Đau lòng bi kịch “trầm cảm sau sinh”

Thứ Hai, 13/03/2023, 08:39

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ án đau lòng như: mẹ dìm 2 con xuống sông; mẹ vứt con ra miệng cống; mẹ vứt con từ tầng lầu… khiến dư luận vô cùng bàng hoàng và xót xa. Điều đáng nói, đối tượng gây án lại chính là những người mẹ trẻ và hầu hết trong số họ đều mắc một căn bệnh chung được gọi là “trầm cảm sau sinh”.

Những vụ án nhói lòng

Vụ án người mẹ trẻ dìm 2 con nhỏ của mình xuống sông làm cả hai tử vong vừa mới đây đã khiến dư luận không khỏi xót xa. Cụ thể, khoảng 10h sáng ngày 8/3, một số người dân địa phương phát hiện tại khu vực mép sông Ninh Cơ chảy qua địa bàn thôn Quần Khu (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), một người phụ nữ trẻ đang có hành động dìm 2 cháu nhỏ xuống nước.

a1.jpeg -0
Hiện trường đau lòng nơi L. dìm 2 con đến tử vong

Ngay sau đó, người dân liền báo chính quyền, đồng thời đưa 2 cháu nhỏ đến trạm y tế xã để cấp cứu, tuy vậy các cháu đã tử vong trước đó. Quá trình xác minh ban đầu, Công an xã Nghĩa Sơn xác định, người phụ nữ này là Vũ Thị L. (sinh năm 1991, trú xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).

Gia đình L. cho biết, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 8/3, L. cho 2 con là Tạ Thanh Tr. (sinh năm 2018) và Tạ Thanh M. (sinh năm 2021) ăn sáng. Sau đó L. điều khiển xe máy chở hai con đến bờ đê sông Ninh Cơ, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Chờ cho tới khi không có người dân qua lại, L. bế cháu Tr. và M. ở hai bên sườn rồi đi xuống sông Ninh Cơ. Khi ôm 2 con ra xa được 3, 4m, nước bắt đầu ngập đầu mẹ con L. Được một lúc, sóng nước đẩy 3 mẹ con L. vào bên trong nhưng nước vẫn đến cổ L. còn ngập đầu 2 cháu Tr. và M. Khi L. bế 2 con lên bờ, các cháu Tr. và M. đã tử vong.

Đau lòng bi kịch “trầm cảm sau sinh” -0
Luật sư Trương Anh Thơm bày tỏ quan điểm về vụ mẹ dìm con tử vong

Theo kết quả điều tra ban đầu, Vũ Thị L. từng là giáo viên Trường tiểu học xã Trực Cường, huyện Trực Ninh. Khoảng tháng 9/2022, L. thấy áp lực trong công việc nên đến ngày 30/11/2022, L. nộp đơn xin thôi việc và bắt đầu nghỉ làm từ ngày 16/12/2022. Trong thời gian này, L. có biểu hiện không muốn tiếp xúc với mọi người trong gia đình, đồng nghiệp, do vậy ngày 29/11/2022, anh Tạ Văn Kh. (chồng L.) đưa L. đến Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để khám bệnh. Tại đây, L. được chẩn đoán bệnh “rối loạn thần cấp và nhất thời”.

Bác sĩ đề nghị L. nhập viện để theo dõi điều trị nhưng L. không đồng ý. Bác sĩ có kê thuốc cho L. tự uống, điều trị ở nhà và hẹn sau 10 ngày đến khám lại. Sau thời gian sử dụng đơn thuốc điều trị, bệnh tình L. thuyên giảm dần, tuy nhiên vẫn không muốn tiếp xúc, nói chuyện với ai.

Ngày 6/3/2023, L. luôn cảm thấy mình không có mục đích sống và có ý định tự tử. Cùng với đó là lo sợ, sau khi chết sẽ không có ai chăm sóc, dạy dỗ 2 người con gái khiến các bé hư hỏng, vướng vào các tệ nạn xã hội. Do đó, L. nảy sinh ý định tự tử cùng với 2 con gái. Và bi kịch đau lòng đã xảy ra.

Đến khoảng 17h chiều ngày 8/3, Vũ Thị L. đã bị giữ khẩn cấp, đưa về Công an tỉnh Nam Định để tiếp tục điều tra, làm rõ. Thi thể 2 bé gái xấu số cũng đã được bàn giao cho gia đình lo hậu sự sau khi hoàn tất các thủ tục pháp y.

Có mặt tại hiện trường ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Trần Ánh Dương, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) không giấu được vẻ bàng hoàng. Ông Dương kể lại: “Tôi hỏi cô ấy là tại sao lại làm cái việc tày trời như vậy thì cô ấy bảo sợ sau này các con lớn lên sẽ hư hỏng, vướng tệ nạn xã hội”(?) Khi ông Dương hỏi L. là liệu có phải do bức xúc chuyện chồng hay gia đình chồng mà làm thế không, thì L. thản nhiên đáp: “Chồng cháu tốt, gia đình chồng cũng tốt”.

Cách đây vài ngày, một người mẹ trẻ tên Trang (21 tuổi, sống tại TP. Hồ Chí Minh) cũng đã được gia đình chồng đồng ý cho vào bệnh viện thăm đứa con 4 tháng tuổi đang điều trị. Điều đáng nói, cháu bé lại bị chính mẹ của mình ném từ gác trọ xuống đất trong một cơn tức giận đỉnh điểm.

Được biết, Trang từng có quá khứ không mấy tươi đẹp, khi là nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ, nhưng may mắn được cứu thoát bởi anh S, chồng hiện tại của Trang. Sau khi kết hôn, cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ thường xuyên “cơm không lành canh không ngọt” cũng bởi kinh tế eo hẹp. Khi cả hai tranh cãi, anh S. liên tục lớn tiếng và “tác động vật lý” lên người Trang khiến tâm trạng của Trang luôn rất căng thẳng.

Đau lòng bi kịch “trầm cảm sau sinh” -0
Vì quá áp lực, Trang đã ném đứa con gái 4 tháng tuổi từ trên gác xuống đất

Trong lần gần nhất, Trang bị chồng đánh đến mức tròng mắt đỏ tấy, xung quanh hốc mắt bầm đen. Vì quá ức chế, Trang đã ném con từ trên lầu xuống đất khiến cháu Y. (4 tháng tuổi) bị chấn thương nghiêm trọng. Hiện cháu Y. đang phải điều trị tại bệnh viện và sức khỏe dần hồi phục.

Chứng kiến những vết thương của Trang mới cảm nhận được những gì người phụ nữ này đã phải chịu đựng thật khủng khiếp. Trang chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của em lúc này là được nhìn thấy con nhiều nhất có thể trước khi đôi mắt có nguy cơ bị mù”…

Trước đó, vào ngày 11/1, người dân thôn Tân Thủy (xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) nghe thấy tiếng khóc của trẻ em nên đã vội đi kiểm tra. Tại vị trí ở gần miệng cống nước, người dân phát hiện một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi và được cuốn trong một chiếc áo, qua kiểm tra ban đầu, bé gái nặng khoảng 2,4 kg.

Đau lòng bi kịch “trầm cảm sau sinh” -0
Không ít phụ nữ sau sinh bị rơi vào trạng thái trầm cảm

Sự việc nhanh chóng được trình báo đến cơ quan chức năng và được chính quyền xã Sơn Tây làm các thủ tục cần thiết, đưa cháu bé về Trạm Y tế xã để chăm sóc. Những ngày sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành tìm người thân cho cháu bé và xác định được cha đứa bé chính là ông N.T.H  - Chỉ huy trưởng quân sự xã Sơn Tây.

Thời điểm đó, anh H. đã rất suy sụp, bởi nhiều luồng dư luận cho rằng anh vứt con, nhưng sự thật không phải như vậy. Theo anh H. chia sẻ thì anh không hề biết vợ mình mang bầu, sinh con, trước đó có thấy bụng vợ to bất thường, có hỏi vợ thì vợ chối. Anh còn lo lắng bảo vợ đi khám xem có khối u nào bất thường khiến bụng to không.

“Hôm xảy ra sự việc, tôi vừa đi đón quân xuất ngũ về. Gần 11h tôi trở về nhà. Dân làng nghi ngờ đó là con tôi, tôi hoảng sợ chạy lên trạm xá xem sao thì thấy đứa trẻ có nét giống với mình. Tôi về hỏi vợ nhưng cô ấy cứ bảo không phải. Tôi muốn lấy lại sự trong sạch cho vợ chồng, định đợi sáng hôm sau đưa vợ đi khám để lấy kết quả”, anh H kể.

Qua ngày hôm sau, vợ anh đi bán hàng, anh gọi điện để đưa vợ đi khám nhưng không được. Đến tối thì vợ anh nhắn tin lại là: “Em không về nữa đâu. Anh đừng gọi, em không nghe máy. Đứa trẻ ở trạm xá là con của anh đó, anh đưa về mà nuôi. Còn xe máy em bỏ sau chợ, anh xuống đó cắt chìa khóa rồi đưa xe về”.

Nhận được tin nhắn của vợ như sét đánh ngang tai, anh H. run rẩy, hoảng sợ. Sáng hôm sau đã lên xã trình báo sự việc. Theo anh H., vợ anh bị trầm cảm, loạn thần hiện đang điều trị tại bệnh viện tâm thần…

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Trầm cảm sau sinh thường khó phát hiện, kéo dài hàng tháng hoặc lâu hơn, có thể phát triển thành bệnh rối loạn tâm thần nếu không chữa trị kịp thời. Ngay cả khi được điều trị, bệnh làm tăng nguy cơ trầm cảm trong tương lai. Phụ nữ trầm cảm sau sinh thường không đủ sức khỏe để chăm sóc con cái, nguy cơ tự tử cao.

Nói về căn bệnh này, bác sĩ Lê Thị Thanh Thu, chuyên khoa 2, Trưởng khoa cấp tính nam, Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 cho rằng: “Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Thứ nhất, phải kể đến là áp lực về kỳ thị giới tính. Cụ thể khi mang thai, cả người phụ nữ lẫn gia đình đều mong muốn đứa trẻ sẽ là con trai nhưng khi sinh ra lại là con gái. Thứ 2, là trong và sau quá trình sinh nở, mối quan hệ của người phụ nữ với chồng và nhà chồng không được tốt đẹp. Thứ 3 là, những khó khăn về kinh tế cũng khiến người phụ nữ phải chịu rất nhiều áp lực. Từ đó sẽ gây ra những suy nghĩ tiêu cực và mất ngủ triền miên”.

Theo bác sĩ Thu, với một người, chỉ cần mệt mỏi và mất ngủ trong khoảng 2 tuần cũng được xem là có dấu hiệu đầu tiên của bệnh trầm cảm. Biểu hiện của một người trầm cảm là thay đổi tính nết như: cáu bẳn, hay phàn nàn, chán nản, lo lắng vô cớ.

Có những bệnh nhân bị hoang tưởng ảo giác, đó chính là nỗi sợ hãi có người nào đó hại mình, hại con mình hay hại người thân của mình (hoang tưởng bị hại). Một số bệnh nhân khác thì lại luôn nghe thấy tiếng nói trong đầu mình như: “đứa con này chính là ma quỷ đấy, phải giết nó không nó sẽ hại mọi người” hay “mày phải chết đi chứ sống làm gì”. Đây chính là “ảo thanh xui khiến”. Những người gặp phải “ảo thanh xui khiến” tức là đã rơi vào trầm cảm nặng. Một loại trầm cảm khác nữa là “ảo thị”, là luôn nhìn thấy con mình hay những người thân của mình là hổ, là báo, là ma quỷ… Chính bởi ảo thị đó cũng khiến nhiều bệnh nhân trầm cảm ra tay giết người.

“Để ngăn chặn bệnh nhân không có những hành động đáng tiếc thì những người thân phải luôn bên cạnh họ 24/24h. Đồng thời, người nhà bắt buộc phải đưa bệnh nhân vào bệnh viện điều trị”, bác sĩ Thu cho biết thêm.

Luật sư Trương Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh cho biết: “Đây là vụ việc rất thương tâm, liên quan đến quyền trẻ nên sẽ được Cơ quan điều tra xem xét xử lý công tâm, khách quan theo đúng quy định của pháp luật. Để làm rõ vụ việc, cần thiết làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích, năng lực chịu trách nhiệm hình sự của người mẹ.

Trong trường hợp Cơ quan điều tra xác định mẹ đẻ dìm 2 con xuống dòng sông dẫn tới tử vong thì người mẹ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung “giết nhiều người” và “giết người dưới 16 tuổi”.

Tuy nhiên, nếu người mẹ có biểu hiện mắc bệnh trầm cảm tại thời điểm gây ra vụ án thì Cơ quan điều tra cần thiết phải thu thập tài liệu, chứng cứ điều trị bệnh trầm cảm tại các cơ sở y tế nhằm xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Nếu có căn cứ xác định người mẹ bị bệnh tâm thần trầm cảm thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần để làm căn cứ xử lý.

“Trường hợp kết quả giám định xác định người mẹ bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì Cơ quan điều tra sẽ đình chỉ vụ án. Người mẹ sẽ phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”.

Tuy nhiên, nếu kết quả giám định cho kết quả, trước, trong, sau khi gây án và hiện tại, người mẹ chỉ hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc hạn chế năng lực và điều khiển hành vi có thể được tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Vụ án trên là một bài học cảnh tỉnh cho các gia đình trong việc quan tâm, chăm sóc và theo dõi phụ nữ bị bệnh trầm cảm sau nhiều lần sinh con.

Phong Anh
.
.
.