Dấu ấn CAND Việt Nam trên hành trình vì hòa bình thế giới

Điểm sáng nổi bật trong hoạt động đối ngoại an ninh (bài cuối)

Thứ Hai, 23/12/2024, 08:14

Thời gian qua, Bộ Công an đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực GGHB LHQ. Lần đầu tiên, vào tháng 3/2024, đoàn công tác do đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 05 (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an) thăm và làm việc tại Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan. Đây là hoạt động đối ngoại quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đối với hoạt động GGHB LHQ, các sĩ quan đang thực hiện nhiệm vụ quốc tế.

Chung tay gìn giữ hòa bình 

Khoảng thời gian đoàn công tác Bộ Công an có mặt tại Nam Sudan là những ngày thực sự ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm, tấm lòng Việt Nam muốn góp sức để GGHB. Đoàn đã đến thăm Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ của Rwanda 3, Nepal 1 và Đơn vị quân cảnh Campuchia hiện đang được triển khai tại UNMISS; tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao của Phái bộ và Cảnh sát quốc gia Nam Sudan. Vượt lên trên nghèo đói và bất ổn, những gì đọng lại là tình cảm quốc tế nồng ấm, những cái bắt tay gửi gắm niềm tin.

Điểm sáng nổi bật trong hoạt động đối ngoại an ninh (bài cuối) -0
Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an trao quyết định của Chủ tịch nước cho Trung tá Trịnh Xuân Hiển đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa hình tại Abyei.

Trong chuyến công tác đặc biệt này, những món quà ý nghĩa được lãnh đạo Bộ Công an trao cho phía đối tác. Máy ảnh, vali khám nghiệm hiện trường giao thông được trao tặng cho Cảnh sát Phái bộ, Cục Điều tra tội phạm Cảnh sát Nam Sudan để phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường nâng cao hiệu quả điều tra tội phạm. “Chúng tôi cảm ơn Việt Nam đã cử các sĩ quan cảnh sát đến làm việc tại Phái bộ. Họ đã thực hiện nhiệm vụ một cách xuất sắc, cống hiến hết mình đối với công tác nâng cao năng lực cho cảnh sát địa phương, góp phần đưa phái bộ thành một phái bộ năng động, đa văn hóa”, ông Dr. Kaustubh Sharma - Phó Tư lệnh Cảnh sát Phái bộ UNMISS nhấn mạnh.

Bên cạnh việc cử sĩ quan cảnh sát cá nhân tham gia GGHB LHQ, Bộ Chính trị đã đã thông qua chủ trương cử Đơn vị Cảnh sát GGHB số 1 đi thực hiện nhiệm vụ GGHB tại các phái bộ GGHB LHQ. Ngày 11/1/2024, Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ số 1 (VNFPU 1) lần đầu tiên ra mắt, là một đơn vị trẻ với khát khao thực hiện sứ mệnh quốc tế. Đây là mô hình đầu tiên của Bộ Công an triển khai đội hình đơn vị cảnh sát vũ trang, tập hợp lực lượng từ công an các đơn vị, địa phương trong cả nước. Đơn vị được quản trị vận hành thông qua nền tảng số, đầu tư trang thiết bị vũ khí, công cụ phương tiện và trang thiết bị cá nhân hiện đại. Việc thành lập VNFPU 1 thể hiện bước tiến quan trọng vượt bậc trong việc tham gia GGHB LHQ của lực lượng CAND Việt Nam. 

Điểm sáng nổi bật trong hoạt động đối ngoại an ninh (bài cuối) -0
Đơn vị Cảnh sát Gìn giữ hòa bình số 1 đón đoàn chuyên gia Liên hợp quốc sang thăm, đánh giá và tư vấn, tháng 7/2024.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế 

Bộ Công an Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GGHB LHQ. Tháng 7/2024, Việt Nam đã mời đoàn chuyên gia của LHQ đến đánh giá, tư vấn về mức độ chuẩn bị sẵn sàng tham gia hoạt động GGHB LHQ của Đơn vị VNFPU 1 và tiến hành kiểm tra năng lực sĩ quan tham gia hoạt động GGHB LHQ theo hình thức cá nhân. Kết quả, chuyên gia LHQ đánh giá cao công tác chuẩn bị về trang thiết bị, phương tiện, đào tạo, huấn luyện của Đơn vị VNFPU 1 đáp ứng các tiêu chuẩn của LHQ. Chỉ sau một thời gian ngắn tập trung và xây dựng đơn vị, VNFPU 1 đã được nâng lên cấp độ 2 trong Hệ thống sẵn sàng năng lực GGHB của LHQ.

Tháng 10/2024, khóa tập huấn giảng viên GGHB LHQ khóa đào tạo giảng viên nguồn về cảnh sát GGHB trong khu vực cho LHQ do Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ phối hợp Cục Hoạt động hòa bình, Ban Thư ký LHQ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Khóa học thu hút sự tham gia của 10 chuyên gia giảng dạy của LHQ cùng 18 học viên quốc tế. Việc đăng cai tổ chức khóa tập huấn là sự đóng góp tích cực, hiệu quả, chủ động vào hoạt động GGHB LHQ, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam với LHQ và các nước đối tác khác.

Điểm sáng nổi bật trong hoạt động đối ngoại an ninh (bài cuối) -0
Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc số 1 diễn tập tình huống giải tán đám đông, phòng chống bạo loạn.

Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang - Chánh Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ: “Một lực lượng mới trong xu thế phát triển mới”

- Phóng viên: Ngày 15/6/2021 đánh dấu sự kiện đặc biệt quan trọng trong 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CAND Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí? 

+ Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang: Ngày 15/6/2021, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thành lập và chính thức ra mắt Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ. Sau hơn 3 năm, đến nay Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ đã đạt được những kết quả vững chắc với vai trò là cơ quan tham mưu, đề xuất với Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an trong triển khai Đề án 05, từ việc mở rộng địa bàn, cử thêm sĩ quan cá nhân đến triển khai mô hình Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ.

Điểm sáng nổi bật trong hoạt động đối ngoại an ninh (bài cuối) -0
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang.

Các sĩ quan công an tham gia GGHB LHQ là một lực lượng mới trong một xu thế phát triển mới. Việc cử lực lượng tham gia GGHB LHQ góp phần hiện thực hóa các cam kết của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Tham gia GGHB LHQ là một trong những trụ cột của đối ngoại CAND Việt Nam, thể hiện bước phát triển mới về tư duy, chủ trương, đường lối hội nhập quốc tế.
Đây cũng là cơ hội nâng cao năng lực cho đội ngũ sĩ quan, cơ hội huấn luyện cho sĩ quan tại những nơi xung đột, làm giàu kinh nghiệm trong phối hợp chỉ huy, tác chiến giữa các lực lượng và của nhiều quốc gia khác nhau. Từ đó đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai Đề án 05?

+ Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang: Thuận lợi đầu tiên là vị thế của Việt Nam trên bản đồ địa chính trị hiện nay được nâng cao trong khu vực và trên thế giới, mở ra cơ hội tham gia sâu rộng vào môi trường quốc tế. Thứ hai, lĩnh vực GGHB LHQ đã nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an. Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về nguồn lực, cơ sở vật chất, cơ chế nên Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ đã nhanh chóng xây dựng và triển khai lực lượng ở lĩnh vực hoàn toàn mới. Thứ ba, Văn phòng Thường trực được phép trực tiếp tuyển chọn cán bộ trong toàn lực lượng CAND nên luôn được các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng ủng hộ, cung cấp những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn và sức khỏe tốt để chuẩn bị lực lượng tham gia GGHB LHQ.

Thuận lợi đan xen với khó khăn. Thứ nhất, đây là lĩnh vực rất mới, không chỉ nước ta mà tất cả các nước trên thế giới khi tiếp cận lĩnh vực này đều gặp khó khăn. Thứ hai, chúng ta chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động trong lĩnh vực tham gia GGHB LHQ. Thứ ba, việc tuyển chọn lực lượng đáp ứng yêu cầu của LHQ về ngoại ngữ, bắn súng, lái xe, tin học,... gặp nhiều khó khăn. Cán bộ khi làm việc tại môi trường đa quốc gia, địa bàn nhiều rủi ro và ở xa Tổ quốc, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Song song với đó là vấn đề tâm lý của cán bộ, chiến sĩ và thân nhân khi đi phái bộ. Một yếu tố nữa là LHQ đòi hỏi rất khắt khe về cơ sở vật chất, phương tiện kĩ thuật để tham gia GGHB trong khi chúng ta mới tiếp cận lĩnh vực này, chưa có nguồn lực. Vì thế, phải huy động tất cả các nguồn lực để đáp ứng được yêu cầu.

- Phóng viên: Thời gian tới Bộ Công an sẽ triển khai những hoạt động GGHB LHQ tiếp theo như thế nào? 

+ Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang: Hơn 2 năm qua, Bộ Công an Việt Nam đã cử 4 tổ công tác, 13 lượt sĩ quan thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan) và Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei). Trong đó có sĩ quan được cử tới làm việc tại Cục Hoạt động hòa bình, trụ sở LHQ ở New York (Hoa Kỳ). Chúng ta đã xây dựng được kênh hợp tác cấp cao giữa lãnh đạo Bộ Công an với lãnh đạo của LHQ phụ trách GGHB; làm việc với các đối tác nước ngoài về đào tạo, huấn luyện cán bộ tham gia lực lượng GGHB LHQ; tích cực huấn luyện, chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị để xây dựng Đơn vị Cảnh sát GGHB số 1...

Thời gian tới, Bộ Công an Việt Nam tiếp tục chuẩn bị số lượng và chất lượng nguồn nhân lực GGHB LHQ ở cả 2 hình thức: sĩ quan cá nhân, Đơn vị Cảnh sát GGHB. Để nâng cấp Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ số 1 lên cấp độ 3, tiến tới mục tiêu sẵn sàng triển khai tại các phái bộ khi có yêu cầu từ năm 2025, Văn phòng Thường trực chủ động phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, huấn luyện cho 210 học viên theo tiêu chuẩn LHQ.

Việc tập trung xây dựng một trung tâm huấn luyện lực lượng GGHB cũng là một nhiệm cụ quan trọng. Cần phối hợp tốt với các đơn vị liên quan, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về GGHB; xây dựng Luật Tham gia lực lượng GGHB LHQ. 
- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết LHQ và bạn bè quốc tế đánh giá như thế nào về hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam nói chung và Công an Việt Nam nói riêng?

+ Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang: LHQ và cộng đồng quốc tế bày tỏ sự ấn tượng trước sự phát triển vượt bậc và vững chắc của Việt Nam khi tham gia GGHB LHQ. Về phía Bộ Công an, 2 năm qua đã triển khai rất hiệu quả, thực chất hoạt động này. Tháng 9/2024, tại cuộc gặp bên lề với Bộ trưởng Lương Tam Quang, ông Jean-Pierre Lacroix -  Phó Tổng Thư ký LHQ đã ghi nhận Việt Nam là nước cử quân mới nổi, chỉ trong thời gian ngắn đã liên tục mở rộng địa bàn, nâng số sĩ quan triển khai, nâng cấp Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ lên cấp độ 2...

- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Huyền Châm - Trần Xuân
.
.
.