Chiến binh giữ rừng

Thứ Sáu, 03/01/2025, 09:23

Ngày nào cũng thế, khi màn sương còn đọng đầy trên lá, khi con đường mòn dẫn lối lên núi chưa có một bóng người thì già KTen đã xuất hiện tại khu vực quần thể thông đỏ (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Trải qua 67 mùa rẫy, ông đã dành trọn cuộc đời gắn bó nơi rừng Tây Nguyên, làm người giữ “kho báu” bền bỉ nhất trên đỉnh núi Voi.

1. Núi Voi một sáng mù sương, sự hoang vu, tĩnh lặng của đại ngàn bỗng chốc bị đánh thức bởi âm thanh chát chúa phát ra từ “con ngựa thồ” của già KTen. Xuất hiện trước mắt tôi là một ông già có vầng trán cao, râu tóc bạc phơ và nụ cười đôn hậu thật thà. Ông mang một phong thái đặc trưng của người giữ rừng với bộ quần áo lao động đã bạc màu, cũ sờn, một con dao đi rừng giắt bên hông cùng đôi giày bộ đội bền chỉ. Núi Voi hôm nay mưa tầm tã, già KTen dẫn tôi vào nhà con gái đầu ở dưới chân núi chờ mưa tạnh. Câu chuyện bên ấm trà nóng, chất giọng âm trầm của ông say sưa kể về cuộc đời đầy biến động của mình. 

Chiến binh giữ rừng -0
Già KTen bên bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an tặng vì thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc và bằng khen của Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng.

KTen sinh ra ở làng Cơ Ho Srê, là nhóm có dân số đông nhất trong các dân tộc Cơ Ho ở buôn Bồ Liêng (xã Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Lớn lên, KTen là chàng trai vạm vỡ, có sức khỏe và thông minh hơn người. Năm 17 tuổi, KTen được bầu làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên xã Đinh Văn. Tháng 7/1975, KTen được Nhà nước cử đi học Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ Đà Lạt, sau đó về làm Trưởng Ban Thủy lợi xã Đinh Văn.

Thấy cuộc sống đồng bào mình đói nghèo, khi trồng trọt, chăn nuôi còn quá thủ công, thô sơ, KTen tiên phong hướng dẫn người trong buôn lắp 24 máy bơm nước vào ruộng, đắp hơn 20 đập thủy lợi để tưới tiêu hàng ngàn mẫu ruộng, và cũng là người đầu tiên hướng dẫn buôn làng cách cấy lúa, bởi ngày đó họ chỉ biết xạ ruộng.

Tuổi 19, KTen mang một vẻ đẹp lực điền, dũng mãnh, lại có tài nên được nhiều người để ý. Đôi mắt long lanh của cô gái Ka Khuy vô tình chạm phải KTen và đem lòng yêu thương. Thế rồi, cô đã bắt chàng trai về làm chồng. Từ ngày đó, KTen về thôn KLong, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng sinh sống. Đất nước hòa bình chưa được bao lâu thì tổ chức phản động Fulro xuất hiện ở Đức Trọng và nhiều khu vực khác của Tây Nguyên. Ban ngày chúng ẩn nấp trên núi, ban đêm tràn xuống sát hại dân lành. Người cậu ruột của KTen cũng là nạn nhân của “bóng ma tội ác” này khiến sự căm phẫn của ông càng lên đến tột độ.

KTen tham gia lực lượng vũ trang Công an tỉnh Lâm Đồng, được giao trọng trách đội trưởng chỉ huy nhóm trinh sát đánh Fulro của buôn làng. Năm 1981, khi đang làm nhiệm vụ ở khu vực suối KRèn, gần thác Prenn (xã Hiệp An, Đức Trọng) KTen rơi vào ổ phục kích của Fulro, bị thương ở chân, tưởng như trận đó ông đã nằm lại rừng xanh mãi mãi. Nhưng, may mắn có tảng đá với những cây gỗ lớn che chắn nên một mình ông vẫn thoát khỏi vòng vây của hơn 30 Fulro. Gắng hết sức lực, ông bắn trả đến viên đạn cuối cùng rồi bò men theo suối tìm về làng. Kể đến đây, già KTen cho tôi xem vết thương đã thành sẹo lớn ở ống chân bên phải.

“Đây là vết đạn Fulro bắn xuyên qua chân, làm đứt gân. Do không được chữa trị kịp thời, vết thương bị hoại tử, tôi phải điều trị hơn một tháng mới ổn định. Vết thương này đã làm sức khỏe tôi suy yếu nhiều, tôi được công nhận là thương binh hạng 4/4”, già KTen kể giây phút sinh tử trong cuộc chiến chống Fulro bảo vệ buôn làng của mình.  

Hồi đó, KTen vừa chiến đấu, vừa thu phục, khuyên bảo đồng bào trở về với gia đình, buôn làng. Ông và đồng đội đã tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, trong đó một mình KTen có 10 trận đụng độ với đối phương. “Nhờ rừng thiêng che chở nên mới sống sót hết lần này qua lần khác, tôi mang ơn những cánh rừng từ lúc đó”, già KTen chia sẻ về định mệnh đưa ông gắn bó với rừng.

Chiến binh giữ rừng -0
Cây thông cổ thụ có đường kính thân 5-6 người ôm.

Trong một lần ngồi nói chuyện với Đại tá Nguyễn Đức Hiệp, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cũng là người lính “vào sinh ra tử” chiến đấu với Fulro, tôi được Đại tá Hiệp chia sẻ rằng, Fulro ở Lâm Đồng cấu kết với phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc thiểu số phía Bắc di cư và phản động từ nơi khác đến để tập hợp lực lượng chống phá cách mạng. Hoạt động táo tợn, manh động của Fulro đã gây ra nhiều khó khăn, phức tạp cho công tác ổn định tình hình an ninh chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm sau giải phóng. 

Có một kinh nghiệm đã ngấm vào xương máu mỗi cán bộ chiến sĩ an ninh mà Đại tá Hiệp kể, đó là, ở với đồng bào phải chân thật, đã hứa với người ta thì phải làm. Một lần để mất niềm tin thì mãi mãi mất niềm tin. Muốn dân hiểu, dân thương thì phải học tiếng nói của họ. Học được rồi nói cho họ nghe, sai thì họ sửa, không ngại ngùng, không xấu hổ. Bản thân già KTen cũng tâm sự, ông rất ấn tượng với hình ảnh người lính công an: “Trong gian khổ, chúng tôi được cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với những người lính công an dũng cảm, điều đó càng thôi thúc chúng tôi phải quyết tâm bảo vệ buôn làng. Sau này tôi khuyến khích con trai vào ngành Công an. Hiện, cháu là cán bộ an ninh của Công an huyện Đức Trọng”, già KTen kể đầy tự hào.

Năm 1986, trận chiến đấu cuối cùng xóa bỏ lực lượng Fulro trên địa bàn huyện Đức Trọng kết thúc, già KTen được vinh dự nhận bằng khen của Công an tỉnh Lâm Đồng và bằng khen của Bộ Nội vụ thời đó (nay là Bộ Công an).

2. Buôn làng bình yên trở lại dưới chân núi Voi, già KTen có một ngôi nhà đủ rộng, đủ lớn để vợ chồng ông sum vầy bên 4 người con và những đứa cháu. Nhưng, ông quyết lên cửa rừng để tiện cho việc bảo vệ rừng, gìn giữ quần thể thông đỏ, du sam quý hiếm và tìm sự bình yên giữa đại ngàn.

Trong suy nghĩ của ông, rừng đã che chở mình những ngày gian khó thì giữ rừng là cách để trả ơn. Già KTen tâm tư: “Nếu không có những cây thông đỏ cổ thụ để ẩn náu và vợ tôi thầm lặng làm giao liên tiếp tế lương thực, mật báo thông tin thì có lẽ giờ tôi đã đi theo tiếng gọi của Yàng rồi”. Quyết định lên rừng của ông đã được vợ đồng thuận đi theo. Hai vợ chồng dựng một căn chòi nhỏ trên đỉnh núi Voi, cuốc đất trồng cà phê bên những vạt đồi trống, gieo mầm rau và nuôi con gà, con lợn sống đời tự cung tự cấp. 

Bóng đêm trải dài cùng những cơn gió lạnh như cắt da cắt thịt từ đỉnh núi lùa vào mái chòi nhỏ không hề khiến cuộc sống của đôi vợ chồng thiếu đi hạnh phúc. Theo già KTen, giữ rừng không nguy hiểm như đánh trận, nhưng cũng không ít lần ông phải đổ máu. Khu rừng rộng 32 ha thuộc các tiểu khu 268, 277A (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) với quần thể thông đỏ quý hiếm, những cây du sam lúc nào cũng bị các đối tượng lâm tặc lăm le đốn hạ. Đốn không được, chúng tìm tới vợ chồng KTen để đe dọa, uy hiếp, chặn đánh hòng khiến họ nhụt chí, nản lòng.

Nhấp ngụm nước ấm, nhìn về phía ngọn thông đỏ đang rì rào gọi gió, già KTen trầm ngâm kể: “Một hôm, tôi đưa vợ đi khám bệnh, khi đến con dốc giữa núi thì bị hơn chục thanh niên chặn đường đòi đánh vì trước đó tôi ngăn cản chúng cưa cây rừng. Tôi hỏi, chúng mày muốn gì? Bên kia trợn ngược mắt lên, lăm lăm hung khí tính lao về phía hai vợ chồng tôi. Biết không thể đánh lại được đội quân kia, tôi lấy bình tĩnh, nói vợ ôm chặt vào để tôi vặn ga phi nước đại thoát khỏi vòng vây”.

Chiến binh giữ rừng -0
Quần thể thông đỏ ở núi Voi được đánh giá là đặc biệt quý hiếm.

Một lần khác, khi vợ chồng ông đang ở trong chòi trên rừng thì một nhóm người cầm gậy gộc, dao rựa, đuốc lửa hăm dọa đòi thiêu sống hai vợ chồng già. Từng trải qua những trận đánh Fulro nên già KTen có kinh nghiệm đối phó với hiểm nguy. Lúc ấy, già không phản ứng gì, giữ yên lặng để hạ cái đầu đang bốc hỏa của lâm tặc. 

Đe dọa không được, chúng rút lui nhưng chờ lúc vợ chồng già KTen xuống núi thì căn nhà gỗ bị lửa thiêu rụi. Nhìn đống tro tàn còn sót lại, già KTen nén căm hận, động viên vợ vững lòng. Dân làng biết chuyện đã cùng nhau đi nhặt gỗ, xẻ ván dựng lại chòi mới cho vợ chồng già KTen. Suốt bao nhiêu năm, trải qua những gian nan, thử thách, biến cố và hiểm nguy trên cánh rừng thông đỏ nhưng chưa bao giờ già KTen nghĩ đến việc phải từ bỏ “kho báu” quý giá của đại ngàn. 

Hơn nửa cuộc đời gắn bó với rừng núi Voi, già làng KTen nhớ rõ vị trí từng cây thông đỏ trong lòng bàn tay. Trong quần thể 59 cây thông đỏ thuộc diện tích già KTen nhận bảo vệ, có những cây đường kính thân phải 5-6 người ôm mới hết. Đi dưới tán rừng cổ thụ, già KTen thuộc từng hòn đá, gốc cây. Ở độ cao khoảng 1.600m so với mặt nước biển, già KTen chỉ vào gốc cây thông đỏ cổ thụ gắn số 206, đọc rõ thông số: “Cây này có chiều cao trên 30 mét”. Phía xa kia, độ cao gần 1.900m là cây thông số 100. Nhìn to thế kia nhưng nó chưa phải cổ nhất ở đây. Bậc “bô lão” của cánh rừng là cây thông số 143, cao thẳng tắp tới hơn 30m, đường kính gốc gần 3m, rễ to lớn nổi lên mặt đất, vươn xa trong vòng 1.000m, cây có độ tuổi 2.500 năm. Chính tôi là người đã dẫn đoàn nhà khoa học nước ngoài và Việt Nam tới khảo sát và đo độ tuổi của cây thông này”. 

Ngoài quần thể thông đỏ quý hiếm, núi Voi còn có loài cây quý khác là du sam (ngô tùng). Già KTen nhớ rõ rừng gốc một và có thể kể về cuộc đời của mỗi cây. “Du sam ở núi Voi trước kia có hàng trăm cây, nhưng bị khai thác trộm, giờ chỉ còn vài cây nằm rải rác. Dù không đánh số nhưng tôi vẫn đặc biệt để mắt tới chúng vì còn rất ít. Mấy năm trước, có 4 cây bị bệnh, mục thân, đổ xuống. Đau lắm, xót lắm nhưng nó thuận theo lẽ tự nhiên thì phải chịu thôi”. Và, lẽ tự nhiên ấy cũng lấy đi người vợ bao nhiêu năm chung vai sát cánh cùng ông bảo vệ rừng thông đỏ núi Voi. Cách đây hơn 2 năm, bà đã về với Yàng, bỏ lại ông và cánh rừng. Từ ngày vợ mất, ông cũng không còn sống trên chòi nữa, vì nó gợi nhớ khoảng trời ký ức không thể xóa nhòa về người vợ thân yêu. Ông bây giờ, mỗi sáng tinh mơ gói theo nắm cơm chạy xe vào rừng cho đến tối mờ thì trở về. Cứ đều đặn chưa một ngày ngơi nghỉ dù cho mưa gió bão bùng. 

Trước khi chào tạm biệt già KTen, ông nắm chặt tay chúng tôi thổ lộ: “Khi nào có dịp nhớ quay lại, già sẽ chiêu đãi đặc sản núi Voi”. Như không để chúng tôi thắc mắc, già cười vui: “Lương bảo vệ quần thể thông đỏ của già được trả 6 triệu đồng mỗi tháng”. “Nếu không ai trả tiền nữa thì già có còn mặn mà với việc bảo vệ loài thông đỏ này không?”, tôi hỏi. Già KTen cười thật lớn, trả lời ngay: “Thật ra tôi chỉ mới được trả lương vài năm trở lại đây thôi, trước kia hơn 30 năm không có lương, chẳng có thưởng nhưng tôi vẫn ở đó bảo vệ loài thông đỏ. Tôi làm việc này vì tình yêu rừng và trả nợ rừng mà không cần đòi hỏi một đặc ân nào”.

Ngọc Hoa
.
.
.