Đồng Mai một thuở vàng son

Thứ Hai, 23/10/2023, 10:51

Những năm 1964-1965, với khẩu hiệu 3 lợi ích: Nông - Lâm - Ngư nghiệp được Nhà nước phát động, các hộ dân thuộc xóm Thượng Giáp, Hoàng Trung (xã Đồng Mai, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) gộp lại thành Hợp tác xã Ngư nghiệp Đồng Tiến để thực hiện khẩu hiệu mà Chính phủ kêu gọi.

Ngay sau lời hiệu triệu, Hợp tác xã Đồng Tiến được thành lập dưới sự quản lý của Ty Thủy sản tỉnh Hà Tây (thuộc Hà Tây cũ, nay thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội), trở thành một trong những vựa cá góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, kiến thiết nước nhà.

Sau này, Ty Thủy sản Hà Tây giải thể, những ngư thủy ngày nào vẫn tiếp tục lênh đênh sóng nước, sống cuộc đời chạy theo bóng chim, tăm cá.

Vàng son một thuở

Nằm cách trung tâm quận Hà Đông chừng 40 phút chạy xe, chúng tôi xuôi quốc lộ 6 tìm về xóm ngư nghiệp thuộc tổ 19 Bãi (phường Đồng Mai, quận Hà Đông). Sau nhiều cuộc điện thoại hướng dẫn tìm đường, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được hai thanh niên đang chờ đón tại cầu Đồng Hoàng. Với gương mặt rạm đen vì nắng gió, một thanh niên cho biết: “Xóm khó tìm bởi nó nằm biệt lập phía bên kia của sông Đáy, phần tiếp giáp để đến được với xóm là qua cây cầu Đồng Hoàng này đây, các anh ạ”.

Vừa dẫn chúng tôi về xóm, cậu thanh niên vừa tiếp tục giới thiệu: “Trước đây, cứ mưa lớn, nước lên cao là xóm Bãi bị chia cắt, biệt lập. Chỉ có dân thổ địa mới biết có thêm lối đi tắt khác qua phường Biên Giang (quận Hà Đông) hoặc qua xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) mà thôi”, người thanh niên giới thiệu thêm.

Đồng Mai một thuở vàng son -0
Ông Nguyễn Văn Vĩnh (bên trái) ôn lại những ngày tháng vàng son một thuở của xóm ngư nghiệp.

Sau nhiều khúc cua, qua vài cánh đồng, chúng tôi cũng đến được nhà ông Nguyễn Thái Tưởng (63 tuổi). Lúc này, trong căn nhà mới xây của ông Tưởng đã có gần chục người cả già, cả trẻ đang chờ khách.

Ông Tưởng là một trong hai người trong hàng trăm hộ dân ở tổ 18 Bãi này biết chữ nên được người dân tin tưởng cử làm đại diện kể về những ngày tháng khó khăn, cũng như huy hoàng của tập thể hợp tác xã này.

Tay run run giở từng trang giấy cũ mèm, ký ức một thời rạng danh của xóm ngư nghiệp hiện dần trong đôi mắt người đàn ông ấy. “Từ những năm 1956, sau cải cách ruộng đất, những hộ dân ở xóm được Ủy ban hành chính tỉnh Hà Tây (thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay là quận Hà Đông) chia đất nông nghiệp để sản xuất và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Sau khi thành lập hợp tác xã, tất cả các hộ dân đều làm đơn xin gia nhập và trở thành xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Phúc (xã Đồng Mai, huyện Thanh Oai)”, ông Tưởng kể lại.

Cũng bởi sống ven dòng sông Đáy nên các hộ dân có nghề đánh bắt cá. “Hồi ấy sông Đáy còn rộng lớn lắm, cá tôm cũng nhiều chứ không như dòng sông chết bây giờ. Đội đánh bắt của làng sau mỗi ngày đi làm công điểm trở về là đêm lại xuống thuyền, đánh bắt cá. Hằng đêm, mỗi thuyền đánh được cả chục cân tôm, hàng tạ cá về để đổi lấy gạo”, ông Tưởng nhớ lại.

Để có cái nhìn khái quát hơn về một “thời vàng son” của hợp tác xã ngư nghiệp này, chúng tôi tìm đến cụ Nguyễn Văn Huấn, nguyên là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Đồng Tiến (thời kỳ 1969- 1970), hiện cụ sinh sống cùng xóm ngư nghiệp thuộc tổ 18 Bãi. Cụ cho biết: “Hồi ấy, được sự chấp thuận của Ty Thủy sản Hà Tây, toàn bộ ngư dân hợp tác xã được huy động cắm đăng trên dòng sông Đáy, đoạn từ xã Phụng Châu đến cống Bài Thượng thuộc xã Hoàng Diệu, Chương Mỹ. Để phát huy khả năng ngư nghiệp của mình, các hộ được vay vốn, thả cá kết hợp với đánh bắt cá trên dòng sông Đáy”, cụ Huấn cho hay.

Cũng theo cụ Huấn, hằng ngày ngư dân hợp tác xã sau khi đánh cá về, sẽ nhập hết cho Ty Thủy sản Hà Đông, “Sau khi cá được cân, đong, đo, đếm, các ngư dân sẽ được nhận phiếu tính điểm và sang cửa hàng thực phẩm để đổi lấy gạo. Lúc bấy giờ, chúng tôi được coi như công chức nhà nước”, cụ Huấn chia sẻ.

Đến trận lụt lịch sử năm 1971, công việc cắm đăng nuôi cá, đánh bắt bị xóa bỏ cũng là lúc xã viên được chuyển sang hình thức giao khoán sản phẩm “Cứ đánh được 1 cân cá sẽ đổi được 1,5 cân gạo. Dù khó khăn, vất vả hơn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để tiếp sức cho chiến trường. Đó là cả một ký ức vàng son với các xã viên như chúng tôi”.

Năm 1979, hợp tác xã ngư nghiệp giải thể, các xã viên được cấp đất nông nghiệp để sản xuất, ổn định cuộc sống, riêng 40 hộ dân ở xóm ngư nghiệp thuộc tổ 18 Bãi không có đất sản xuất. Dưới sông đánh cá lên không có nơi nhập, trên bờ không tấc đất sản xuất, cực chẳng đã họ tiếp tục lênh đênh trên sóng nước để mưu sinh.

Đồng Mai một thuở vàng son -0
Thế hệ sau của xóm ngư nghiệp vàng son một thời, anh Nguyễn Thái Trang mưu sinh trên suối Hai.

“Nhà đất thì của bố mẹ để lại vẫn còn, nhưng không có ruộng để làm, nên anh em chúng tôi lại tiếp tục chèo thuyền đánh cá. Nhà cửa bố mẹ để lại thì đóng cửa để đấy. Vợ chồng con cái bắt được cá, tôm thì lên bờ đổi gạo. Dòng sông này hết cá thì tìm dòng sông khác. Cứ thế, chúng tôi lênh đênh khắp các con sông ở miền Bắc này” - ông Nguyễn Văn Vĩnh (62 tuổi, ở ngõ Thượng Giáp) cho hay.

Nâng chén nước chè trên tay, ông Tưởng mong muốn: “Hơn 40 năm lênh đênh sóng nước, mấy đứa con đều đẻ trên thuyền, mỗi đứa một nơi. Rồi con của chúng sinh ra cũng thế. Thằng cả đang đánh bắt ở Ba Vì, tôi cũng yếu rồi nên ở nhà đưa đón các cháu đi học. Cũng may, các cháu còn biết cái chữ chứ mấy đứa nhà tôi một chữ bẻ đôi không biết”. Nói rồi ông hẹn chúng tôi một chuyến thực tế trên sông, nơi cậu con trai của ông đang hằng ngày kéo cá, mưu sinh.

Khúc hát buồn trên sóng lênh đênh

Ty Thủy sản xóa bỏ, không có đất sản xuất, những phận đời kéo dài đến 4 thế hệ tiếp tục với nghề “bóng chim, tăm cá”. Và, như đã hứa, chúng tôi có cuộc “mục sở thị” tư dinh của thế hệ thứ hai của những người ngư thủy đang neo thuyền mưu sinh trên hồ Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội).

Nghe thấy tiếng gọi của ông Tưởng, anh Nguyễn Thái Trang con trai của ông cố thả hết tấm lưới đang buông dở rồi quay thuyền vào bờ đón chúng tôi. Đợi chúng tôi yên vị trên chiếc thuyền, anh hồ hởi khoe với bố, có bác Nguyễn Văn Vĩnh cũng đến thăm từ sáng.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người dân xóm ngư nghiệp tổ 18 Bãi. Người đồng niên, đồng nghiệp với ông Nguyễn Thái Tưởng thời Ty Thủy sản Hà Tây. Ông Vĩnh sau hơn 40 năm lênh đênh khắp các dòng sông miền Bắc, giờ neo về Suối Hai tiếp tục cuộc mưu sinh ở tuổi xế chiều. “Nhá nhem tối thì mang lưới đi thả, thả xong lưới thì thả đến rọ, 2 tiếng đồng hồ đi vớt một lần. Cứ thế, đến 4 giờ sáng thì lên chợ soi đèn dầu bán cá. Hôm được nhiều thì mua thêm cân gạo, mớ rau. Còn đâu thì về găm vào túi, chờ đến cuối tháng gửi về cho gia đình”, ông Vĩnh kể.

Khoảng năm 1979, ông Vĩnh cùng những ngư thủy kéo nhau lên dòng sông Cầu (Hiệp Hòa, Bắc Giang) để đánh bắt. “Thời ấy, cá trên các dòng sông còn nhiều. Chúng tôi vài gia đình tỏa đi một ngả. Ở đâu có nhiều cá tôm thì báo cho nhau. Thế là mấy thuyền chúng tôi tìm đến sông Cầu”, ông Vĩnh nhớ lại. Cũng chính trên dòng sông Cầu hiền hòa ấy, ông gặp một nửa của đời mình. Bà ấy mồ côi, bố mẹ mất sớm, ở cùng anh trai. Cùng làm nghề sông nước nên dễ hiểu và đồng cảm. Thế là lấy nhau. Cưới nhau được hơn năm thì bà ấy hạ sinh đứa con đầu lòng trên dòng sông Lường (thuộc xã Đông Xuyên, Yên Phong, Hà Bắc cũ).

Rồi đứa thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm nối tiếp nhau chào đời. “Cũng chẳng nhớ được hết là chúng sinh ở đâu đâu. Chỉ biết rằng vợ đau đẻ là neo thuyền vào bờ, đưa lên trạm xá hoặc nhờ bà đỡ xuống thuyền đỡ cho. Sau đó, xin giấy chứng sinh ở nơi neo thuyền ấy rồi đợi đến Tết về quê thì khai sinh một thể”, ông Vĩnh kể.

Sau khi cá tôm ở dòng sông Cầu đã cạn kiệt, nhóm ông Vĩnh lại ngược dòng lên dòng sông Đà (Hòa Bình) để mưu sinh. Tuy nhiên, càng về sau này, cá tôm càng hiếm cộng với việc người dân bản địa nuôi trồng thủy sản nên càng khó khăn hơn. “Họ làm lồng bè, nuôi trồng rải khắp lòng sông, nên việc đánh bắt tự nhiên và thủ công như chúng tôi ngày càng khó khăn hơn”, ông Vĩnh chia sẻ.

Đồng Mai một thuở vàng son -0
Ông Nguyễn Thái Tưởng nêu nguyện vọng của người dân được có ruộng để sản xuất.

Nói về những cơ cực, mất mát đối với nghề lênh đênh sông nước này, ông Vĩnh cho biết, sợ nhất là những cơn dông ập đến lúc nửa đêm. Cũng bao gia đình ly tán, cha mất con, vợ mất chồng. Có gia đình sáng mang cá về, vợ lên chợ bán, chồng ở nhà mệt quá ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy không thấy con đâu, chèo thuyền tìm thì cháu đã không còn nữa.

Trong nỗi ám ảnh của ông Vĩnh là năm 2015, khi nhóm của ông đang neo đậu, đánh bắt ở khu thủy điện Sơn La. “Đêm ấy, dông tố nổi lên, hai vợ chồng cháu Khải (sinh năm 1991, cùng xóm 18 Bãi, người cùng nhóm chài lưới với các ông - PV) bị lật thuyền. Anh Khải may mắn bám được vào chiếc can nhựa thoát nạn, nhưng vợ và đứa con chưa kịp sinh của gia đình cháu ấy vĩnh viễn nằm lại dưới dòng sông”, ông Vĩnh đau xót, chia sẻ.

Rồi ông đọc vanh vách từng người, từng gia đình gặp nạn trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La trong những năm tháng ông đánh bắt ở đây như: Gia đình Nguyễn Văn Chứ, Nguyễn Thị Hoài, Nguyễn Thị Dung.

Ước vọng lên bờ

Trở lại tổ 18 Bãi, chúng tôi gặp cụ Nguyễn Văn Chắc (sinh năm 1953). Bởi gần cả cuộc đời cụ Chắc gắn liền với các dòng sông, đuổi theo những con tôm, con cá nên gương mặt cụ sạm đen, tóc bạc trắng. Cụ Chắc có 4 người con, trước đây cũng đều đi đánh bắt, dọc ngang trên khắp các dòng sông. 3 năm trở lại đây, nguồn cá đã cạn kiệt nên cả 4 đều bỏ thuyền về quê. “Đứa thì đi phụ hồ, đứa thì đi bốc vác. Không nghề ngỗng, học hành chữ còn chữ mất nên khó tìm việc làm đàng hoàng, ruộng thì không có nên ai thuê gì thì làm nấy thôi”, cụ Chắc chia sẻ.

Cách nay chừng một năm, anh Trang quyết định rời thuyền để lên bờ, trở về quê tìm việc làm bởi nguồn khai thác cá tôm giờ đã cạn kiệt. “Cũng định chuyển sang con sông khác làm, nhưng nghe ngóng thấy sông khác cũng không còn nhiều cá. Sức khỏe ngày càng yếu hơn nên đành bỏ sông lên bờ”, anh Trang chia sẻ.

Qua người giới thiệu, vợ chồng anh Trang kiếm được công việc ở một cơ sở hàn xì, nhưng nghề không biết nên mức lương quá bèo bọt. “Lương thấp đã đành, việc cũng lúc có lúc không. Ruộng vườn làm thêm thì không có. Chắc vợ chồng tôi lại trở về với nghề cũ mất thôi”, anh Trang thở dài ngao ngán.

Cũng theo chia sẻ của các cụ ở xóm ngư nghiệp tổ 18 Bãi này, cái khó khăn lớn nhất bởi không có ruộng rồi, nhưng cái lo canh cánh nữa là các cháu đến tuổi đi học, vì hoàn cảnh khó khăn nên các cháu phải xin học trái tuyến bên xã Thụy Hương (Chương Mỹ, TP Hà Nội) giảm thêm chi phí. “Ở cấp độ phường, chi phí học hành cũng cao hơn, nên các gia đình phải lựa chọn cho các cháu về học xã bên để bớt phần chi phí”, cụ Chắc chia sẻ.

Theo thống kê của xóm ngư nghiệp, tổ dân phố 18 Bãi gửi các cấp chính quyền hiện có 129 hộ gia đình với 554 nhân khẩu. Trong đó, có khoảng 40% người dân làm nghề đánh bắt cá trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt, có tới 60% người dân không biết chữ. Có những gia đình, con cái chỉ học hết lớp 7, lớp 8 rồi theo bố, mẹ ngược xuôi trên các lòng sông.

Từ những năm 1993, khi phường Đồng Mai còn thuộc huyện Thanh Oai những hộ dân xóm ngư nghiệp này không được chia đất sản xuất theo Nghị định 64-CP của Chính phủ. “Từ những năm 1994-2009, chúng tôi liên tục làm đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền nhưng vẫn không có đất sản xuất”, ông Nguyễn Thái Tưởng cho biết.

Bùi Vương Nam
.
.
.