản thoát khỏi dịch bệnh; ban phát sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, giống nòi sinh sôi...
Rất nhiều phong tục, tập quán của bà con được hình thành từ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, qua cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với sự vật, hiện tượng. Vì thế, trong lễ cưới hỏi, thôi nôi, bỏ mả, cúng lúa mới, lễ cầu mưa, sức khỏe... của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên luôn gắn liền những nghi thức nhuốm màu sắc thần bí. Đó là ngôn ngữ truyền tải tới các vị thần. Để tập trung sức mạnh, sự đoàn kết và thống nhất, các tộc người ở Tây Nguyên đã kiến tạo nên nhà rông. Mỗi dân tộc có cách gọi khác nhau về loại nhà này. Anh em Bar Nar, Ja Rai (tỉnh Gia Lai) gọi là Rông, anh em người M'Nông, Ê-đê (tỉnh Đắk Lắk) gọi là nhà dài, có nơi bà con gọi là gươl...
Mỗi dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có cách xây dựng nhà rông khác nhau, có thể to, có thể nhỏ, nhưng đều mang dấu ấn đặc trưng của dân tộc mình. Theo truyền thống, nhà rông là nơi cất giữ những vật thiêng truyền đời, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng nhất của cộng đồng, tộc người. Đó cũng là biểu tượng của sức mạnh, nơi giao hòa, gửi gắm niềm tin giữa con người với các vị thần linh. Nhà rông đồng thời còn là nơi các già làng hội họp, đưa ra những quyết định hệ trọng liên quan đến vận mệnh cộng đồng, là nơi tổ chức các lễ hội, nghi thức truyền thống, ăn mừng và phạt vạ...
Nói tới Tây Nguyên phải dùng từ “đại ngàn”. Có nghĩa là rừng lớn, rừng già tự nhiên, hoang dã và điệp trùng. Thực chất, đại ngàn mới chính là biểu tượng điển hình và đầy đủ nhất làm nên hồn cốt của miền đất Tây Nguyên hùng vĩ. Trong hệ sinh thái đại ngàn đó, bao gồm con người, địa hình, khí hậu, các loài thực vật và động vật. Có nắng và mưa, gió và sương, không gian và thời gian... Các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên luôn coi rừng là một vị thần thiêng che chở cho giống nòi, dòng tộc, sống nương náu trọn đời vào rừng. Ngoài thần rừng thống trị, cai quản, còn có thần cây, thần sông, suối, thần voi, hổ... Tin rằng vạn vật hữu linh, với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đứng đầu muôn loài đều có những vị thần thiêng. Muốn tồn tại, con người không thể tách rời đời sống cộng đồng ra khỏi hệ sinh thái đại ngàn ấy. Điều này cũng phần nào lý giải, chàng Đam San có thể chinh phục mọi thứ, nhưng tới khi đi bắt nữ thần Mặt trời về làm vợ thì chàng đã phải trả giá bằng mạng sống.
Trong cái đại ngàn không thể kể xiết này, những người thiện lành, tài hoa buộc phải lựa chọn những thứ gần gũi, thiêng liêng nhất với các sắc tộc nơi đây để xây dựng thành biểu tượng. Cây k’nia, hoa p’lang, chim ch’rao, k’tia, phí, voi... đi vào thi ca, hội họa, trở thành những hình tượng đẹp, gần gũi, rồi thành một phần của linh hồn Tây Nguyên trong hoàn cảnh như thế.